Hà Tĩnh: Tuyến đường hơn 500 tỷ đồng 'đe dọa' học sinh
Sau hơn 1 năm sử dụng, tuyến đường ven biển Thịnh Lộc – Xuân Hội (Hà Tĩnh) vẫn chưa thể bàn giao do vướng mặt bằng.
Trong khi đó, người dân, học sinh… qua lại thường xuyên thấp thỏm bởi những hiểm họa giao thông trên con đường hàng trăm tỷ đồng này.
“Điểm đen” trên đường đến trường
Sống trong thấp thỏm lo âu vì nguy cơ tai nạn giao thông rình rập là tâm trạng của nhiều phụ huynh có con em đang theo học tại các trường nằm gần nút giao thông tại tuyến đường ven biển Thịnh Lộc – Xuân Hội (Hà Tĩnh).
Tại ngã tư cắt giữa tuyến đường ven biển qua xã Xuân Yên (huyện Nghi Xuân) lâu nay được người dân lân cận xem như một điểm đen khi thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông, nhẹ thì va quẹt trầy xước, nặng thì bị thương vong.
Ngã tư này khá rộng nhưng không được lắp đèn tín hiệu giao thông nên mạnh ai nấy đi. Thêm vào đó lưu lượng tham gia giao thông lại dày đặc, với đủ các loại phương tiện, bao gồm cả xe vận tải hạng nặng… khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng khi qua đoạn đường này.
Ông Nguyễn Văn Toàn (xã Xuân Yên) cho biết: “Mỗi lần qua ngã tư này đều hết sức khó khăn, phải chú ý quan sát thật kỹ mới có thể đi qua. Hầu như tháng nào cũng có vài vụ va chạm tại ngã tư này. Tôi cũng thường xuyên dặn con phải quan sát kỹ trước khi qua đường hoặc nếu đông quá thì đi đường khác dù xa hơn”.
Ngoài ra, khu vực xung quanh ngã tư còn có trụ sở làm việc, sau giờ tan tầm, người và phương tiện phải băng qua các điểm giao cắt với đường ven biển. Đáng lo ngại hơn, chỉ cách ngã tư này gần 100m là vị trí của Trường Tiểu học và Mầm non Xuân Yên với gần 800 học sinh thường xuyên qua lại.
Theo ông Trần Anh Khoa, Chủ tịch UBND xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, cho biết: “Tại ngã tư này chưa có hệ thống đèn tín hiệu, gờ giảm tốc, trong khi dải phân cách và biển cảnh báo lại thiết kế khuất tầm nhìn. Chỉ trong vòng 8 tháng đưa vào sử dụng đã có khoảng 15 vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường. Có đêm, xảy ra đến 4 vụ tai nạn ở cùng vị trí”.
Không riêng “điểm đen” này, dọc tuyến đường Xuân Hội - Thịnh Lộc có gần 100 điểm giao cắt, đường ngang dân sinh, trong đó có 20 điểm được cơ quan chức năng đánh giá có nguy cơ cao xảy ra tai nạn.
Trung tá Đặng Quyết Thắng, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Nghi Xuân, cho biết, ngoài một số bộ phận người dân ý thức tham gia giao thông còn kém thì bất cập hạ tầng cũng là nguyên nhân xảy ra tai nạn như: Đoạn qua xã Xuân Thành chưa có biển báo khu vực đông dân cư; Đoạn Km 10+800 là ngã tư giao nhau với đường liên xã bị che khuất tầm nhìn…
“Nếu không có biện pháp kịp thời, đây sẽ là tuyến đường có nguy cơ tai nạn rất cao, nhất là sau khi cầu Cửa Hội thông cầu”, Trung tá Thắng nói.
Tại huyện Lộc Hà, cơ quan chức năng cũng ghi nhận hàng loạt vụ tai nạn giao thông trên tuyến đường ven biển. Vị trí xảy ra tai nạn đều ở ngã tư dân sinh giao cắt đường ven biển.
Vướng mặt bằng chưa thể bàn giao
Tuyến đường ven biển Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) – Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) thuộc Dự án nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng nhằm kết nối vùng Nam Nghệ An và Bắc Quảng Bình với Hà Tĩnh.
Dự án có tổng chiều dài tuyến là 68,4 km với tổng mức đầu tư là hơn 1.495 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trung hạn phân bổ cho địa phương, vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trong đó, tuyến đường ven biển Thịnh Lộc – Xuân Hội có tổng chiều dài hơn 32 km với tổng mức đầu tư 545,988 tỷ đồng. Tuyến đường chạy qua 11 xã của 2 huyện Nghi Xuân và Lộc Hà (Hà Tĩnh). Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 5/2018, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Sau hơn 2 năm thi công, tuyến đường được đưa vào sử dụng tháng 6/2020. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm sử dụng tuyến đường này vẫn chưa thể bàn giao do vướng công tác giải phóng mặt bằng hành lang giao thông trên địa bàn huyện Nghi Xuân.
Ông Lê Viết Hòa, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tuyến đường đã hoàn thành thi công nhưng đang vướng mặt bằng đoạn từ Xuân Thành – Cương Gián (huyện Nghi Xuân). Hiện, chỉ mới giải phóng được phạm vi mặt bằng đường, còn từ mép chân công trình đến cọc giải phóng mặt bằng khoảng 2m vẫn chưa thể hoàn thành.
Liên quan đến những vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường, ông Hòa cho rằng, phần lớn là do ý thức của người dân khi tham gia trên tuyến giao thông còn kém.
“Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trên tuyến đường, trong thiết kế đã có hệ thống biển cảnh báo, vạch kẻ, đảo phân cách. Ngoài ra còn có các tia phản quang trên các đoạn đường. Còn hệ thống đèn giao thông do phía UBND huyện sẽ tự lắp đặt, cái này không có trong thiết kế”, ông Hòa cho biết.
Cũng theo ông Hòa, UBND tỉnh vừa có chủ trương cho phép bàn giao công trình từ mép chân công trình trở vào, đồng thời yêu cầu UBND huyện Nghi Xuân phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 30/4/2021.
“Chúng tôi đang phối hợp với Sở GTVT để tiến hành bàn giao công trình”, ông Hòa thông tin thêm.