Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ cho Ukraine, Nga phản ứng gay gắt

Sau nhiều tuần tranh cãi, Hạ viện Mỹ đã thông qua 4 dự luật về viện trợ nước ngoài, trong đó có gói viện trợ dành cho Ukraine, và dự luật mở đường cho việc tịch thu tài sản của Nga để hỗ trợ Ukraine tái thiết. Động thái này khiến Nga nổi giận.

Sản xuất đạn pháo 155 mm tại Nhà máy đạn dược Quân đội Scranton ở Scranton, bang Pennsylvania, Mỹ

Sản xuất đạn pháo 155 mm tại Nhà máy đạn dược Quân đội Scranton ở Scranton, bang Pennsylvania, Mỹ

Gói viện trợ cho Ukraine có tổng trị giá 60,84 tỉ USD

Bốn dự luật về viện trợ nước ngoài gồm gói viện trợ dành cho Ukraine, Israel, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và dự luật trừng phạt Iran. Theo Hãng tin Reuters, gói viện trợ cho Ukraine có tổng trị giá 60,84 tỉ USD. Trong đó, khoảng 23 tỉ USD được dùng để bổ sung vũ khí, cơ sở vật chất và trang thiết bị cho quân đội Mỹ để bù lại số chuyển cho Ukraine; gần 14 tỉ USD để đào tạo, trang bị và tài trợ cho nhu cầu của quân đội Ukraine. Kiev cũng sẽ nhận được 10 tỉ USD dưới dạng “các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả” để hỗ trợ kinh tế và ngân sách Ukraine, trong đó có hỗ trợ cho ngành năng lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng.

Với Israel, dự luật viện trợ 13 tỉ USD hỗ trợ quân sự cho nước này trong cuộc xung đột với Hamas. Khoản viện trợ này sẽ được sử dụng để tăng cường hệ thống phòng không Vòm Sắt. Bên cạnh đó, hơn 9 tỉ USD cũng sẽ được Mỹ viện trợ để giải quyết “nhu cầu cứu trợ nhân đạo cấp thiết ở Dải Gaza cũng như của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương khác trên thế giới”.

Liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, dự luật cung cấp khoảng 8 tỉ USD để chống lại Trung Quốc, thông qua việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng tàu ngầm và thúc đẩy cạnh tranh với các dự án của Trung Quốc tại các nước đang phát triển. Dự luật cũng dành hàng tỉ USD tài trợ vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc).

Cùng với các gói viện trợ trên, Hạ viện Mỹ cũng thông qua Dự luật xây dựng lại thịnh vượng và cơ hội kinh tế cho Ukraine (REPO). Dự luật này mở đường cho Chính phủ Mỹ tịch thu các tài sản đóng băng của Nga và chuyển cho Ukraine để hỗ trợ tái thiết đất nước. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ và các nước phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga, trong đó có 6 tỉ USD lưu giữ ở Mỹ. Gần đây, Washington đã vận động các đồng minh tịch thu tài sản đóng băng của Nga bất chấp cảnh báo của Matxcơva.

Quyết định trên của Hạ viện Mỹ được cho là giúp phá vỡ thế bế tắc nhiều tháng qua ở Quốc hội nước này, khiến hoạt động viện trợ Ukraine bị đình trệ. Trong nhiều tháng qua, các lãnh đạo của Mỹ, từ Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đến lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, đều lên tiếng thúc giục Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đưa vấn đề này ra bỏ phiếu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn quyết định của Hạ viện Mỹ. Ông Zelensky tuyên bố: “Dự luật viện trợ quan trọng được Hạ viện thông qua hôm nay sẽ ngăn xung đột lan rộng, cứu sống hàng nghìn hàng nghìn sinh mạng và giúp cả 2 quốc gia chúng ta trở nên hùng mạnh hơn”. Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết thêm: “Đây là gói viện trợ vô cùng quan trọng đối với những người lính của chúng tôi ở tiền tuyến cũng như với các thành phố, làng mạc của chúng tôi đang hứng chịu làn sóng tấn công của Nga”.

