Hà Tĩnh sẽ tiêm phòng thử nghiệm 3.000 liều vắc - xin phòng chống viêm da nổi cục trên trâu, bò trong tháng 1
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch phân bổ vắc - xin phòng chống viêm da nổi cục nhập từ nước ngoài về cho các địa phương xuất hiện dịch. Hà Tĩnh dự kiến sẽ triển khai tiêm phòng thử nghiệm 3.000 liều trên trâu, bò trong tháng 1/2021.
Trước tình hình trâu, bò của người dân bị chết do dịch bệnh viêm da nổi cục, phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh về hướng xử lý để hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh
PV: Ông có thể thông tin cụ thể hơn về tình hình, diễn biến của dịch bệnh viêm da nổi cục tại Hà Tĩnh đến thời điểm này?
Ông Nguyễn Khắc Khánh: Ngày 15/12/2020, nhận được báo cáo về việc đàn trâu, bò tại xã Mai Phụ (Lộc Hà), xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà) có biểu hiện sốt, bỏ ăn, xuất hiện nốt sần ở vai, bụng, Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Chi cục Thú y vùng 3 tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với virus gây bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Hiện nay, 4 huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Hương Khê, Cẩm Xuyên đã ghi nhận có ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Từ đó đến nay, bệnh viêm da nổi cục đã lây lan nhanh, xẩy ra tại 12 xã, thị trấn gồm: Mai Phụ, Phù Lưu, Thạch Châu, thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà); Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Khê, Thạch Lạc (huyện Thạch Hà); Phú Phong, Hương Xuân, Hương Trà (huyện Hương Khê); Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên).
Theo đó, có 151 con nhiễm bệnh, trong đó có 10 con bị chết, phải đi tiêu hủy, gồm 3 con ở Lộc Hà, 7 con ở Thạch Hà với tổng khối lượng hơn 2.100kg.
P.V: Theo ông, những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch hiện nay tại Hà Tĩnh là gì?
Ông Nguyễn Khắc Khánh: Đây là loại dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng nên chưa có phác đồ điều trị cụ thể, gây khó khăn, lúng túng trong công tác chuyên môn từ các đơn vị thuộc trung ương đến địa phương.
Cùng với đó, vắc - xin hiện tại trong nước chưa sản xuất được, phải nhập ngoại và cần thời gian để xem xét, thử nghiệm, đánh giá độ an toàn trước khi đem vào sử dụng rộng rãi.
Ngành chuyên môn và chính quyền địa phương thực hiện tiêu hủy bò bị chết do dịch viêm da nổi cục tại huyện Lộc Hà.
Bệnh viêm da nổi cục bùng phát và lây lan tại địa phương trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, rét đậm, rét hại kéo dài làm giảm sức đề kháng của trâu, bò và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch tại các địa phương nhất là việc phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại.
Hơn nữa, ý thức của nhiều hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ vẫn còn kém, thiếu quan tâm đến tình hình diễn biến của dịch bệnh, không thực hiện các hướng dẫn mà ngành chuyên môn đã thông tin.
P.V: Ông nhận định như thế nào về diễn biến của dịch bệnh viêm da nổi cục trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Khắc Khánh: Ngành chuyên môn tiếp tục khuyến cao nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục tiếp tục lây lan trên diện rộng trên địa bàn tỉnh là rất cao, nhất là dịp trước và sau tết Nguyên đán.
Chỉ trong vòng gần 1 tháng, loại bệnh này đã xuất hiện tại 4 huyện nên sẽ có điều kiện phát tán nhanh hơn ở các địa phương khác do các véc tơ truyền bệnh đa dạng gồm: ruồi, muỗi, ve, mòng hút máu, vận chuyển...
Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm trên các con bò ở xã Mai Phụ, Lộc Hà
Tình hình chăn thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn khá phổ biến ở nhiều địa phương. Nhu cầu vận chuyển, giết mổ trâu, bò dịp tết tăng mạnh, khó kiểm soát hơn. Cùng với đó, thời tiết rét sâu kèm mưa ẩm kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, khiến dịch bệnh dễ dàng xâm nhập.
P.V: Ngành chuyên môn khuyến cáo gì đối với chính quyền địa phương, người chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh và hạn chế thiệt hại?
Ông Nguyễn Khắc Khánh: Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã nhập thành công lô vắc - xin bệnh viêm da nổi cục từ nước ngoài về và có kế hoạch phân bổ cụ thể cho các địa phương xuất hiện dịch. Dự kiến, trong tháng 1/2021, Hà Tĩnh sẽ được triển khai tiêm phòng thử nghiệm 3.000 liều trên trâu, bò tại huyện Thạch Hà 2.000 liều và huyện Lộc Hà 1.000 liều. Sau đó, cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành theo dõi chặt chẽ tác dụng của vắc - xin trước khi đem vào sử dụng trên quy mô rộng.
Trong khi chờ các kết quả của ngành chuyên môn về việc tiêm thử nghiệm vắc - xin, các địa phương vẫn phải chủ động trong công tác phòng chống, khoanh vùng dịch. Đối với đàn trâu, bò đã bị nhiễm bệnh, người dân có ý thức chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho vật nuôi. Vào mùa này, cần giữ ấm, che chắn chuồng trại cẩn thận; chủ động nguồn thức ăn dự trữ; nấu thêm thức ăn nóng như cháo loãng, cám ngô, bổ sung các chất dinh dưỡng, vitamin; pha thêm nước muối loãng, ấm để trâu, bò uống.
Những ngày nhiệt độ thấp có thể đốt lửa sưởi trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi... nhưng phải đảm bảo an toàn trong chuồng nuôi, tránh cho vật nuôi bị bỏng, ngạt khói hoặc gây cháy chuồng.
Người dân có thể đốt lửa để sưởi ấm cho trâu, bò vào những ngày thời tiết chuyển rét đậm, rét hại.
Đối với các địa phương đã xuất hiện ổ dịch, tiếp tục tuyên truyền thường xuyên, hướng dẫn về tình hình, biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân biết và tự chủ động trong bảo vệ đàn trâu, bò.
Chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, lập cam kết với hộ chăn nuôi để quản lý, chăm sóc đàn trâu, bò bị bệnh tại chỗ; xử lý, tiêu hủy trâu, bò bị chết đúng quy định; thường xuyên phun tiêu độc khử trùng bằng hóa chất mạnh, vôi bột, lập chốt kiểm soát trực tiếp tại khu vực đã có dịch. Đồng thời, lập đoàn giám sát từ cấp cơ sở đến huyện để kiểm soát các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật.
Các địa phương đã xuất hiện dịch cần chủ động, không lơ là với dịch bệnh.
Ở các địa phương khác chưa xuất hiện ổ dịch, cần hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng chống; thực hiện các biện pháp chống đót, rét cho vật nuôi.