Hà Tĩnh: Trạm kiểm dịch động vật xây dựng gần 8 tỷ nhưng không có… lối vào
Trạm kiểm dịch động vật nội địa ở Hà Tĩnh được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 8 tỷ đồng, đã hoàn thiện xong được gần 1 năm, nhưng đến nay vẫn đang bỏ không, chưa thể bàn giao sử dụng vì thiếu lối đi vào.
Năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đầu tư xây dựng dự án Trạm kiểm dịch động vật nội địa tại phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh) với nguồn vốn gần 8 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư Công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.
Sau nhiều năm triển khai, đến tháng 9/2021, công trình này hoàn thành. Mục tiêu sẽ góp phần kiểm soát được chất lượng con giống, vật nuôi, ngăn chặn dịch bệnh từ các tỉnh khác khi vào địa bàn Hà Tĩnh.
Công trình này được ngành chức năng đánh giá có ý nghĩa quan trọng cho ngành thú y của tỉnh Hà Tĩnh. Bởi lâu nay, Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh) đang phải mượn tạm một nhà dân cạnh quốc lộ 1A ở TX. Hồng Lĩnh để làm trạm kiểm dịch vì chưa có trụ sở.
Trạm kiểm dịch động vật nội địa ở Hà Tĩnh đã hoàn thành gần 1 năm nhưng chưa thể đưa vào sử dụng.
Dù thực tế nhu cầu sử dụng rất cấp thiết, nhưng khi chủ đầu tư bàn giao công trình, Chi cục Chăn nuôi và thú y từ chối tiếp nhận, vì hiện chưa có đường dẫn đấu nối vào trụ sở mới này.
Theo ghi nhận của PV, trạm kiểm dịch được xây dựng cạnh quốc lộ 1A, với diện tích khoảng 3.000m2. Trạm được xây dựng khang trang với nhà làm việc 2 tầng, nhà nhốt động vật, lò tiêu hủy, nhà bảo vệ… Đến nay, trạm vẫn chưa có đường gom đấu nối với quốc lộ 1A. Vì thế các phương tiện như xe trọng tải lớn di chuyển vào rất khó khăn. Hiện đường vào trụ sở Trạm vẫn đang phải đi chung với đường của Công ty Hoành Sơn, rất bất tiện.
Mặc dù Trạm kiểm dịch động vật nội địa ở tỉnh Hà Tĩnh đã được đầu tư xây mới khang trang, nhưng hiện nay, các kiểm dịch viên của ngành thú y vẫn phải ở nhà thuê tạm bợ tại phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh để làm việc. Do không có các khu chức năng đặc thù nên việc dừng đỗ phương tiện chở động vật, sản phẩm động vật để kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch, phun tiêu độc khử trùng phải thực hiện ngay trên Quốc lộ 1A. Nước thải, chất phóng uế từ gia súc, gia cầm và hóa chất tiêu độc khử trùng vương vãi khắp nơi. Điều này vừa gây mất an toàn giao thông vừa ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến người và phương tiện qua lại.
Theo một cán bộ phụ trách Trạm kiểm dịch động vật nội địa cho biết, nguyên nhân đơn vị này chưa đồng ý tiếp nhận trụ sở mới là do chủ đầu tư chưa làm đường gom đấu nối từ cổng chính với quốc lộ 1A để ra vào. Chủ đầu tư đang gặp khó khăn về việc làm thủ tục để mở đường gom đấu nối nên yêu cầu cán bộ, nhân viên của Trạm phải đi nhờ đường của một doanh nghiệp vận tải bên cạnh để ra vào. Tuy nhiên do đặc thù công việc, nếu sử dụng chung đường với doanh nghiệp sẽ rất bất tiện, nhất là thời điểm đơn vị phải tiến hành kiểm dịch một lúc nhiều phương tiện chở động vật.
Theo ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết, việc đơn vị chưa tiếp nhận bàn giao công trình này là do chưa có đường gom đấu nối với quốc lộ 1A nên các xe không vào được. Đơn vị đã đề xuất lên tỉnh để có hướng làm đường vào trụ sở mới này. Hiện vẫn đang chờ phương án của tỉnh và chủ đầu tư để tiếp nhận công trình.
Nghịch lý Trạm kiểm dịch động vật không có đường ra vào.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư Công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, lộ trình quy hoạch đất đai khu vực xung quanh Trạm kiểm dịch động vật nội địa dự kiến sẽ hình thành nên một trung tâm thương mại, dịch vụ. Nếu được triển khai thì khu vực của trạm cũng sẽ có đường gom đấu nối với quốc lộ 1A. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy hoạch cụ thể xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ nên chưa có cơ sở để làm đường gom dân sinh.
Theo ông Bùi Huy Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, do dự án Trạm kiểm dịch động vật nội địa không có hạng mục đường gom đấu nối, nên dù trụ sở đã làm xong từ lâu nhưng vẫn chưa thể bàn giao. Nếu làm đường gom thì kinh phí phải bỏ ra khoảng 3 tỷ đồng.
Việc đơn vị thụ hưởng từ chối tiếp nhận trụ sở khiến công trình đến nay vẫn chưa thể bàn giao. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến các hạng mục của công trình bị xuống cấp, ngoài ra còn tốn thêm chi phí thuê người trông coi. Hiện UBND tỉnh cũng đang giao cho các ngành chuyên môn tham mưu các giải pháp nhằm sớm hoàn thành thủ tục mở đường gom đấu nối.
Thiết nghĩ, những tồn tại, bất cập này kéo dài sẽ kèm theo nhiều hệ lụy phát sinh, đó là ngành thú y Hà Tĩnh chưa có địa điểm làm việc đảm bảo các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật qua lại trên địa bàn. Đặc biệt, công trình chưa biết đến khi nào mới có thể phát huy hiệu quả, bỏ hoang lâu năm sẽ dẫn đến xuống cấp.