Hạ viện Mỹ thông qua gói cứu trợ COVID-19 qui mô lớn chưa từng thấy

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi - Ảnh: Washington Post

* Anh thay đổi chiến lược tiêm chủng vắcxin, ưu tiên theo độ tuổi

Trong phiên họp thâu đêm sang rạng sáng 27/2, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua gói cựu trợ, kích cầu kinh tế nhằm đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trị giá 1.900 tỉ USD, với tỉ lệ 219 phiếu thuận và 212 phiếu chống. Chỉ có 2 Hạ nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu phản đối gói cứu trợ.

Bất chấp sự phản đối gần như toàn diện của tất cả các hạ nghị sĩ Cộng hòa, hạ viện đã thông qua gói cứu trợ, được Tổng thống Joe Biden coi là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sĩ đối nội này, nhằm tiến gần hơn một bước tới việc hiện thực hóa gói cứu trợ với hy vọng bình ổn nền kinh tế, tăng nguồn ngân sách ứng phó với đại dịch.

Gọi cứu trợ bao gồm các nội dung chính như sau: chi trả 1.400 USD cho một cá nhân và một khoản tương tự cho mỗi người phụ thuộc; Trợ cấp thất nghiệp 400 USD/tuần áp dụng tới ngày 29/8 và có thể gia hạn; Chi 20 tỉ USD cho chương trình phân bổ vắcxin COVID-19 và 50 tỉ USD khác cho các chương trình xét nghiệm và truy vết virus SARS-CoV-2; Chi 350 tỉ USD cứu trợ chính quyền các tiểu bang và địa phương; Chi 25 tỉ USD để hỗ trợ người thuê nhà trả phí; Chi 170 tỉ USD để hỗ trợ sinh viên và giúp các trường học từ cấp mẫu giáo (K) cho tới lớp 12 mở lại trường học; Đặc biệt, gói cứu trợ của Hạ viện Mỹ có cả điều khoản nâng lương tối thiểu của người lao động liên bang lên 15 USD/giờ, song điều khoản này nhiều khả năng sẽ bị chặn tại thượng viện.

Trong chuyến công tác chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức tới thành phố Milwaukee, thuộc bang Wisconsin hôm 16/2 vừa qua, Tổng thống Biden cam kết sẽ thúc đẩy nhanh chóng để đưa gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỉ USD đến người dân.

Phát biểu trên chương trình phát sóng trực tiếp của kênh CNN từ tòa thị chính ở Milwaukee, Tổng thống Biden nhấn mạnh đây là thời điểm để chính phủ giải ngân khoản tiền lớn. Gói hỗ trợ kinh tế của ông Biden có quy mô gấp đôi gói hỗ trợ mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 12 năm ngoái sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

Chính quyền Mỹ cho biết khoản ngân sách lớn trên gồm khoản trợ cấp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ, qua đó ngăn chặn sự chững lại của đà hồi phục kinh tế. Bên cạnh đó, gói chi tiêu của ông Biden còn cam kết thúc đẩy chương trình tiêm vắcxin ngừa COVID-19, vốn được xem là thách thức tài chính, y tế và hậu cần mà chính quyền của Tổng thống Biden sẽ phải giải quyết trong nhiệm kỳ này.

Tổng thống Biden cam kết đến cuối tháng 7 tới Mỹ sẽ có 600 triệu liều vắcxin, đủ để tiêm chủng cho tất cả người dân Mỹ. Bày tỏ lạc quan về tương lai cuộc sống của người dân Mỹ trở lại bình thường, Tổng thống Biden cho biết ông mong muốn nhanh chóng đưa trẻ em quay lại trường học và chủ trương tiêm vắcxin cho các giáo viên.

Nhà lãnh đạo Mỹ kỳ vọng đến Giáng Sinh tới nước Mỹ sẽ ở một "hoàn cảnh rất khác”, theo đó sẽ có ít người phải cách ly xã hội hơn và ít người phải đeo khẩu trang hơn. Tuy nhiên, ông Biden nhấn mạnh "không thể chắc chắn về điều này".

