Hà Trung phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt
Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua, huyện Hà Trung khuyến khích người dân mở rộng diện tích, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản. Qua đó, không ngừng nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế và từng bước hình thành vùng sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung.
Mô hình nuôi thủy sản nước ngọt cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Hà Lĩnh.
Huyện Hà Trung đã và đang triển khai các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho các hộ nuôi trồng thủy sản, như hỗ trợ 50% tiền có hóa đơn mua giống cho các hộ đầu tư nuôi ốc nhồi thương phẩm; đồng thời, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật cho người dân. Huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra chất lượng con giống, thuốc thú y thủy sản nhằm giúp người dân sản xuất thuận lợi, hạn chế những thiệt hại, dịch bệnh do con giống và vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản kém chất lượng gây ra. Do đó nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phát triển ổn định về diện tích, tăng dần về năng suất và sản lượng. Một số hộ gia đình bước đầu áp dụng hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh trên nhiều đối tượng nuôi, kết hợp ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng, phòng bệnh cho các giống vật nuôi thủy sản, vệ sinh ao nuôi thường xuyên, tiến hành phơi ải, rắc vôi khử trùng sau mỗi vụ thu hoạch.
Từ năm 2017, sau khi dồn điền, đổi thửa, toàn bộ khu vực đồng chiêm trũng cấy lúa kém hiệu quả ở xã Hà Châu được quy hoạch thành khu vực nuôi trồng thủy sản, kết hợp với mô hình cá – lúa. Gia đình anh Vũ Văn Lan đã nhận thầu 3 ha mặt nước để nuôi cá giống và cá thịt, với các loại cá chủ lực là trắm, rô phi và diêu hồng... Hàng năm, sản lượng cá của gia đình anh thu hoạch đạt gần 30 tấn các loại, doanh thu khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài gia đình anh Lan, xã Hà Châu còn có gần 30 hộ dân cũng đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá nước ngọt trên diện tích đồng chiêm trũng được cải tạo, đem lại hiệu quả cao hơn nhiều lần so với trồng lúa trước đây.
Hiện nay, huyện Hà Trung có 1.980 ha nuôi trồng thủy sản, tập trung chủ yếu tại các xã Hoạt Giang, Hà Lĩnh, Hà Tiến, Yên Dương, Hà Châu... với 1.100 hộ tham gia, trong đó có 300 hộ nuôi thủy sản theo hướng thâm canh. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đã được quy hoạch và đầu tư cơ bản đồng bộ, nhất là hệ thống cấp, thoát nước cho ao nuôi. Từ năm 2017 đến nay, huyện Hà Trung đã thực hiện chuyển đổi hơn 900 ha trồng lúa kém hiệu quả kinh tế sang nuôi trồng thủy sản. Các đối tượng con nuôi cũng rất phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh nghiệm sản xuất và gắn với thị trường tiêu thụ. Đến nay, nhiều hộ gia đình đã thành công với các mô hình nuôi ốc nhồi, ba ba, ếch và lươn không bùn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho ngành nuôi trồng thủy sản địa phương. 9 tháng năm 2022, sản lượng nuôi trồng thủy sản của huyện Hà Trung đạt gần 6.000 tấn, giá trị khoảng 70 tỷ đồng.
Thời gian tới, huyện Hà Trung phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh định hướng cho người dân phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt theo quy trình VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất. Cùng với đó, khuyến khích các nhóm hộ liên kết với nhau thành lập HTX để hỗ trợ nhau về vốn, giống, kỹ thuật nuôi thủy sản và liên kết tiêu thụ. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với hội LHPN, hội nông dân, Huyện đoàn đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường nước, nuôi thả thủy sản theo các hình thức an toàn; tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho tôm, cá; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế nuôi trồng thủy sản. Khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản chất lượng cao và bảo vệ môi trường. Xây dựng và áp dụng rộng rãi công nghệ nuôi thủy sản lồng bè, phù hợp với điều kiện môi trường. Thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi, mở rộng các liên kết trong nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững.