Hạc Hải rộn tiếng hô bơi
Bây giờ, cánh đồng trên phá Hạc Hải đã xong mùa gặt. Tháng nông nhàn đầu thu khởi phát lễ hội của cư dân lúa nước. Giải bơi trải trên sông là tâm điểm. Đây không chỉ là hoạt động thể thao đơn thuần mà còn mang tính văn hóa tâm linh truyền thống để vừa tạ ơn trời đất đã cho nhà nông những cánh đồng bội thu, vừa cầu mong vụ tới mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, đầy đồng tôm cá.Trương Thu Hiền
Sau ba năm gián đoạn, xã Hồng Thủy, Lệ Thủy lại tổ chức giải bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, đoạn băng qua phá Hạc Hải. Cả tuần trước khi vào cuộc, khúc sông phía trước xã thường rộn ràng các đò bơi tập dượt, người dân nơi đây gọi là thụa. Cứ rỗi việc là bà con ra bến lò vôi “ngoắt nôốc”, hừng hực tinh thần cổ vũ hết mình chẳng khác gì một cuộc bơi chính thức. Chỉ cần coi thụa bà con có thể đoán định được khả năng đội nào giật giải. Tuy nhiên, điều đó không làm nản chí các đò yếu, thậm chí còn có tính kích động mạnh mẽ cho quyết tâm "lật kèo" chung cuộc. Tính hấp dẫn bắt đầu từ lúc này.
Mỗi thôn 3 đò, gồm: Đò bơi, đò ban tổ chức và đò cổ động. 9 thôn 27 chiếc. Đò bơi đi trước, các đò khác chạy theo sau. Sông Kiến Giang đông đúc, xôn xao cờ hoa. Ngoài ra còn có rất nhiều phương tiện khác tập trung cổ vũ dọc hai bờ sông. Không chỉ nhân dân xã Hồng Thủy mà còn ở các xã lân cận dọc quốc lộ như Gia Ninh (Quảng Ninh) lên, Thanh Thủy, Hưng Thủy về, Hoa Thủy, Lộc Thủy (Lệ Thủy) phía bên kia phá ra và cả người vùng biển Hải Ninh (Quảng Ninh) vào.
Phá Hạc Hải náo nhiệt không tả nổi, râm ran tiếng mõ tre lốc cốc, tiếng trống, tiếng kèn thúc giục, tiếng tù và rúc và rất nhiều âm thanh từ các loại vật dụng khác, như: Xoong nồi, thau chậu, chai lọ, thùng to, thùng nhỏ, bất cứ thứ gì… miễn tạo ra được âm thanh, càng to càng tốt. Người ta dành hết mọi năng lượng tích cực nhất để cổ vũ cho những con thuyền đang lướt đi trên sông. Tôi không thể ngờ một cuộc bơi cấp xã lại mang những nét đặc trưng riêng biệt, hấp dẫn, thu hút và tưng bừng đến vậy.
Tôi được theo một con thuyền nhỏ cổ vũ cho đội đua của thôn An Định. Ông Hà Minh Triều ngồi bên nói rằng: Hồng Thủy quê ông hiếm đất. Phía sau là điệp trùng đồi cát kéo dài ra tận biển. Phía trước chỉ có một vệt đồng hẹp, xong là đến vời. Gọi phá là vời, nghe nó xa thẳm mà lại thân gần. Từ sau khi đập Mỹ Trung được xây dựng, nhân dân Hồng Thủy và các xã quanh phá từ Lộc Thủy, Hoa Thủy kéo miết xuống Gia Ninh, Võ Ninh rồi băng sang Tân Ninh (Quảng Ninh) bắt đầu công cuộc đấu tranh với thiên nhiên, quai đê lấn nước thành ruộng. Với hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn ngày công khai hoang, làm thủy lợi, nhân dân cải tạo được hơn 600ha ruộng trồng lúa, cho thu nhập mỗi năm hàng nghìn tấn thóc. Riêng xã Hồng Thủy có gần 200ha.
Đứng trên con đê quai nhìn ra cánh đồng mênh mông, tôi mới nhận ra điều cốt tử của đất và người Lệ Thủy, sự gắn bó hòa quyện và cả xung đột khốc liệt giữa con người với thiên nhiên chính là động lực cho nơi đây phát triển. Hạc Hải mênh mông mà không hoang vu, cánh đồng nối tiếp cánh đồng. Sông Kiến Giang trải rộng mà không vắng vẻ. Trên vùng đầm phá ấy, trên con sông ấy luôn dồi dào nguồn sống.
