Hà Tĩnh: Vướng mắc mặt bằng khi triển khai dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8C

Sau gần 1 năm thi công, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8C đoạn từ Thiên Cầm - Quốc lộ 1 và đoạn từ Quốc lộ 8 đến đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Hà Tĩnh đang gặp trở ngại lớn do công tác mặt bằng chưa được bàn giao hết. Ngoài ra, trên tuyến hệ thống đường điện trung hạ thế, đường ống dẫn nước vẫn chưa được di dời.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 8C đoạn qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên đang vướng nhiều mặt bằng.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 8C đoạn qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên đang vướng nhiều mặt bằng.

Theo đó, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 8C có tổng chiều dài 27,7km, bao gồm 2 đoạn. Đoạn 1 dài 11km từ thị trấn Thiên Cầm đến Quốc lộ 1 tại thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên) và đoạn 2 dài 16,7km từ nút giao với Quốc lộ 8 tại xã Sơn Long đến nút giao với đường Hồ Chí Minh tại xã Sơn Trung (huyện Hương Sơn) do Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.076 tỷ đồng, được trích từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (846 tỷ đồng) và ngân sách tỉnh Hà Tĩnh (230 tỷ đồng). Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư hơn 343 tỷ đồng với tổng diện tích thu hồi đất khoảng 57,94ha. Dự án được triển khai từ tháng 10/2023, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2025.

Tuy nhiên, tiến độ thi công dự án đang bị ảnh hưởng bởi hàng trăm hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, trên tuyến còn vướng hệ thống đường điện trung thế, hạ thế; hệ thống đường ống nước sạch, việc thi công của các đơn vị hết sức khó khăn.

Ghi nhận tại công trường, tại vị trí Km0 giao với tuyến Quốc lộ 15B (thị trấn Thiên Cầm) đến Km4 do Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Biển Đông thi công. Thời điểm này, trên công địa, nhà thầu bố trí nhiều mũi, máy móc thi công để kịp hoàn thiện phần đắp nền đường tại các vị trí mở rộng mặt đường trước mùa mưa.

Ông Nguyễn Viết Ngọc, Chỉ huy trưởng Công ty Biển Đông cho biết: Hiện tại, chúng tôi đang thi công hệ thống mương thoát nước, rãnh dọc, thi công nền đường mở rộng… Đến nay, sản lượng đạt khoảng 30%.

Theo ông Ngọc, mặt bằng còn vướng nhiều, tại nhiều vị trí trên tuyến đơn vị phải thi công theo hình thức có mặt bằng ở đâu thì bố trí máy móc, nhân công thi công đến đó. Ngoài ra, thời điểm này trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh do có nhiều dự án trọng điểm đang triển khai nên lượng đất đắp để phục vụ cho dự án rất khan hiếm. Dự kiến, ngoài những vị trí vướng còn để lại, đơn vị cố gắng trong năm nay sẽ thảm mặt đường, thi công xong hệ thống cầu, rãnh thoát nước trong năm 2024.

Vị trí tiếp giáp với Quốc lộ 1A đang còn ngổn ngang hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: Điện lưới, nước sạch, cáp quang chưa được di dời.

Vị trí tiếp giáp với Quốc lộ 1A đang còn ngổn ngang hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: Điện lưới, nước sạch, cáp quang chưa được di dời.

Còn tại đoạn Km 10+300 đến Km 11+00 do Công ty Cổ phần 484 thi công, Kỹ sư Nguyễn Tiến Hậu, cán bộ phụ trách thi công của Công ty Cổ phần 484 cho biết: "Nếu thời gian tới, chủ đầu tư, địa phương không bố trí được mặt bằng cho đơn vị để thi công thì buộc chúng tôi phải làm văn bản xin rút không tham gia nữa. Máy móc, công nhân nằm chờ thời gian dài không có việc để làm rất tốn kém chi phí".

Từ ngày khởi công dự án, Công ty Cổ phần 484 đã huy động máy móc, nhân công đến công trường. Tuy nhiên, đoạn đơn vị thi công khó khăn do vướng nhà dân, đường ống dẫn nước, hệ thống điện lưới nên sản lượng chưa được như kỳ vọng.

Ông Lương Tiến Thành, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh cho biết, các nhà thầu đã sản xuất cơ bản xong cấu kiện đúc sẵn (rãnh thoát nước dọc, cống ngang); đắp đất K95, K98 được 14.000/94.483m3 (đạt 14,8%); lắp đặt rãnh dọc được 12.000/17.000m (đạt 71%); lắp đặt 23/42 cống ngang (đạt 55%); thi công cơ bản xong cầu Đụn, cầu Gon…

Còn nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Còn nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Dự án đang gặp trở ngại lớn do công tác mặt bằng chưa được bàn giao hết. Ngoài ra, trên tuyến hệ thống đường điện trung hạ thế, đường ống dẫn nước vẫn chưa được di dời.

"Chúng tôi đang phối hợp với địa phương để sớm bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Các khó khăn, vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được UBND huyện Cẩm Xuyên báo cáo, đề xuất, kiến nghị tới các Sở, ngành có liên quan để xem xét, chỉ đạo giải quyết", ông Thành thông tin thêm.

Theo lãnh đạo UBND huyện Cẩm Xuyên, huyện đã hoàn thành kiểm kê 100% đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Huyện cũng đang giao UBND các xã, thị trấn tập trung xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, sử dụng tài sản để có cơ sở áp giá, phê duyệt, chi trả kinh phí bồi thường cho các hộ dân; soát xét các loại giấy tờ, hồ sơ để lập thủ tục bồi thường đối với các công trình thiết yếu, hạ tầng kỹ thuật như: Đường điện, đường nước, đường cáp viễn thông... theo đúng quy định của Nhà nước.

Trần Minh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-tinh-vuong-mac-mat-bang-khi-trien-khai-du-an-cai-tao-nang-cap-quoc-lo-8c-382269.html