Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm súng trường kiểu tấn công
Hạ viện Mỹ ngày 29/7 đã thông qua dự luật cấm súng trường kiểu tấn công được sử dụng trong các vụ xả súng hàng loạt. Dự luật này sẽ được chuyển đến Thượng viện để phê chuẩn, Reuters đưa tin.
Dự luật được thông qua tối 29/7 (giờ địa phương) với 217 phiếu thuận và 213 phiếu chống, trong bối cảnh dân chúng phẫn nộ khi những vụ giết người hàng loạt xảy ra thời gian vừa qua, trong đó súng trường AR-15 được sử dụng để tấn công dẫn đến nhiều người thương vong, trong đó có trẻ em, học sinh và những đối tượng khác khi họ đang tham gia các sinh hoạt hàng ngày.
Những khẩu AR-15 được bán tại một cửa hàng ở Pennsylvania, Mỹ
Đây được xem là chiến thắng ý nghĩa của đảng Dân chủ sau nhiều vụ xả súng trên cả nước Mỹ gần đây; đồng thời đánh dấu lần đầu tiên trong hơn 2 thập niên qua các nghị sĩ thông qua một luật cấm loại vũ khí phổ biến.
Theo trang The Hill, dự luật kêu gọi cấm bán, sản xuất, chuyển nhượng hoặc nhập khẩu nhiều loại vũ khí tấn công bán tự động, súng lục và súng săn bán tự động, tùy vào cấu tạo. Ví dụ, toàn bộ súng trường bán tự động đều bị cấm nếu có thể gắn hộp tiếp đạn rời, có tay cầm dạng súng lục, tay cầm đằng trước, ống phóng lựu đạn, ống che nòng, nòng súng có thể gắn ống giảm thanh và một số chi tiết khác.
Trong bối cảnh dự luật trên sẽ khó thu được 60 phiếu ủng hộ cần thiết để vượt qua "ải" Thượng viện, nhiều Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ đã viện dẫn một loạt vụ xả súng gần đây liên quan đến việc sử dụng các loại vũ khí kiểu tấn công để hối thúc các nhà lập pháp cấp bách ngăn cấm các vũ khí này.
Đại diện đảng Dân chủ Lloyd Doggett phát biểu trong cuộc tranh luận: “Chúng (những khẩu súng - NV)dễ dàng có thể được mua thậm chí còn dễ hơn việc một thanh niên mua một cốc bia”.
Súng trường bán tự động kiểu AR-15 tại một cửa hàng ở thành phố Burbank, bang California, Mỹ
Ông Doggett nói thêm: “Chúng đã biến nhà thờ, trường học, trung tâm mua sắm, địa điểm giải trí của chúng ta, hầu như bất kỳ nơi nào thành chiến trường với hết vụ thảm sát này đến vụ thảm sát khác”.
Các đảng viên Dân chủ đã cố gắng gia hạn lệnh cấm liên bang đối với loại vũ khí này trong nhiều năm, được áp dụng lần đầu tiên vào năm 1994 và hết hạn vào năm 2004. Theo một nghiên cứu năm 2021 của Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, lệnh cấm vũ khí kiểu tấn công đã giảm đáng kể các vụ xả súng hàng loạt.
Thế nhưng, đảng Cộng hòa chống lại dự luật này, cáo buộc đảng Dân chủ đã vi phạm Tu chính án thứ 2 của Hiến pháp Mỹ, ghi nhận “quyền của người dân được nắm giữ và mang vũ khí sẽ không thể bị xâm phạm”.
Một số đảng viên Dân chủ bỏ phiếu chống vì cho rằng đó không phải là một lệnh cấm toàn diện đối với việc kiểm soát một số loại súng, trong khi cũng có vài nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ dự luật.
Dù được ủng hộ tại Hạ viện nhưng dự luật này bị cho là khó qua ải Thượng viện vì sự phản đối của đảng Cộng hòa. Dù vậy, các hạ nghị sĩ đảng Dân chủ đã thúc đẩy giới lãnh đạo thay đổi bằng cách bỏ phiếu cho dự luật mới nhất nhằm gửi thông điệp rằng họ đang đấu tranh cho nạn xả súng đã gia tăng trong những năm gần đây.
Súng trường kiểu tấn công là loại vũ khí bán tự động nhẹ, phổ biến trong giới thợ săn ở Mỹ. Chúng cũng có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho con người khi chúng xé nát các cơ quan, xương và cơ trong lửa nhanh.
Các loại vũ khí bán tự động này từng được dùng trong những vụ xả súng ở Buffalo, bang New York, Uvalde, bang Texas và Highland Park, bang Illinois.
Năm 1994, Tổng thống Bill Clinton khi đó đã ban hành lệnh cấm vũ khí tấn công nhưng quy định hết hiệu lực 10 năm sau đó và đảng Dân chủ không có đủ sự ủng hộ để thông qua biện pháp tương tự về sau này.
Hồi tháng 6/2022, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều thông qua dự luật an toàn súng đạn và được Tổng thống Joe Biden ký ban hành. Luật này giúp tăng cường kiểm tra lý lịch người mua súng từ 18-21 tuổi và sẽ hình sự hóa những người sở hữu vũ khí trái phép hoặc buôn lậu, bên cạnh những quy định khác.
Cũng trong tháng 6/2022, Hạ viện thông qua 2 dự luật liên quan đến kiểm soát súng đạn nhưng do thiếu sự ủng hộ của đảng Cộng hòa nên không được đưa lên Thượng viện bỏ phiếu.