Hà Tĩnh: tháo dỡ 'ma trận' cọc bê tông nuôi hàu trái phép trên sông Rác

Chính quyền huyện Cẩm Xuyên và các địa phương, đơn vị liên quan đang tập trung ra quân tháo dỡ 'ma trận' cọc bê tông nuôi hàu trái phép trên sông Rác.

Hàng trăm người dân xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên ra quân tháo dỡ "ma trận" cọc bê tông, cọc tre nuôi hàu trái phép trên sông Rác

Hàng trăm người dân xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên ra quân tháo dỡ "ma trận" cọc bê tông, cọc tre nuôi hàu trái phép trên sông Rác

Trước đó, báo Kinh tế và Đô thị đăng loạt bài (Hà Tĩnh: cận cảnh ma trận cọc bê tông nuôi hàu trái phép (16/8) và Hà Tĩnh: giải pháp nào xử lý “ma trận” cọc bê tông nuôi hàu trái phép? (18/8)). Nội dung phản ánh trên dòng sông Rác ở huyện Cẩm Xuyên đang bị người dân ngang nhiên chiếm dụng, đóng hàng vạn cọc bê tông xe lẫn cọc tre kiên cố, chằng chịt để nuôi hàu.

Hàng vạn cọc bê tông xen lẫn cọc tre đóng kiên cố trên dòng sông Rác để nuôi hàu trái phép

Hàng vạn cọc bê tông xen lẫn cọc tre đóng kiên cố trên dòng sông Rác để nuôi hàu trái phép

Bà Nguyễn Thị Kính ở xã Cẩm Trung thu hoạch hàu trên sông Rác

Bà Nguyễn Thị Kính ở xã Cẩm Trung thu hoạch hàu trên sông Rác

Hệ lụy của đóng cọc bê tông nuôi hàu tự phát (diện tích ước tính khoảng từ 30-50 ha, chủ yếu ở các xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Trung, thị trấn Thiên Cầm..) trên sông Rác làm ảnh hưởng rất lớn đến đánh bắt thủy sản truyền thống, luồng lạch bị cản trở, tàu thuyền qua lại khó khăn, thậm chí bị va đập rất nguy hiểm. Ngoài ra, việc chiếm dụng lòng sông Rác còn cản trở quá trình tránh trú, neo giằng tàu thuyền trong mùa mưa bão.

Sau khi báo đăng, Sở Nông nghiệp&TPNT Hà Tĩnh đã ban hành văn bản đề nghị huyện Cẩm Xuyên kiểm tra, xử lý và báo cáo kết quả trước ngày 30/8. Theo đó, ngày 30/8 UBND huyện Cẩm Xuyên đã ban hành văn bản số 3550/UBND-NN về việc báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý hoạt động nuôi trồng thủy sản trên sông Rác.

Hàu tự nhiên bám chằng chịt trên cọc bê tông và lốp xe

Hàu tự nhiên bám chằng chịt trên cọc bê tông và lốp xe

Cụ thể, UBND huyện Cẩm Xuyên giao UBND xã Cẩm Lĩnh ban hành thông báo về việc cấm các hộ dân không được tự ý cắm các vật dụng gây cản trên tuyến sông Rác để nuôi trồng thủy hải sản; thành lập đoàn kiểm tra, rà soát thực trạng các hộ dân tự ý cắm cọc nuôi trồng thủy sản trái phép trên Sông đoạn quan địa bàn thôn 1, 4, 6 xã Cẩm Lĩnh.

UBND xã Cẩm Lĩnh đã tổ chức gặp gỡ các hộ nuôi hàu, sò trái phép trên Sông để phổ biến, hướng dẫn các quy định của Luật Thủy sản 2017 và các quy định liên quan. Đồng thời yêu cầu các hộ vi phạm tự thực hiện tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu. Sau đó UBND xã Cẩm Lĩnh đã phát thông báo về việc phối hợp, xử lý các vật cản trên Sông Rác và các bãi bồi ven biển, xây dựng kế hoạch, thông báo thời gian tổ chức tháo dỡ…

Kết quả rà soát, hiện nay có 78 hộ tự ý nuôi trồng thủy sản trái phép trên sông Rác đoạn qua địa bàn xã Cẩm Lĩnh và các bãi bồi cửa biển. Mặc dù đã được mời làm việc, tuyên truyền, thông báo tự thực hiện tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu nhưng các hộ dân đều không chấp hành.

Đại diện lãnh đạo UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết, ngày 24-25/8 xã đã huy động 150 lượt người ra quân tháo dỡ cọc bê tông, cọc tre, lưới, dây néo… nuôi hàu trái phép trên sông Rác. Kết quả đã tháo dỡ gần 2.100 cọc tre và cọc bê tông trên diện tích 5ha, xử lý xong 07 hộ. Việc thảo dỡ bước đầu tập trung vào các vị trí quan trọng, ảnh hưởng đến cảnh quan, dòng chảy, tiêu thoát lũ, cản trở giao thông đường thủy...

Sau khi tháo dỡ cọc bê tông, cọc tre một số đoạn trên dòng sông Rác trở nên thông thoáng hơn

Sau khi tháo dỡ cọc bê tông, cọc tre một số đoạn trên dòng sông Rác trở nên thông thoáng hơn

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay việc tháo dỡ “ma trận” cọc bê tông nuôi hàu trái phép trên sông Rác gặp một số khó khăn do địa hình phức tạp, số lượng cọc rất lớn, cắm sâu dưới đất không thể sử dụng sức người để tháo dỡ. Việc cắm cọc, tạo vật cản trên sông Rác, bãi bồi cửa biển để nuôi hàu đã có từ nhiều năm, trở thành nguồn thu nhập chính của người dân. Một số trường hợp liên quan đến cho thuê đất trái thẩm quyền chưa xử lý xong nên các hộ dân vẫn đầu tư nuôi hàu gây khó khăn trong quá trình xử lý.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hoài Thúy- Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Sở Nông nghiệp&PTNT Hà Tĩnh đã ban hành các văn bản về việc tăng cường công tác quản lý nuôi trồng thủy sản. Đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp, hướng dẫn các địa phương kiểm tra, rà soát, yêu cầu người dân nuôi đúng quy hoạch, đảm bảo không ảnh hưởng đến dòng chảy, môi trường, cảnh quan, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Văn Chương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-tinh-thao-do-ma-tran-coc-be-tong-nuoi-hau-trai-phep-tren-song-rac.html