Dự luật nay sẽ được chuyển lên Thượng viện xem xét. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cam kết sẽ nỗ lực hết sức để gói cứu trợ được thông qua và gửi lên Tổng thống Biden ký ban hành. Bà bày tỏ hy vọng gói cứu trợ sẽ hoàn tất quá trình phê chuẩn tại lưỡng viện trước này 14/3.

Trước đó, ngày 26/2, một hội đồng cố vấn của Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) gồm 22 chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu của Mỹ đã nhất trí bỏ phiếu ủng hộ việc cấp phép khẩn cấp đối với vắcxin ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ cho biết hội đồng tiến hành bỏ phiếu sau cuộc họp trực tuyến kéo dài một ngày nhằm thảo luận về những lợi ích cũng như nguy cơ của loại vắcxin này đối với người sử dụng từ 18 tuổi trở nên. Mặc dù khuyến nghị của hội đồng không mang tính bắt buộc nhưng thường sẽ được chính phủ Mỹ cân nhắc thực hiện.

Dự kiến vắcxin của Johnson & Johnson sẽ được phê duyệt vào cuối tuần này, trở thành loại vắcxin thứ ba được cấp phép ở Mỹ (sau Pfizer/BioNTech và Moderna). Một thành viên của hội đồng, chuyên gia Archana Chatterjee cho rằng việc cấp phép cho vắcxin của Johnson & Johnson sẽ giúp đáp ứng nhu cầu thiếu hụt vắcxin trong bối cảnh nước Mỹ vẫn đang ở giai đoạn cam go trong cuộc chiến chống COVID-19.

Trưởng bộ phận phát triển vắcxin tại Janssen (công ty con của Johnson & Johnson), ông Johan Van Hoof khẳng định vắcxin của hãng sẽ góp phần trong nỗ lực toàn cầu chống đại dịch COVID-19, nhất là khi sản phẩm này có hiệu quả cao và chống được cả các biến thể mới đáng lo ngại hiện nay.

Ngoài ra, với ưu điểm chỉ sử dụng một liều duy nhất và có thể được bảo quản lâu dài ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường, vắcxin của Johnson & Johnson còn có những lợi thế lớn về mặt hậu cần và triển khai tiêm phòng.

Trong diễn biến khác, ngày 26/2, Anh thông báo sẽ thay đổi chiến lược tiêm vắcxin phòng dịch COVID-19 trong những tháng tới, theo đó chiến dịch tiêm chủng sẽ dựa vào nhóm độ tuổi thay vì xét những nhóm nghề nghiệp có nguy cơ mắc bệnh.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết trước đó Ủy ban hỗn hợp về miễn dịch và vắcxin của Anh (JCVI) đã đề xuất tiêm vắcxin ngừa COVID-19 dựa vào độ tuổi để cứu được nhiều mạng sống nhất có thể. Đây là cách đơn giản và nhanh nhất để triển khai tiêm chủng. Ông Hancock cũng khẳng định: "Nghĩa vụ đạo đức của chúng ta là ưu tiên cứu người và đó là những gì chúng ta đã làm".

Theo thông báo của JCVI, Anh đang đặt mục tiêu tiêm mũi đầu tiên cho tất cả những người trên 50 tuổi và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương vào giữa tháng 4/2021, sau đó sẽ chuyển thứ tự ưu tiên sang các nhóm trên 40 và tiếp theo là 30 tuổi. Nhóm trên 18 tuổi sẽ được tiêm cuối cùng. Giáo sư Wei Shen Lim, thành viên của JCVI, cho biết sẽ đẩy nhanh hơn để chuyển sang nhóm đối tượng ưu tiên theo tuổi, thay vì dựa vào nguy cơ nghề nghiệp. Ông Lim cho rằng: "Chương trình tiêm chủng dựa trên độ tuổi sẽ đơn giản và sự đơn giản chính là yếu tố quyết định về tốc độ, cũng như sự thành công của chương trình tiêm chủng".

Mặc dù vậy, quyết định trên đang làm dấy lên những tranh cãi trong lực lượng cảnh sát và giáo viên, những nhóm đối tượng được cho là phải nằm trong diện ưu tiên vì có nguy cơ lây nhiễm cao.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Báo Tin Tức)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/252772/ha-vien-my-thong-qua-goi-cuu-tro-covid-19-qui-mo-lon-chua-tung-thay.html