Hạ viện Mỹ công nhận diệt chủng Armenia: Nói điều không nói
Việc Hạ viện Mỹ ngày 29/10 thông qua nghị quyết công nhận sự tồn tại của 'diệt chủng' Armenia sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ Washington - Ankara. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi là người đã dẫn dắt nỗ lực thông qua quyết định công nhận Diệt chủng Armenia. (Nguồn: Getty Images)
Với 405 phiếu thuận và 11 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ chiếm đa số đã thông qua nghị quyết chính thức công nhận sự tồn tại của cuộc “Diệt chủng” Armenia, được nhiều tài liệu lịch sử khẳng định là do Đế quốc Ottoman, tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ, tiến hành từ năm 1915.
Cũng nhân dịp này, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt các cá nhân và tổ chức của Thổ Nhĩ Kỳ vì có hành vi xâm lược Syria và tấn công người Kurds. Cụ thể, dự thảo H.R.4695 sẽ cấm quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ tới Mỹ, các hành vi trung chuyển trang thiết bị quốc phòng Mỹ để sử dụng tại Syria, yêu cầu Lầu Năm góc và Bộ Ngoại giao lên kế hoạch chống lại sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Dự thảo này cũng tiến hành trừng phạt ngân hàng nhà nước Halkbank và các tổ chức tài chính Thổ Nhĩ Kỳ liên quan vì thực hiện giao dịch tài trợ cuộc “xâm lược”, yêu cầu Washington tăng cường trừng phạt Ankara vì mua vũ khí của Moscow.
Ý nghĩa của nghị quyết H.R.4695 là rõ ràng, song việc Hạ viện chính thức công nhận “Diệt chủng Armenia” và vai trò của Đế quốc Ottoman mới là thứ có thể phá hủy hoàn toàn quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài gần một thế kỷ.
Thời điểm nhạy cảm
Đầu tiên, động thái này diễn ra khi quan hệ song phương chuyển biến phức tạp. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ngày một thân thiết với Nga sau thỏa thuận phân chia tầm ảnh hưởng tại Syria, quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ lại tụt dốc không phanh. Cái bắt tay “hời hợt” giữa Washington và Ankara ngày 18/10 về chiến sự tại vùng Đông Bắc Syria đã sớm bị quên lãng. Thổ Nhĩ Kỳ đã phớt lờ cảnh báo của Lầu Năm góc để tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga.
Thứ hai, Tổng thống Tayyip Erdogan, tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 74 vừa qua, đã không giấu giếm ước vọng về phát triển vũ khí hạt nhân, đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cường quốc, đủ sức xây dựng luật chơi, nhằm ít nhiều khôi phục hào quang của Đế quốc Ottoman năm nào.
Cuối cùng, nghị quyết này được Hạ viện Mỹ thông qua đúng ngày Quốc khánh Thổ Nhĩ Kỳ, 29/10. Ngày này 96 năm về trước, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk đã có bài phát biểu, chính thức thành lập Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, đánh dấu sự ra đời của nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.
Thường dân Armenia bị lính Ottoman ép buộc rời Harput (Kharpert), đến một nhà tù ở Mezireh (ngày nay là Elazig), vào tháng 4/1915.
Điều không nói
Vậy “Diệt chủng” Armenia là gì? Tại sao nghị quyết của Hạ viện Mỹ lại có thể phá hủy mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ?
Theo Điều 2 trong Công ước của Liên hợp quốc về Diệt chủng, “diệt chủng” là hành vi nhằm tiêu diệt, một phần hoặc tất cả, một nhóm người có chung quốc tịch, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo, như: sát hại; gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần; cố ý gây tổn hại tình trạng sinh tồn của cả nhóm nhằm xóa sổ nhóm này một phần hoặc tất cả; áp đặt các biện pháp nhằm ngăn ngừa sinh đẻ trong nhóm; cưỡng đoạt trẻ em từ nhóm này sang nhóm khác.
Theo đó, từ ngày 24/4/1915 đến năm 1923, Đế quốc Ottoman được cho là đã bắt giữ, cưỡng ép di dời và sát hại một cách có hệ thống 1,5 triệu người Armenia tại các trại tập trung và trung chuyển trên khắp đất nước.
Mỗi quốc gia đều có những vấn đề nhạy cảm và đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đó là cái chết của 1,5 triệu người Armenia. Kể từ khi lập quốc, Ankara đã nhiều lần phủ nhận sự tồn tại của một cuộc “diệt chủng”, cho đây là thương vong do Thế chiến I, đồng thời phản ứng gay gắt với bất kỳ quốc gia nào gọi đây là diệt chủng.
Do đó, việc Hạ viện Mỹ công nhận cái chết của 1,5 triệu người Armenia và vai trò của Đế quốc Ottoman, tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ trong sự kiện này đã bị chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan chỉ trích kịch liệt. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: “Nghị quyết này được soạn thảo và thông qua nhằm thỏa mãn chính trị nội bộ mà không dựa trên căn cứ lịch sử hay pháp lý nào. Là một nước cờ chính trị vô nghĩa, nó chỉ có mục đích duy nhất là nhằm vận động người Armenia tại Mỹ và phần tử chống Thổ Nhĩ Kỳ”. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi Đại sứ Mỹ để phản đối.
Song đó chỉ là một phần câu chuyện. Trong tuyên bố sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã so sánh chiến dịch tấn công người Kurd của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với cuộc “Diệt chủng” Armenia năm nào. Trước đó, 49/50 bang của Mỹ đã chính thức công nhận cái chết của 1,5 triệu người Armenia là diệt chủng; cựu Tổng thống Barack Obama từng cam kết chính thức công bố lập trường của Mỹ về vấn đề này, người kế nhiệm ông thì từng gọi đây là “một trong những tội ác hàng loạt tồi tệ nhất thế kỷ XX”, song chưa có hành động cụ thể.
Việc Hạ viện Mỹ đưa ra nghị quyết như vậy trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang xấu đi, với tỷ lệ ủng hộ áp đảo cho thấy lưỡng đảng muốn Tổng thống Donald Trump cứng rắn hơn với Tổng thống Tayyip Erdogan, duy trì áp lực nhằm đảm bảo lợi ích còn lại tại Syria nói riêng và khu vực nói chung.
Quan trọng hơn, động thái này còn nhằm gửi đi một thông điệp. Thời gian gần đây, Tổng thống Tayyip Erdogan từng khẳng định phát triển vũ khí hạt nhân là lợi ích chính đáng của quốc gia, nhằm khôi phục vị thế nước lớn và hào quang quá khứ. Việc Hạ viện Mỹ đề cập “hành động man rợ của của Đế quốc Ottoman với người Armenia” khi đó là lời cảnh cáo rằng Mỹ luôn dõi theo mọi nước cờ chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, từ tăng cường kiểm soát ở Syria hay ước vọng về vũ khí hạt nhân.
Chừng nào những khúc mắc giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như khác biệt về lợi ích tại Syria, quan hệ với Nga và mới đây là “Diệt chủng” Armenia chưa được giải quyết, quan hệ song phương sẽ khó lòng cải thiện, thậm chí là xấu đi thời gian tới.