Hà Tĩnh ứng trực 24/24h các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy
Trong hơn 1 tháng qua, Hà Tĩnh có hơn 30 điểm phát lửa, trong đó có 3 vụ cháy rừng. Hiện nay, nắng nóng gay gắt vẫn đang diễn ra trên diện rộng, nền nhiệt độ luôn ở mức cao (39 – 43 độ C), nhiều khu rừng trên địa bàn đang ở cấp cực kỳ nguy hiểm về cảnh báo cháy rừng.
Trưa 26/6, trên địa bàn xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà đã xảy ra một vụ cháy rừng. Bước đầu xác định diện tích xảy ra cháy khoảng 7 ha, trong đó 5 ha rừng trồng keo tràm và 2 ha rừng thông phòng hộ.
Cũng trong 2 ngày 26 và 27/6, trên địa bàn phường Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh) đã xảy ra 3 điểm phát lửa và cháy rừng liên tiếp, thiêu rụi trên 50 ha rừng keo. Và cũng trong thời gian hơn 1 tuần lễ vừa qua, trên địa bàn TX Kỳ Anh đã xảy ra 10 điểm phát lửa, cháy gây nhiều thiệt hại về rừng.
Thực tế cho thấy, ngoài việc thời tiết cực đoan, nắng nóng với nhiệt độ cao kéo dài dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao thì những những nguyên nhân gây ra điểm phát lửa, cháy rừng vẫn là những lý do cố hữu như sự chủ quan, thiếu ý thức của người dân và những bất cẩn tại khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao.
Ông Phạm Thanh Tùng - Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên – Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: "Mặc dù đã có lệnh cấm đốt thực bì (đối với các khu rừng ở mức cảnh báo cháy rừng cấp 4 đến cấp 5), nhưng vẫn có hiện tượng người dân lén lút đốt thực bì. Mặt khác, không ít người dân lén lút khai thác mật ong rồi không chủ động dập tắt hẳn nguồn lửa. Cũng có trường hợp bất cẩn khi đốt phụ phẩm nông nghiệp tại những đồng ruộng giáp ranh với rừng. Ngoài ra, còn có hiện tượng thù hằn cá nhân và cố tình đốt rừng để phá hoại tài sản (những trường hợp này đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ - PV) là các nguyên nhân đến các vụ cháy rừng vừa qua."
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 38 điểm phát lửa chủ yếu tại các địa phương: Hương Sơn, TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Vũ Quang, Can Lộc, Lộc Hà... Trong đó có 3 vụ cháy rừng tại huyện Hương Sơn (thiệt hại 0,56 ha), huyện Vũ Quang (thiệt hại 0,75 ha) và huyện Lộc Hà (đang điều tra thiệt hại). Ngoài ra, một số điểm phát lửa trong những ngày gần đây cũng đang được xác minh, điều tra mức độ thiệt hại cụ thể.
Có thể nói, mặc dù hầu hết các điểm phát lửa đã được ứng cứu kịp thời, không để lại hậu quả lớn, song con số này cũng nói lên mức độ nguy hiểm và nguy cơ cháy rừng Hà Tĩnh đang ở cấp độ cao. Trong khi đó, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đợt nắng nóng vẫn còn kéo dài trong nhiều ngày tới.
Ông Phạm Thanh Tùng cũng cho biết thêm: "Xác định mức độ nguy hiểm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Chi cục tham mưu ban hành công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành, địa phương và chủ rừng tập trung triển khai có hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn.
Trước đó, ngày 12/6/2019, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về PCCCR; tăng cường kiểm tra, giám sát PCCCR; chỉ đạo lực lượng ứng trực 24/24 giờ, kiểm soát người ra, vào các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy; chủ động “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng cứu chữa cháy rừng kịp thời khi mới phát sinh. Đồng thời, tăng cường tuyên tuyền phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân xử lý thực bì bằng lửa trong thời gian cao điểm nắng nóng (cấp dự báo cháy rừng từ cấp 4 đến cấp 5). Các ngành chức năng có liên quan điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và xem xét trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.
Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị chủ rừng dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp không đảm bảo an toàn PCCCR ở các khu rừng trọng điểm, nguy cơ cháy cao; phối hợp điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, thủ phạm gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.