Hà Văn Thương với 'Trường ca đại sự'
Văn hóa và Đời sống - Sẽ nhiều người nghĩ rằng, ông Thương là người Thái, ông ấy làm dễ dàng hơn. Nhưng bắt tay vào làm mới hiểu chẳng có gì là dễ dàng nếu không tâm huyết. Và vì tâm huyết mà ông lao như thiêu thân, như sợ rằng chả mấy mà mình quên, rồi yếu, rồi nản.
“Trường ca đại sự” không chỉ giúp chúng ta hiểu văn hóa Thái, mà chỉ ra lẽ sống chết thường tình của con người, đồng thời giúp chúng ta nhìn thấy cần phải sống thế nào. (ảnh minh họa)
Sau từ điển Thái - Việt Thanh Hóa ra đời vào năm 2018, cuối năm 2020, ông Hà Văn Thương tiếp tục giới thiệu Trường ca đại sự với những người yêu tiếng Thái, yêu văn hóa Thái.
Ở Thanh Hóa nhiều người biết ông Hà Văn Thương, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, là con trai của cố Chủ tịch UBND tỉnh Hà Văn Ban. Nhưng không nhiều người biết, ngay sau nghỉ hưu, ông liên tục xuất bản 2 cuốn sách rất dày dặn, công phu, nghiêm túc về ngôn ngữ và văn hóa Thái.
Ông Hà Văn Thương cho biết: Có một thời kỳ, chữ Thái bị chính trị hóa, nhiều tài liệu, sách... bị đốt hoặc chôn, xé. Một số người vì tiếc, vì yêu chữ Thái đã giấu ở chòi rẫy, gác bếp để bây giờ đa số những tập giấy còn tìm lại được đều mang màu bồ hóng. Khi Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra đời, văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung trong đó có văn hóa Thái và chữ Thái được cởi mở hơn, nhiều nhà nghiên cứu quan tâm hơn. Song chữ Thái, văn hóa người Thái ở Thanh Hóa vẫn còn rất ít ỏi so với kho tàng trong dân gian. Cuốn sách đầu tiên ra mắt độc giả - Từ điển Thái - Việt, theo chia sẻ của ông là: khó nhọc vô cùng. Ông đã dành 4 năm tìm tài liệu, đi điền dã sưu tập ngôn ngữ tiếng Thái, cuốn sách ra đời được đón nhận hơn cả sự mong đợi của ông, bởi người quan tâm không chỉ là những người lên vùng dân tộc Thái công tác, mà nhiều người Thái lâu không sử dụng, thậm chí người trẻ dân tộc Thái cũng tìm đọc. Ông vui lắm, dẫu không ít lời chê vì sự “không bình thường” so với những cuốn từ điển khác về cách thức tra cứu. Chia sẻ vấn đề này ông nói: Tôi cũng đưa ra nhiều phương án để làm cuốn từ điển đó, nhưng cuối cùng tôi lựa chọn cách: Làm sao nhiều người dễ sử dụng, chứ theo nguyên tắc truyền thống, chắc chắn người tra cứu, người học sẽ thấy khó tra tìm.
2 năm sau, ông Hà Văn Thương cho ra mắt “Trường ca đại sự”, khiến những ai đã nghĩ rằng, Hà Văn Thương làm xong cuốn từ điển sẽ không thể làm được gì nữa, quá bất ngờ. Bất ngờ đầu tiên là sau những “chê bai”, hóa ra ông chẳng chán nản chút nào. Bất ngờ hơn là sự đam mê của người “tay mơ” như ông. Tôi hỏi ông: Lý do gì để ông quyết tâm in cuốn sách dày hơn 600 trang như thế này? Ông Hà Văn Thương chỉ cười: Chả hiểu sao, lúc ấy tôi hung hăng bỏ ra hơn 70 triệu để in bằng được cuốn sách chỉ vì mình là người Thái, nếu mình không làm, ai sẽ làm đây.
Cũng may là ông cho mình hung hăng và dại khờ, chứ nếu ông cứ toan tính đủ đường, cứ dùng dằng nên thế này hay thế kia, có lẽ chả ai biết được những bài mo hấp dẫn thế nào, những ông thầy mo và cả lễ vía đám ma cầu kỳ và cẩn trọng ra sao.
Biết mà không làm là có lỗi
Cuốn sách ra đời tháng 9-2020 nhưng ý tưởng hình thành có hơn 35 năm rồi. “Trường ca đại sự” chia làm 3 phần: Chữ Thái cổ Thanh Hóa; Phần phiên âm bằng chữ Quốc ngữ; Phần dịch ra tiếng Việt, xoay quanh chuyện một người chết. Cụ thể nhân vật người chết được kể lại lai lịch từ khi còn sống, lý do dẫn đến cái chết, rồi đưa hồn vía người chết lên trời, lên nhà Chao ở với tổ tiên, đi mời Mo, lai lịch con vật giết làm cỗ, lai lịch cỗ hòm, đến việc mời cơm, giải đi những thứ xúi quẩy, mời uống rượu cần, cúng tổ tiên, xem vía người chết đã ưng chưa. Ưng rồi mới bưng cỗ lên cúng, mời người chết vào nằm và đi tìm nơi đặt mộ, bữa cơm cuối cùng... Việc kể lai lịch thế này chính là sự coi trọng người đã khuất, là việc đại sự với người Thái.
“Trường ca đại sự” không chỉ giúp chúng ta hiểu văn hóa Thái, mà chỉ ra lẽ sống chết thường tình của con người, đồng thời giúp chúng ta nhìn thấy cần phải sống thế nào. Những câu mo được người biên soạn dịch lời Việt nhưng rất giàu chất thơ, như một bài hát nhiều giai điệu. Nếu nghe lời người chết dặn dò người ở lại: “Chăm con cho mau lớn/ Chăm cháu cho khôn ngoan/ Chăm bản nhiều anh em họ quý/ Làm ruộng bông trĩu hạt/ Làm nương bông lúa dài/ Nuôi lợn có nhiều lứa/ Nuôi gà có nhiều đàn/ Nuôi trâu có nhiều nghé/ Nuôi chó giỏi đi săn/ Đi buôn không cạn tiền/ Đi chợ tiền đầy túi/ Cuối năm khi ăn tết/ Hãy có lời để vía X về...”, “Rượu ngon mời ba lần/ Ba lần đã nên cỗ/ Ba lượt đã xong xuôi/ Ba lần mo không còn nói/ Ba lượt mo không còn mời/ Chim tú bay không còn mùi rượu/ Chim cu bay không còn mùi thơm/ Rượu nhạt như giọt sương sớm/ Rượu phai như nước lã ban mai” mới thấy người Thái sử dụng ngôn ngữ rất thực tế mà uyển chuyển; đơn giản mà sâu lắng... Đúng như nhà văn Lê Xuân Giang, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa nhận xét: “Hình như việc ông Mo nói với người chết chỉ là cái cớ để người Thái bộc lộ trí tưởng tượng phong phú theo nhận thức của dân tộc mình trước thần linh, trời đất và vũ trụ, nên ở đây, có lực lượng thần bí của ông Mo, có ma quỷ, có đường ra biển, có đường lên trời, có nhà Chao. Tưởng tượng ra “nhà Chao” là nơi ở chung với tổ tiên của người chết, nơi ấy cũng có ruộng rẫy để làm ăn... là một sáng tạo tuyệt vời của người Thái Thanh Hóa trong kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam”.
Cuộc đời một con người tưởng là chuyện cá nhân nhưng lại là vấn đề của xã hội, tưởng đơn giản mà rất đại sự... bởi phía sau một con người, một câu chuyện là các giá trị văn hóa, là đời sống tinh thần, là những số phận con người... Vì thế, tôi hiểu rằng, hơn 35 năm nghiên cứu, nói như ông Hà Văn Thương: Có những điều mà ở ngay bên cạnh và rất gắn bó mà mình bỏ qua, lơ đi thì quá uổng, biết mà không làm là có lỗi. Hơn ai hết, ông hiểu rõ, ở vào cái tuổi của ông vẫn nhớ, vẫn thuộc được hết lời mo... chả còn mấy người. Ông phải ghi lại, phải xuất bản để con cháu người Thái sau này muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc mình còn có chỗ để tìm.
Nhìn bề ngoài ông Thương rề rà, chầm chậm, nhẹ nhàng, thế mà khi cuốn sách “Trường ca đại sự” đang còn thơm mùi giấy, còn nóng trên tay, ông đã tiếp tục xuất bản cuốn “Bài ca mừng xuân Mường Ca Da” dày gần 500 trang vào đầu xuân 2021. Sẽ nhiều người nghĩ rằng, ông Thương là người Thái, ông ấy làm dễ dàng hơn. Nhưng bắt tay vào làm mới hiểu chẳng có gì là dễ dàng nếu không tâm huyết. Và vì tâm huyết mà ông lao như thiêu thân, như sợ rằng chả mấy mà mình quên, rồi yếu, rồi nản.
Văn hóa là biểu hiện trọn vẹn đời sống tâm hồn của một dân tộc, cuốn sách ra đời góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và làm phong phú nền văn hóa xứ Thanh. Tôi tin rằng, văn hóa của người Thái Thanh Hóa sẽ được giữ gìn, bảo lưu nếu bên cạnh những nhà nghiên cứu... có những “tay mơ” như ông Hà Văn Thương.