Hà Tĩnh: Thu hơn 1.897 tỷ đồng từ hoạt động lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành
Theo thông tin từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, quý 1/2024, doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành trên địa bàn Hà Tĩnh đạt hơn 1.897 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Cục Thống kê Hà Tĩnh, dịch vụ lưu trú, du lịch lữ hành trong quý I/2024 nhìn chung hoạt động khá nhộn nhịp, doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, trong quý 1/2024, doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt hơn 1.897 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu hoạt động lưu trú đạt 36,57 tỷ đồng, giảm 35,1% so với cùng kỳ năm trước; ăn uống đạt hơn 1.850,33 tỷ đồng, tăng 21,33% so với cùng kỳ năm trước; du lịch lữ hành đạt 10,19 tỷ đồng, tăng 16,79% so với cùng kỳ năm trước.
Thời điểm đầu năm, người dân đi tham quan, chiêm bái tại các di tích, đền chùa khá đông, lượng khách đăng ký các tour du lịch tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, hoạt động ăn uống ngoài gia đình tăng trưởng ổn định ở cả 3 tháng trong quý và là nhóm chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất, quyết định trực tiếp đến tổng doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành.
Hơn nữa doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch trong 3 tháng đầu năm tăng khá do doanh thu ăn uống ngoài gia đình chiếm tỉ trọng lớn, tăng trưởng khá ổn định khi nhu cầu người dân ngày càng tăng, trong 3 tháng lại trùng vào mùa cưới hỏi và có nhiều ngày nghỉ lễ, Tết Dương lịch, tổng kết cuối năm nên nhu cầu ăn uống, đặt tiệc vẫn được duy trì ổn định.
Tới đây, bước vào mùa hè cũng là mùa cao điểm du lịch, đặc biệt, trong các dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5, nhu cầu sử dụng các dịch vụ ăn uống, lưu trú sẽ tăng cao. Do đó, dự kiến trong những tháng tới, doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành sẽ tăng mạnh so với quý I.
Bên cạnh đó, dịch vụ lưu trú lại gặp không ít khó khăn, do từ đầu quý 4 năm 2023 tới nay các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú lớn trên địa bàn tiến hành sữa chữa, cộng với các điểm du lịch chưa được đầu tư những điểm mới, đa dạng các loại hình giải trí để níu chân du khách ở lại.
Doanh thu du lịch không lớn nhưng vẫn tăng khá đáng kể do lượng đặt tour du lịch dịp Tết Dương lịch, dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là loại hình du lịch tâm linh tăng.
Để chuẩn bị đón khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trong mùa du lịch, hiện nay, các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn đã và đang khẩn trương hoàn thiện khâu sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.
Tập trung tháo gỡ các vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hoạt động. Quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá truyền thông về tiềm năng du lịch, các điểm đến qua các kênh thông tin, xây dựng Hà Tĩnh trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.
Toàn tỉnh hiện có gần 300 khách sạn, nhà nghỉ với hơn 7.000 phòng, trên 1.500 nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các dịch vụ vui chơi, giải trí, phục vụ du lịch trên địa bàn tiếp tục được đầu tư. Trong năm nay, Hà Tĩnh đặt mục tiêu đón 4 triệu lượt khách, tăng 19% so với năm 2023.