Hà Tĩnh tập trung phòng chống dịch viêm da nổi cục, kiểm soát chặt khâu giết mổ
Trước nguy cơ dịch viêm da nổi cục lây lan trên diện rộng vào dịp tết Nguyên đán, ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương Hà Tĩnh chủ động các biện pháp phòng chống, kiểm soát giết mổ để cung ứng nguồn thịt chất lượng ra thị trường.
Phun tiêu độc khử trùng là một trong những biện pháp cần thiết để hạn chế lây lan của mầm bệnh.
Không chủ quan, lơ là với dịch bệnh viêm da nổi cục
Bệnh viêm da nổi cục đang có những diễn biến phức tạp tại huyện Lộc Hà. Đến nay, địa phương đã có 4 xã, thị trấn xuất hiện ổ dịch là Mai Phụ, Thạch Châu, Phù Lưu, thị trấn Lộc Hà với 42 con mắc bệnh.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Phan Văn Thanh cho biết: “Theo nhận định, dịch sẽ tiếp tục lây lan rộng hơn do các véc-tơ truyền bệnh nhiều, khó kiểm soát; nhu cầu buôn bán, vận chuyển bò đang tăng cao do cận tết.
Trước tình hình trên, UBND huyện Lộc Hà đã kiện toàn ban chỉ đạo chống dịch tại các xã, tổ chức ký cam kết nuôi nhốt tại nhà ở vùng có dịch, thông tin rộng rãi tình hình dịch bệnh với bà con, cấp thêm 400 lít hóa chất và 3,5 tấn vôi bột để tiêu độc khử trùng. Đồng thời, cử cán bộ theo dõi sát tình hình để có hướng xử lý, khoanh vùng các ổ dịch”.
Cơ quan chức năng và người dân thực hiện rải vôi bột tại các trục đường xuất hiện ổ dịch.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú ý Hà Tĩnh, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 10 xã thuộc 3 huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Hương Khê với 90 con mắc bệnh, trong đó đã phải tiêu hủy 2 con, khối lượng hơn 520 kg.
Ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho hay: Với đặc điểm chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức phòng chống dịch của người dân hạn chế, thời tiết rét đậm, rét hại làm giảm sức đề kháng, khâu vận chuyển, giết mổ tăng cao do nhu cầu thị trường tết… nên nguy cơ dịch phát sinh lây lan còn rất cao.
Người chăn nuôi Hà Tĩnh cần tăng cường bổ sung thức ăn, giữ ấm cho trâu, bò trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
"Vì vậy, đề nghị các địa phương không chủ quan, lơ là với dịch, tiếp tục theo dõi chặt tình hình tại cơ sở, tăng cường quản lý đối với hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ sản phẩm động vật; hướng dẫn thường xuyên các biện pháp vệ sinh, tiêu độc chuồng trại, bảo vệ sức khỏe trâu, bò. Cục Thú y tiếp tục hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch và cấp 8.000 liều vắc-xin để tiêm phòng nhằm bao vây, khống chế dịch” - ông Nguyễn Khắc Khánh khuyến cáo.
Chú trọng khâu kiểm dịch để người tiêu dùng yên tâm sử dụng thịt
Cùng với việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch viêm da nổi cục, công tác kiểm soát tại các lò mổ, chợ dân sinh cũng được chú trọng hơn.
Anh Bùi Văn Tý - cán bộ kiểm dịch thực hiện lăn dấu kiểm dịch cho bò tại cơ sở giết mổ gia súc tập trung TP Hà Tĩnh.
Ông Trương Hữu Hà - chủ cơ sở giết mổ gia súc tập trung TP Hà Tĩnh (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Cơ sở chúng tôi là một trong những cơ sở giết mổ bò lớn nhất tỉnh, trung bình mỗi ngày giết mổ từ 8 - 10 con bò. Quy trình kiểm tra sức khỏe đầu vào, chất lượng thịt và lăn dấu, xuất biên lai thu phí kiểm soát giết mổ được thực hiện, giám sát chặt chẽ bởi cán bộ kiểm dịch trước khi thịt được đưa ra tiêu thụ tại chợ”.
Cơ sở giết mổ gia súc tập trung TP Hà Tĩnh là nơi cung ứng nguồn thịt bò lớn cho thị trường.
Anh Bùi Văn Tý - cán bộ kiểm dịch cơ sở giết mổ thông tin: “Bò được đưa vào lò mổ từ 15h - 16h ngày hôm trước, chúng tôi thực hiện các bước theo dõi về sức khỏe, kiểm tra lâm sàng, nguồn gốc; khi đủ căn cứ khẳng định không có biểu hiện ốm, bệnh, mới được đem đi giết mổ. Cơ sở này cung ứng thịt cho thị trường rất rộng, nhất là địa bàn TP Hà Tĩnh nên công tác giám sát luôn được thực hiện đầy đủ".
Chị Quách Thị Thu - tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Thịt bò được các tiểu thương mua tại điểm giết mổ tập trung, có dấu kiểm dịch, biên lai thu phí đầy đủ. Nếu chúng tôi có nhập lẻ cho các quán hàng hoặc tiểu thương khác thì phải cung cấp cho họ biên lai, đảm bảo chất lượng thịt ra thị trường”.
Tất cả các quầy kinh doanh thịt bò tại chợ TP Hà Tĩnh đều được đóng dấu kiểm dịch đầy đủ.
Còn tại huyện Lộc Hà, công tác kiểm tra, kiểm soát tại các lò mổ cũng được chú trọng hơn. Được biết, hiện huyện có 3 lò mổ trâu, bò (xã Bình An, Phù Lưu,Thạch Châu). Khi địa bàn xuất hiện dịch, các cán bộ kiểm dịch quản lý chặt chẽ khâu nhập chuồng và thực hiện giết mổ.
Huyện đang lập đoàn giám sát liên ngành cùng các địa phương kiểm tra tại các điểm có nguy cơ cao như lò mổ, chợ dân sinh… dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán.
Tiểu thương phải xuất trình được biên lai thu tiền phí, lệ phí giết mổ có đóng dấu và ký tên của kiểm dịch viên.
Ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết thêm: "Viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh trên trâu, bò nhưng không lây nhiễm và không gây bệnh trên người.
Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng nên thực hiện các biện pháp an toàn như ăn chín, uống sôi, lựa chọn thịt lợn có nguồn gốc tại chợ dân sinh, có dấu kiểm dịch, phiếu kiểm dịch, tránh các điểm kinh doanh hàng rong bên đường… nhất là trong thời điểm nhu cầu tiêu dùng, buôn bán tăng cao, khó kiểm soát vào dịp cuối năm”.