Các cuộc khủng hoảng trên thế giới sẽ trầm trọng hơn

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo, gói viện trợ mới của Mỹ dành cho Ukraine sẽ chỉ khiến thêm nhiều người Ukraine thiệt mạng. Ông cũng tuyên bố, Mỹ sẽ “phải trả giá” nếu tịch thu tài sản của Nga. Ông Peskov cho biết, Matxcơva không đặt ra giới hạn thời gian cho việc đáp trả các hành động của Washington và nói thêm rằng Nga sẽ điều chỉnh phản ứng của mình để “phục vụ lợi ích quốc gia theo cách tốt nhất có thể”. Tuy nhiên, ông không nêu rõ các biện pháp mà Matxcơva có thể dùng để đáp trả.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo, gói viện trợ mới của Mỹ sẽ làm trầm trọng hơn các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Bà Zakharova lập luận: “Viện trợ quân sự mà Mỹ dành cho Ukraine, Israel và Đài Loan (Trung Quốc) sẽ làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Viện trợ quân sự Ukraine là hỗ trợ tài chính trực tiếp cho hoạt động khủng bố, viện trợ cho Đài Loan (Trung Quốc) là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, và viện trợ cho Israel là con đường trực tiếp dẫn tới sự leo thang chưa từng có trong khu vực”.

Nội bộ Mỹ cũng có chia rẽ xung quanh dự luật viện trợ nước ngoài. Dù được thông qua nhưng tại cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ, gói viện trợ cho Ukraine chỉ nhận được 311 phiếu thuận, trong khi 112 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu chống. Một số thành viên Cộng hòa phản đối mạnh mẽ việc viện trợ thêm cho Ukraine lập luận rằng Mỹ không thể chi trả trong bối cảnh nợ công lên tới 34.000 tỉ USD. Dân biểu cực hữu của Đảng Cộng hòa Marjorie Taylor Greene là một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất việc giúp đỡ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga và từng đe dọa lật đổ ông Mike Johnson khỏi ghế Chủ tịch Hạ viện vì vấn đề này.

Theo lịch trình, các dự luật mà Hạ viện Mỹ vừa thông qua sẽ được tổng hợp thành một dự luật và gửi tới Thượng viện để bỏ phiếu. Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer cho biết, Thượng viện sẽ bắt đầu bỏ phiếu vào ngày 23-4 tới. Giới quan sát nhận định, Thượng viện Mỹ sẽ nhanh chóng thông qua và chuyển tới Tổng thống Joe Biden để ký thành luật. Ngay sau đó, các kho dự trữ vũ khí lớn ở Mỹ và châu Âu sẽ được mở và chuyển tới Ukraine ngay lập tức.

Theo AP, Lầu Năm Góc có thể chuyển vũ khí đến tay Ukraine chỉ vài ngày sau khi quốc hội phê chuẩn gói viện trợ nếu sử dụng thẩm quyền chi ngân sách của tổng thống (PDA). Đây là cơ chế giúp quân đội Mỹ rút vũ khí ngay lập tức khỏi kho dự trữ. Lầu Năm Góc từng dùng PDA để gửi hàng tỷ USD đạn dược, bệ phóng tên lửa phòng không, xe tăng, xe chở quân và các thiết bị khác tới Ukraine.

Lầu Năm Góc hiện có các cơ sở lưu trữ vũ khí khổng lồ ở Mỹ với hàng triệu viên đạn đủ kích cỡ, sẵn sàng sử dụng trong trường hợp xung đột bùng nổ. Ví dụ, nhà máy đạn dược quân đội McAlester ở Oklahoma có thể lấp đầy 435 container vận chuyển, mỗi container có sức chứa 15 tấn đạn, nếu Tổng thống ra lệnh. Mỹ cũng có thể gửi một số loại đạn dược “gần như ngay lập tức” tới Ukraine từ các kho chứa ở châu Âu. Trong số đó có đạn 155 mm và các loại đạn pháo khác, cùng với một số loại đạn phòng không.

Một loạt cơ sở tại Đức, Ba Lan và các đồng minh châu Âu khác cũng đang giúp Ukraine bảo dưỡng, sửa chữa và huấn luyện họ sử dụng những hệ thống được gửi ra mặt trận. Chẳng hạn, Berlin đã thành lập một trung tâm bảo trì cho đội xe tăng Leopard 2 của Kiev ở Ba Lan, gần biên giới Ukraine. Những cơ sở lân cận như vậy giúp Ukraine đẩy nhanh tốc độ sửa chữa để tiếp tục sử dụng hệ thống của phương Tây.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ha-vien-my-thong-qua-goi-vien-tro-cho-ukraine-nga-phan-ung-gay-gat-post574022.antd