Hà Trần đẳng cấp nhưng Trần Tiến mới là vedette
Trần Tiến có dễ bán vé không? Tôi (đã) cho rằng không. Khi sự kiện diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia sức chứa 3.600 khán giả. Và nhất là giá vé không hề rẻ: từ 1 triệu tới 6,5 triệu đồng. Trần Tiến viết nhạc cho đại chúng, âm nhạc của ông thậm chí phù hợp với sân vận động (đồng thời hiếm khi vang lên ở chẳng hạn phòng trà). Nhưng vấn đề là khán giả của ông có chịu chi tới mức đó?
Cháy vé
Nhưng căn cứ vào thực tế khán phòng tối 13/5, có lẽ tôi nhầm. Gần như không còn chỗ trống, ít nhất ở tầng một.
Nhạc sĩ tâm sự: “Cô bầu sô nói bán hết vé cách đây 5 ngày rồi. Tôi nghĩ nhạc của tôi nghe cũng được nhưng sao đến giờ vẫn bán được vé và khán giả đông như thế này. Tôi quá xúc động… Tôi nghe nói có những cậu bé sinh năm 2008-2010 đến mua vé mà lại không đủ tiền nữa bởi vì vé cao quá. Thế là BTC thấy đáng yêu quá tặng luôn…”.
“Nhiều người cứ hỏi tôi sao lại lấy tên phiêu bạt. Bạn thân nhất của tôi còn hỏi sao cậu không lấy tên Nửa đời phiêu du hay lãng du, du ca… Phiêu bạt nghe khổ thế. Tôi cũng giải thích rồi. Thời của tôi sinh ra khổ từ bé. Vì vậy không du côn, du thủ du thực thì làm sao đi được đến du ca. Không rơi vào vòng sinh tử của chiến tranh, làm sao biết được lãng tử. Không giang hồ phiêu bạt, sao biết đến phiêu du”, Nhạc sĩ Trần Tiến
Nói chung cuộc đời và sự nghiệp Trần Tiến như thể giai thoại và chính ông cũng góp phần tạo nên những giai thoại về đời mình?
Về cuối chương trình, nhạc sĩ nói về một cõi phiêu miên. Đó là nơi không có thực mà ông muốn âm nhạc của mình (dù bắt nguồn từ hiện thực) đạt tới.
Tóm lại dù Trần Tiến có dùng các hư chiêu để tương tác với khán giả đi chăng nữa, âm nhạc của ông vẫn là những bằng chứng hùng hồn cho tài năng và sức làm việc của ông. Rõ ràng ông thuộc kiểu người sẽ sống cạn tất cả những gì mình có được.
Ông không ngại bất cứ đề tài nào. Ông là nghệ sĩ hiếm hoi đưa các vấn đề thời sự, chính sự vào bài hát. Từng thời kỳ trong sáng tác của ông song hành với lịch sử dân tộc. Ông cũng xông pha trong đủ các chất liệu âm nhạc. Là bậc thầy trong khai thác dân gian, viết jazz, viết rock đâu ra đấy.
Đưa cả dàn hợp xướng từ TP.HCM ra Hà Nội
Nhạc Trần Tiến rất đa dạng, là mỏ chất liệu phong phú cho nhạc sĩ phối khí khai thác. Và ngược lại nếu không làm cho ra sự đa dạng đó, chưa chắc chương trình đã thu hút. Nhưng giám đốc âm nhạc Đức Trí có vẻ đã làm tốt hơn cả những gì khán giả mong đợi.
Đêm nhạc mở đầu bằng một liên khúc hòa tấu kiểu thính phòng nhiều ca khúc của Trần Tiến. Phần gây ngạc nhiên nhất có lẽ là hai tiết mục của hợp ca Saigon Choir Ngẫu hứng sông Hồng và Ngẫu hứng Lý ngựa ô. Đưa cả dàn hợp xướng từ TPHCM ra chứng tỏ độ chịu chơi của nhà sản xuất. Sự kết hợp của các nhạc công bộ gõ người Chăm trong phần rock của Anh Khoa tạo nhiều cảm xúc.
Chương trình có nhiều tiết mục tạo hiệu ứng cổ điển hay nhạc phim nhưng không thể thiếu phần “du ca” - tức hát mộc với một vài nhạc cụ. Trần Tiến cho biết trong những ngày đại dịch ông đã lên mạng tìm những bạn trẻ hát nhạc của mình đạt nhiều lượt xem nhất để lập thành nhóm đi hát thiện nguyện.
Ba nghệ sĩ Hiền Lê, Thành Nghiệp và An Nhiên dễ dàng chinh phục khán giả bởi khả năng hát và chơi nhạc cụ điêu luyện. Có người còn sáng tác, tức là đi theo mô hình đa năng của Trần Tiến. Họ là một luồng gió mới cho chương trình tưởng chỉ gồm toàn các giọng ca quen.
