Hà Tĩnh: phòng chống cháy nổ tại các chợ, những vấn đề đặt ra
Tỉnh Hà Tĩnh đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây các khu chợ, tạo thuận lợi trong buôn bán, giao thương hàng hóa. Tuy nhiên, công tác phòng chống cháy nổ còn bất cập, nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn, thiệt hại sẽ rất khó lường.
Chợ Cày ở huyện Thạch Hà hiện có hơn 250 hộ kinh doanh, buôn bán lớn nhỏ. Tại đây, hệ thống phòng cháy, chữa cháy được trang bị đầy đủ, vậy nhưng nghịch lý là có rất nhiều hộp chữa cháy, bình chữa cháy thường xuyên bị che khuất, mắc kẹt dưới các gian hàng cố định.
Nhiều hộp chữa cháy lâu ngày không được bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ nên không thể đóng mở. Nếu chẳng may cháy nổ xảy ra thì rất khó có thể cơ động, dập lửa kịp thời. Ngoài ra, tại khu nhà liền kề (nhà ở kết hợp kinh doanh) nhiều hộ đã tự tiện phá vỡ thiết kế, dùng sắt thép hàn “chuồng cọp” kiên cố để tăng diện tích sử dụng, nhưng lại vi phạm các quy định về công tác phòng chống cháy.
“Hệ thống hộp chữa cháy, bình chữa cháy bị mắc kẹt dưới các gian hàng là rất bất cập, không thể cơ động, ứng cứu kịp thời khi có cháy nổ xảy ra. Chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, kiểm tra, yêu cầu các hộ kinh doanh không được chất hàng hóa lên hệ thống chữa cháy, đồng thời tiến hành rà soát, có phương án tháo dỡ “chuồng cọp”, đảm bảo an toàn hơn trong phòng chống cháy”, ông Phan Đăng Hưng- Phó Trưởng Ban Quản lý chợ Cày cho biết.
Không riêng gì chợ Cày, hiện nay tại nhiều chợ trung tâm công tác phòng chống cháy nổ có dấu hiệu lơ là, chủ quan, việc lắp đặt các phương tiện, thiết bị chữa cháy chỉ mang tính hình thức, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn luôn tiềm ẩn.
Các mặt hàng bán tại chợ, nhất là hàng dễ cháy như: vàng mã, quần áo, đồ nhựa...bỏ lộn xộn, thậm chí bịt kín lối đi. Hệ thống điện thắp sáng và phục vụ chế biến hàng hóa đấu nối, mắc tạm bợ, chằng chịt khắp nơi. Nếu xảy ra chập điện, hỏa hoạn thì tai nạn rủi ro và những thiệt hại sẽ rất khó lường.
“Hệ thống điện lắp đặt đã lâu và bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Hiện tượng chập điện đã từng xảy ra tại nhiều gian hàng, khiến mọi người đều lo lắng về nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa nắng nóng, mưa bão”, chị Trần Thị Loan kinh doanh tại chợ Nghèn, huyện Can Lộc cho biết.
Theo thống kê, tỉnh Hà Tĩnh hiện có 148 chợ từ hạng 1 đến hạng 3. Trong đó, nhiều khu chợ hạng 2 và hạng 3 cơ sở vật chất đã bị xuống cấp, phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy chưa được trang bị đồng bộ, chưa đáp ứng yếu cầu đề ra.
Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Nguyễn Văn Chút- Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị đã chủ trì, phối hợp với công an cấp huyện và các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức trên 150 buổi tuyên truyền trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy.
“Hiện tượng hàng hóa bày bán lấn chiếm lối đi, hành lang thoát nạn; hệ thống phương tiện, thiết bị phòng cháy cũng như việc lắp đặt điện chiếu sáng chưa đúng quy định…Đơn vị sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở Ban Quản lý các chợ, đội phòng cháy chữa cháy cơ sở chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, góp phần đảm bảo an toàn phòng cháy, nâng cao hiệu quả kinh doanh”, Thiếu tá Nguyễn Văn Chút thông tin.
Cháy nổ thường xảy ra bất ngờ và có thể gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng của lực lượng chuyên trách, thì chính quyền các cấp, Ban Quản lý các chợ và đặc biệt là các tiểu thương ở tỉnh Hà Tĩnh cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, không lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống cháy.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-tinh-phong-chong-chay-no-tai-cac-cho-nhung-van-de-dat-ra.html