Hà Tĩnh tổng duyệt Lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du
Chương trình Lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du và chương trình nghệ thuật 'Nguyễn Du, trăm năm trong cõi…' do UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đã được tổng duyệt lần cuối trước khi chính thức công diễn vào tối 26/9.
Tối 24/9, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tổng duyệt chương trình Lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du và chương trình nghệ thuật “Nguyễn Du, trăm năm trong cõi…”. Dự lễ tổng duyệt có Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam…
Chương trình Lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du và chương trình nghệ thuật “Nguyễn Du, trăm năm trong cõi…” được tổ chức tại sân khấu Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh với tổng thời lượng 90 phút.
Tại buổi tổng duyệt, đại biểu đã theo dõi chương trình nghệ thuật “Nguyễn Du, Trăm năm trong cõi…” qua 8 trường đoạn: Khai từ, Tuổi thơ trong nhung lụa, Trôi giữa dòng đời, Non Hồng tức cảnh, Giao hưởng nhạc vũ - kịch Truyện Kiều, Đối thoại với người trong truyện, Văn tế Nguyễn Du, Ngàn năm hậu thế nhớ Nguyễn Du. Mỗi trường đoạn tái hiện lại một mốc lịch sử từ lúc Nguyễn Du lọt lòng được bồng bế trên đôi tay mẹ đến những biến cố ông phải trải qua trong cuộc đời.
Đoạn trường cũng thể hiện một số hoạt cảnh đặc sắc trong kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào; những đau đáu, trăn trở của Nguyễn Du về nhân tình thế thái. Kết thúc chương trình nghệ thuật là đoạn trường thể hiện tấm lòng nhân thế gửi đến cụ Nguyễn như thi sỹ Chế Lan Viên đánh giá “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”..
Góp ý tại buổi tổng duyệt, đại biểu cho rằng chương trình nghệ thuật đã được thể hiện sáng tạo, sân khấu đẹp, hình thức thể hiện phối hợp giữa truyền thống và hiện đại. Đặc biệt, chương trình đã khắc họa rõ nét hình ảnh Đại thi hào Nguyễn Du và văn chương của cụ Nguyễn.
Đại biểu cũng góp ý chi tiết về phục trang, ánh sáng, âm nhạc cần phối hợp nhịp nhàng hơn, thể hiện tốt hơn vai diễn của mình. Đại biểu cũng lưu ý đối với các câu thơ được trích từ Truyện Kiều, các mốc sự kiện trong cuộc đời Nguyễn Du cần đảm bảo chính xác, lời bình cần khớp với hình ảnh.
NSƯT Đặng Duy Hải - Giám đốc Nhà hát truyền thống Hà Tĩnh: Phục trang của chương trình thiếu màu nâu - màu chủ đạo của thời kỳ lịch sử; phục trang của nhân vật múa chính lẫn vào đội múa phụ họa...
Chủ tịch Quỹ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều Hà Văn Thạch: Chương trình nghệ thuật đã được dàn dựng công phu, tuy nhiên cần chỉnh sửa một số phân cảnh Thúy Kiều gặp Kim Trọng, sự xuất hiện của hình tượng ông Đùng…
Phó Trưởng ban Khoa giáo (Đài Truyền hình Việt Nam) Lê Hải Anh: Lồng ghép dân ca xứ Nghệ vào các đoạn trường khiến chương trình nghệ thuật trở nên đặc sắc hơn.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải: Một số vai diễn chưa phù hợp về trang phục và cách thể hiện; cần trau chuốt lại các câu trích dẫn Truyện Kiều và các mốc thời gian trong cuộc đời nàng Kiều…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của đơn vị nghệ thuật và các diễn viên, tuy nhiên cần chỉnh sửa market, điều tiết ánh sáng, phần kết thúc chương trình nghệ thuật cần xây dựng hoàn thiện hơn…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Chương trình lắng đọng, rõ lời, các nhân vật thể hiện khá rõ tính cách. Tuy nhiên, đoạn kết chương trình nghệ thuật cần “gia cố” thêm; trang phục nên phù hợp với từng thời kỳ lịch sử…
Đánh giá cao sự nỗ lực của ê kíp sản xuất, tổng đạo diễn; tuy nhiên, hình ảnh Nguyễn Du cần khắc họa sắc nét hơn; các câu thơ được trích từ Truyện Kiều cần đảm bảo tính chính xác; hình ảnh minh họa cho lời bình trên màn hình led cần khớp hơn; bổ sung thêm các hình ảnh làm rõ những nét đổi mới của Hà Tĩnh…