Hà Tĩnh: Thực hiện hiệu quả vốn chính sách để giảm nghèo bền vững
Vừa qua, Đoàn kiểm tra, giám sát của HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh về tình hình hoạt động và kết quả thực hiện tín dụng chính sách năm 2023 và từ đầu năm 2024 đến nay.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt hơn 6.972 tỷ đồng tăng 277,5 tỷ đồng so với năm 2023. Qua đó, cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững.
Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tín dụng chính sách xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, nâng cao năng lực quản trị vốn vay, duy trì các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Hà Tĩnh luôn quan tâm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương. Ngoài triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, hỗ trợ người dân thì việc tiếp cận các nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện nay xuống còn 3,01%.
Thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; triển khai các giải pháp để người dân được tiếp cận các nguồn vốn chính sách. Đồng thời nêu lên một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số nội dung để Hà Tĩnh triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Mạnh Tú, Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng Chính sách xã hội đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Hà Tĩnh trong quá trình triển khai các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Đề nghị Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục phát huy vai trò chỉ đạo, kiểm tra giám sát hoạt động tín dụng chính sách. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.