Hà Tĩnh quyết tâm cải thiện bộ chỉ số đổi mới sáng tạo
Hà Tĩnh đang từng bước cải thiện và nâng cao bộ chỉ số đổi mới sáng tạo bằng các giải pháp, lộ trình bài bản, khoa học để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) cấp địa phương (gọi tắt là PII) có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột. Bộ chỉ số cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể; các căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương dựa trên KH&CN và ĐMST. Từ đó, bộ chỉ số giúp các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan tham mưu các chủ trương, chính sách phù hợp cho phát triển KT-XH.
Theo kết quả công bố của Bộ KH&CN, bộ chỉ số PII của Hà Tĩnh năm 2023 đạt 33,76 điểm, xếp thứ hạng 42/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 4 khu vực Bắc Trung bộ (sau Huế, Nghệ An, Thanh Hóa).
Qua rà soát của Sở KH&CN cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Tĩnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định ảnh hưởng đến hoạt động KH&CN và ĐMST phục vụ phát triển KT-XH như: việc chuyển hóa các đầu vào ĐMST thành các đầu ra ĐMST của tỉnh hiệu quả chưa cao; nguồn lực đầu tư cho KH&CN còn hạn chế; năng lực kết nối giữa doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài tỉnh chưa cao; số lượng doanh nghiệp KH&CN còn ở mức thấp; mặc dù đã hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, tuy nhiên hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các vườn ươm chưa rõ nét; các quỹ đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST vẫn còn rất hạn chế…
Theo ông Nguyễn Võ Hưng - Trưởng ban Chính sách ĐMST - Học viện KH&CN và ĐMST, để cải thiện bộ chỉ số PII, các địa phương cần tập trung các giải pháp cải thiện đối với các trụ cột đầu vào có kết quả thấp như: trình độ phát triển của doanh nghiệp, phát triển của thị trường, vốn con người và nghiên cứu và phát triển. Trong hai trụ cột đầu ra, trụ cột sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ cũng cần được quan tâm cải thiện trong những năm tới.
Theo ông Nguyễn Võ Hưng, đối với tỉnh Hà Tĩnh, địa phương cần liên tục cải thiện môi trường chính sách, môi trường kinh doanh, duy trì bền vững các kết quả đạt được, tiếp tục cải thiện các chỉ số có kết quả thấp. Tăng cường đầu tư cho KH&CN, nghiên cứu và phát triển.
Cùng đó, cần duy trì bền vững 2 chỉ số PAPI 2023 (chỉ số 3.1.2. - Quản trị điện tử và 3.2.3. - Quản trị Môi trường). Đặc biệt, cần khuyến khích doanh nghiệp thường xuyên đào tạo lao động; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ĐMST; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đạt các chứng chỉ ISO, đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ…
Hiến kế với Hà Tĩnh, TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích, qua các báo cáo, điều tra của Bộ KH&CN cho thấy, năng lực ĐMST của doanh nghiệp Hà Tĩnh tương đối thấp, thuộc top cuối của cả nước. Trong thời gian tới, nguy cơ tụt hậu xa hơn, không thể bứt thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp… nếu Hà Tĩnh chậm chân trong việc thúc đẩy năng lực ĐMST doanh nghiệp.
Ngoài các yếu tố địa kinh tế, khí hậu bất lợi thì trình độ phát triển và thị trường là những nguyên nhân chính khiến chỉ số PII Hà Tĩnh thấp. Vì vậy, trong thời gian tới, Hà Tĩnh cần rà soát, sửa đổi các quy định để tháo gỡ các rào cản đối với ĐMST, tạo thuận lợi cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư; theo dõi, rà soát các chỉ số PII, qua đó, sớm xây dựng kế hoạch, giải pháp để cải thiện chỉ số này; củng cố phát triển các tổ chức trung gian, hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và thương mại hóa sản phẩm…
TS. Lê Xuân Sang cũng lưu ý lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn cần nhận thức sâu sắc hơn về vai trò quan trọng của ĐMST đối với năng suất, lợi nhuận và thu nhập của người lao động; nhất là trong bối cảnh lợi thế giá rẻ về nhân công, thuê mặt bằng dần tăng lên và sử dụng người máy ngày càng rộng rãi…
Ông Lê Văn An - Giám đốc Công ty TNHH KH&CN An Phát đề xuất, để nâng cao hiệu quả ứng dụng KHCN và ĐMST trong doanh nghiệp, tỉnh cần tổ chức các hoạt động chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin KHCN mới nhất. Cùng đó, doanh nghiệp, HTX, các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng làm chủ công nghệ mới; tăng cường liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chính quyền địa phương; cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp có dự án ĐMST...
Từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh, đa số doanh nghiệp, hợp tác xã có chung mong mỏi được các cấp quản lý tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, trong đó các doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Ông Bùi Phong An – Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, theo kết quả bộ chỉ số PII năm 2023 cho thấy, tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung các giải pháp cải thiện đối với các trụ cột có kết quả còn thấp như: trụ cột cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của doanh nghiệp; sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động; các chỉ số thành phần có điểm số thấp. Hiện nay, Sở KH&CN đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng “Kế hoạch duy trì, cải thiện và nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024 và những năm tiếp theo” (dự kiến ban hành trong tháng 9/2024) để có lộ trình thực hiện khoa học, bài bản. Đồng thời, sở cũng sẽ tổ chức các khóa huấn luyện nhằm nâng cao nhận thức, ý nghĩa, mục đích và xác định giải pháp nâng cao bộ chỉ số PII.