Hà Tĩnh: Tàu mắc cạn, bỏ không nhiều tháng có nguy cơ gây mất an toàn
Nhiều tháng nay tại khu vực âu tránh trú bão cho tàu cá và chân cầu Sông Trí 2 (thuộc địa bàn xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) có 5 tàu cá loại lớn bị mắc cạn, bỏ không trơ trọi ở cửa sông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão sắp tới.
Gần trưa 22-9, có mặt tại xã Kỳ Hà, khi thủy triều xuống, chúng tôi ghi nhận ở khu vực cửa sông âu tránh trú bão cho tàu cá, có 4 chiếc tàu cỡ lớn cùng sơn màu trắng, hình thù giống nhau, chiều dài hàng chục mét đang mắc cạn, bỏ không.
Cách đó khoảng 150m, tại khu vực gần chân cầu Sông Trí 2 có 1 tàu cỡ lớn khác đang neo đậu bên mép bờ sông trong tình trạng bỏ không. Tàu này cũng sơn màu trắng, dây thừng dài hàng chục mét được buộc nối chặt từ tàu vào chân cầu, trên tàu không một bóng người.
Ngư dân Trần Văn Đường (63 tuổi, trú thôn Hải Hà, xã Kỳ Hà) cho biết, các tàu này không rõ làm thế nào lại về neo đậu, mắc cạn tại khu vực âu tránh trú bão xã Kỳ Hà. Nhiều tháng nay tàu trong tình trạng bỏ không, không có người qua lại trông coi, quản lý; người dân cũng không rõ chủ nhân của tàu là ai. Hiện nay, trên tàu chủ yếu còn lại phần vỏ, nhiều bộ phận máy móc quan trọng đã được tháo gỡ.
Theo ngư dân Trần Văn Đường, việc các tàu mắc cạn, bỏ không nhiều tháng nay trên cửa sông âu tránh trú bão cho tàu cá tại xã Kỳ Hà đã làm ảnh hưởng đến việc đi lại của tàu thuyền trong và ngoài địa phương, ảnh hưởng đến bãi nuôi nghêu của người dân...
Đặc biệt, nếu có đợt gió mạnh, áp thấp nhiệt đới,... sẽ có nguy cơ va đập gây hư hỏng kè biển, rừng cây ngập mặn, ao hồ nuôi trồng thủy hải sản của người dân ở địa bàn xã Kỳ Hà và phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh. Do đó, đề nghị chính quyền xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh và cơ quan chức năng sớm có phương án di dời các tàu này đến khu vực khác đảm bảo an toàn, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.
Trao đổi với PV SGGP, ông Lê Văn Luyện, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Hà cho biết, các tàu bỏ không tại khu vực âu tránh trú bão cho tàu cá là loại tàu composite. Ước tính mỗi tàu dài từ 20m đến 25m, rộng từ 4,5m đến 5m, công suất từ trên 1.000CV đến trên 1.500CV, và là loại tàu đánh bắt hải sản trên biển dài ngày.
Nếu các tàu không sớm được di chuyển đi nơi khác thì khi đến mùa mưa bão sẽ chiếm nhiều diện tích mặt nước ở cửa sông cũng như nơi neo đậu của các tàu thuyền vào âu tránh trú. Nếu chằng néo không chắc chắn rất dễ bị trôi dạt tự do làm hư hỏng rừng cây ngập mặn chắn sóng; gây cản trở, mất an toàn cho tàu thuyền qua lại, gây ảnh hưởng đến bãi nuôi nghêu của người dân... Đặc biệt, việc cột neo tàu gần chân cầu Sông Trí 2 (cầu nối xã Kỳ Hà và phường Kỳ Trinh) là rất nguy hiểm nếu xảy ra va đập khi có mưa bão lớn.
Ngày 22-9, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Đồn Biên phòng Kỳ Khang (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, các tàu này được trục vớt và kéo từ vùng biển TP Đà Nẵng ra TP Hải Phòng để sửa chữa.
Tuy nhiên, khi đi qua vùng biển thị xã Kỳ Anh thì gặp thời tiết không khí lạnh nên đã kéo vào khu vực âu tránh trú bão cho tàu cá xã Kỳ Hà để trú, tránh gió. Nhiều tháng nay do lạch biển Kỳ Hà bị khô cạn khiến các tàu bị mắc cạn, không thể di chuyển ra ngoài để về TP Hải Phòng được.
Theo lãnh đạo Đồn Biên phòng Kỳ Khang, trước đây, khi các tàu này bị chìm ở vùng biển TP Đà Nẵng, đã được gỡ đầu máy nên hiện chủ yếu chỉ còn lại phần vỏ. Hiện đơn vị cũng đã liên hệ, đốc thúc phía chủ tàu ở TP Hải Phòng và đang chờ thủy triều lên để kéo tàu ra khỏi khu vực trước mùa mưa bão. Dự kiến, trong tháng 9 hoặc tháng 10-2023 phải hoàn thành việc kéo tàu ra ngoài.