Hà Tĩnh: Phát triển đô thị xanh - thông minh, ứng dụng công nghệ vào đời sống

Hà Tĩnh đang nỗ lực phát triển đô thị xanh, hiện đại, thông minh, trong đó lấy con người, chất lượng cuộc sống làm trung tâm.

Hướng tới xây dựng một Hà Tĩnh xanh, thông minh

Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh: "Nhằm giải quyết các vấn đề về ngập lụt, kết nối hạ tầng và nâng cao khả năng chống ngập trước biến đổi khí hậu... là chiến lược phát triển lâu dài và bền vững mà tỉnh Hà Tĩnh đặt ra khi phê duyệt Dự án Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu với tổng mức đầu tư hơn 3.286 tỷ đồng".

Hà Tĩnh tập trung phát triển đô thị xanh - Thông minh - Hiện đại bền vững.

Hà Tĩnh tập trung phát triển đô thị xanh - Thông minh - Hiện đại bền vững.

Sau nhiều năm đối mặt với tình trạng ngập úng, hạ tầng đô thị xuống cấp và tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, tỉnh Hà Tĩnh chuẩn bị bước vào một giai đoạn đầu tư quy mô lớn được triển khai tại các phường, xã: Thành Sen, Trần Phú, Hà Huy Tập và Cẩm Bình là những khu vực có mật độ dân cư cao, cơ sở hạ tầng đang quá tải hoặc thiếu đồng bộ.

Chia sẻ với phóng viên, ông Tô Thái Hòa, Chủ tịch Phường Hà Huy Tập cho biết: "Điểm nhấn quan trọng của dự án là các hạng mục cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước.

Dự án sẽ cải tạo và xây mới các tuyến cống, hồ điều hòa, trạm bơm và cống ngăn triều nhằm cải thiện đáng kể năng lực tiêu thoát nước.

Ngoài ra, các tuyến đường kết nối trung tâm với khu vực ven đô cũng sẽ được xây dựng mới, kết hợp cùng hệ thống kênh thoát nước song hành, vừa mở rộng không gian đô thị, vừa hỗ trợ giảm ngập hiệu quả".

Một phần quan trọng khác của dự án là tăng cường khả năng quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, các đơn vị hưởng lợi sẽ được hỗ trợ xây dựng hệ thống tích hợp quản lý đất đai, hạ tầng kỹ thuật và hệ thống cảnh báo ngập lụt, hướng tới mô hình đô thị thông minh, quản lý chủ động và ứng phó kịp thời với các tình huống thời tiết cực đoan.

Việc phê duyệt và khởi động dự án này không chỉ thể hiện cam kết của Hà Tĩnh trong việc cải thiện môi trường sống cho người dân mà còn cho thấy quyết tâm của địa phương trong việc hướng đến phát triển đô thị xanh, thông minh, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu- một thách thức đang ngày càng rõ rệt tại các đô thị ven biển miền Trung.

Ông Hoàng Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND phường Thành Sen chia sẻ: "Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực xây dựng, phát triển đô thị, đến nay mật độ cây xanh ở phường Thành Sen đạt khoảng 10m2/người.

Các công trình đường giao thông, hồ điều hòa, hệ thống tiêu thoát lũ, chống ngập úng tiếp tục được đầu tư nâng cấp, xây dựng đồng bộ, hiện đại. Việc phát triển đô thị thông minh được chú trọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh hoạt và sự hài lòng cho người dân".

Ứng dụng CNTT để cải thiện quy trình hành chính

Cùng với đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị theo hướng hiện đại, thông minh, sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, công tác thu gom, xử rác thải, nước thải sinh hoạt được quan tâm chú trọng.

Việc phát triển kinh tế, liên kết sản xuất, xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái được đẩy mạnh, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng và cải thiện môi trường sinh thái tự nhiên.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, người dân tổ 4, phường Thành Sen cho biết: "Chúng tôi được sống trong môi trường lành mạnh, an toàn. Chiều nào bà cháu cũng đi thể dục ở công viên, cháu được vui chơi các dịch vụ tiện ích công cộng như xích đu, máy lắc tập tay, chân... Xung quanh đều có camera giám sát đảm bảo an ninh nên người lớn rất yên tâm khi cho các cháu vui chơi ở đây".

Hà Tĩnh thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai Dự án Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hà Tĩnh thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai Dự án Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Đậu Tùng Lâm, Bí thư phường Hà Huy Tập chia sẻ: "Sau khi vận hành chính quyền 2 cấp, chúng tôi tiếp tục đầu tư mở rộng dự án đô thị thông minh như: Đầu tư hạ tầng thông minh, dịch vụ đô thị thông minh, quản lý đô thị thông minh, phát triển kinh tế xã hội.

Trong đó chú trọng ứng dụng CNTT để cải thiện quy trình hành chính, giảm thiểu thủ tục giấy tờ và nâng cao hiệu quả công việc của cán bộ, công chức; cung cấp thông tin đầy đủ và cập nhật các dịch vụ công, chính sách và hoạt động của phường.

Đầu tư hệ thống chiếu sáng thông minh, hệ thống quản lý chất thải thông minh, hệ thống quản lý dữ liệu, hệ thống giám sát và cảnh báo sớm về các vấn đề như thiên tai ngập lụt, cháy nổ… Nâng cấp hệ thống giám sát an ninh để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản; giám sát giao thông, giám sát quy hoạch, đất đai…

Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển du lịch dịch vụ nhà hàng thông minh. Phấn đấu đến năm 2026 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được cung cấp trên thiết bị di động thông minh.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, chúng tôi đã lựa chọn danh mục theo thứ tự ưu tiên, gồm: Các công trình trọng điểm, công trình tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; các công trình dân sinh, công trình tạo nguồn, tạo điểm nhấn đô thị góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, giải quyết được những vấn đề cấp thiết".

Ông Trần Văn Tài, phường Thành Sen cho biết: "Bây giờ chúng tôi không cần phải đi lòng vòng để làm thủ tục giấy tờ phức tạp như xưa. Nhiều thủ tục hành chính được hướng dẫn kê khai trực tuyến nên chúng tôi ở nhà có điện thoại thông minh là giải quyết được hết. Vừa rồi tôi làm mất CCCD, rồi làm biến động bìa đất....đều khai ở nhà...rất thuận tiện và nhanh được xử lý".

Chia sẻ về những thách thức và các giải pháp đã áp dụng trong quá trình xây dựng Hà Tĩnh trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại bền vững, ông Trần Báu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Bên cạnh những thuận lợi thì tỉnh đã và đang đối mặt với nhiều thách thức như: Áp lực từ tốc độ đô thị hóa, chưa đồng bộ trong quy hoạch và quản lý đô thị, hạn chế về hạ tầng kỹ thuật và công nghệ xanh, nhận thức của cộng đồng chưa cao, tài chính và nguồn lực còn hạn chế… Từ thực tế đó, tỉnh đã có những giải pháp đồng bộ để xây dựng chiến lược phát triển đô thị xanh dài hạn.

Theo đó, các giải pháp đã được áp dụng bao gồm: hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy kinh tế xanh, tăng trưởng xanh; nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; và tăng cường quản lý đô thị thông minh".

Thủy Linh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ha-tinh-phat-trien-do-thi-xanh-thong-minh-ung-dung-cong-nghe-vao-doi-song-19225071115565752.htm