Đức Trí tỏ rõ sự khéo léo trong lựa chọn ca sĩ và sắp xếp các tiết mục để khán giả vừa qua đỉnh cảm xúc này đã có ngay đỉnh khác… Những Trung Quân, Phạm Anh Khoa hay Uyên Linh khi đặt vào những bản phối mới của Đức Trí vẫn tạo được hiệu ứng mới lạ, bất ngờ. Lạ hơn cả chắc là Trung Quân với Điệp khúc tình yêu và Mưa bay tháp cổ. Với lối hát nhẹ nhõm bay bổng, khi cần vẫn lên được những cao trào của rock, anh tạo được dấu ấn riêng đáng kể qua hai ca khúc đã quá nổi tiếng.
Hà Trần đẳng cấp nhưng Trần Tiến mới là vedette
Hà Trần hẳn là vì người nhà của tác giả nên bị đặt vào thế khó. Cô được để phần bài mới tinh Mỹ nhân ngư theo kiểu jazz, một bài có ít đất diễn là Phố núi và một giàu tự sự (đồng nghĩa với ít tính giai điệu): Một mình. Phần phối cũng không được đầu tư nhiều.
Nhưng tất nhiên bằng ấy thứ không làm khó được Hà. Đúng là có chung gene với tác giả có khác, Hà Trần luôn có cách diễn đạt Trần Tiến lắng đọng và gần gũi. Cô còn có phần song ca đầy tình cảm với người chú mà cô gọi bằng bố. Dù ở phần này, cách thể hiện của tác giả có hơi sướt mướt. Nhưng đấy là do ông chủ định chứ không phải là không tiết chế được cảm xúc.
Trần Tiến kiểm soát tốt mọi thứ trên sân khấu một cách đáng ngạc nhiên. Nếu ông không nói do “chiếu 30 tia xạ” (ngụ ý 30 lần xạ trị) và bị cắt tuyến nước bọt khiến liên tục phải uống nước (trong đó có thuốc tăng lực không thì không biết) cũng chẳng ai để ý ông vừa qua cửa tử.
Ông thoải mái giao lưu, tung hứng với MC và đàn hát chắc cũng không khác gì 10-20 năm trước. Chỉ có mỗi một lần có vẻ quên lời thật khi hát Rock đồng hồ cùng nhóm Du Ca. Quên rồi lại nhớ ra ngay, chứ không phải nhầm lời. Còn khi ông nói sai tên bệnh viện đã chữa cho mình tất nhiên là “diễn” cho vui rồi (?)
Vì Trần Tiến vẫn còn đây, nên Hà Trần vẫn chưa phải là vedette của chương trình. Trần Tiến tự kết cho buổi hòa nhạc để đời bằng hai bài mới Lẳng lơ (tặng anh đánh cá hàng xóm muộn vợ) và Phiêu bạt - một tuyên ngôn của chính mình.
Phần nhìn của Nửa thế kỷ phiêu bạt cũng tương xứng với phần nghe. Hàng trăm cây ghi ta gỗ được treo lên làm phông nền sân khấu xen kẽ với dàn đèn tạo hiệu ứng như những ánh sao tỏa sáng. Tất cả lại được đặt trong lòng một cây ghi ta lớn. Và ở lỗ thoát âm của cây đàn khổng lồ này, sau những sợi dây là chữ ký của Trần Tiến.
Bài hát khắc họa hai hình ảnh tương đồng, một cao bồi viễn Tây, một chàng du ca: "Tìm tự do cánh chim ngang trời/Tìm lẽ sống dấn thân trên đời/Tìm hạnh phúc hiếm hoi giữa đời trần gian/Một tay súng chiến binh ngang tàng/Một nghệ sĩ trái tim dịu dàng/Ngọn lửa ấm cháy trong hai người/Tình yêu...".
Ở tuổi 75 sau nhiều lần xạ trị vẫn biểu diễn và chủ trì một đêm nhạc đầy đặn gồm cả những sáng tác lần đầu công bố mà vẫn được khán giả tán thưởng ngay, chỉ có thể là Trần Tiến.
Nói chung không biết có ai mua vé phần vì biết nhạc sĩ có trọng bệnh không, nhưng rõ ràng sự trên cả phong độ của ông đã đóng góp một phần quan trọng vào sự thành công của chương trình, biến nó thành một dấu ấn đẹp trong sự nghiệp dài rộng của một nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn được nhân dân yêu mến.
Trong bài Phiêu bạt, ông bày tỏ mong muốn được chết bên cây đàn, như chàng cao bồi chết trên lưng ngựa. Nhưng trong đêm nhạc này khán giả chỉ thấy một Trần Tiến bên cây đàn vẫn hết sức sống động.
Và đúng như ông từng khuyên Khánh Ly - đừng chia tay khán giả mà hãy hát đến khi còn người cuối cùng nghe mình, Trần Tiến cũng không nói lời giã biệt nào. Ông còn đang tiếp tục “phiêu bạt” giữa cuộc đời, giữa âm nhạc và sự yêu thương của khán giả…