Bao đời qua, nhân dân Hồng Thủy nói riêng, Lệ Thủy nói chung chỉ quen ăn hột gạo đồng mình, ăn con cá, con tôm ngoài phá, nhỏ một tí, ít ỏi một tí nhưng nồi cơm mùi thơm riêng, tréc cá mặn mòi riêng. Sơn hào hải vị không thay được những món ăn đồng quê chân chất đậm đà gió nắng, đất bùn Hạc Hải. Có phải sống trong hoàn cảnh ấy, môi trường ấy đã cho con người Lệ Thủy tính cách riêng, bản lĩnh riêng. Vừa cứng cỏi mà chịu thương chịu khó. Vừa quyết liệt khẳng khái nhưng cũng phóng khoáng, ngang tàng. Như nắng, như gió, như mưa. Như ruộng đồng, như dòng sông, như mênh mông vời phá.
Cổ vũ đua thuyền trên phá Hạc Hải mang lại cho tôi cảm xúc thật khác biệt. Mặt sông rộng, lòng sông sâu, gió thổi ào ạt và sóng dào dạt khi con nước đang lên như muốn thử thách chí trai Lệ Thủy. Dù trước, dù sau, thậm chí chìm đò giữa đường đua, biết chắc đò mình sẽ về chót, vẫn bình thản kéo lên để tiếp tục. Hoàn toàn không có khái niệm nản chí, bỏ cuộc. Họ vẫn kiêu hãnh lướt đi trên sóng nước. Tiếng “Hô bơi! Hồ bơi!” rập ràng. Những nhịp chèo khoáng đạt. Phải là thân quen và yêu thương lắm đến tận từng con sóng đang dợn lên dưới mạn thuyền mới có cú trở mũi hạ tiêu ngọt ngào đến vậy.
Mọi người quanh tôi như đang bị lên đồng. Con thuyền tròng trành rung lắc vì tất cả bật dậy, hay tay ngoắt lên hồi và đôi chân gần như không đứng yên. Họ phất lên bất cứ thứ gì trong tay, ngoài lá cờ đỏ sao vàng còn có cả nón, áo, mái chèo, bao bì, chai lọ và liên tục hét lên thật to: “Cố lên! Cố lên!” không chỉ với đò làng mình mà với bất cứ đò nào bơi qua trước mặt. Cũng không chỉ hoan hô các đò về trước mà chào mừng đến cả đò sau chót. Cứ về đích là tất cả hò hét, nhảy nhót tưng bừng.
Cả bến sông dậy sóng. Sự vô tư, thân thiện xóa tan ranh giới hơn thua thường tình, đua để chơi, cổ vũ để động viên khích lệ nhau cùng tiến tới. Thắng thì tốt. Thua chẳng sao. Vì ai cũng tham gia cuộc chơi trên tinh thần hết mình, vui là chính. Không hậm hực, cay cú. Không hiềm khích, chụp giật. Đừng nói chi đến chuyện dùng mái chèo khua nước vốn hiền lành để tác động lên nhau. Cuộc đua thành công là cuộc đua tất cả đều về đích.
Nhà thơ Đỗ Quý Dũng-một người Lệ Thủy cốt cách, viết những câu thơ yêu thương rằng: …"Em đứng bên anh chẳng biết tự bao giờ/Không đua thuyền sao em khản giọng/Tóc bết mồ hôi tay cầm nón mỏng/Nón gãy vành rồi em bẽn lẽn nhìn anh/Tiếng mõ rộn ràng tiếng trống giục ngũ liên/Thuyền xé nước tiếng reo hò dậy đất/Bao thuyền đua chỉ một thuyền về nhất/Dẫu nón gãy vành có chiếc về sau/Sông lại bình yên xanh ngắt một màu/Trên mặt nước dấu vết hơn thua không để lại/Chiếc nón gãy vành nghiêng nghiêng em đội/Cứ làm ngơ ngẩn hồn anh”.
Đua thuyền là khúc vỹ thanh hân hoan tấu lên trong hồi kết của một mùa vàng. Sau những tưng bừng, náo nhiệt, Hạc Hải lại vẹn nguyên tĩnh lặng, Kiến Giang lại về với êm đềm để tiếp tục nuôi dưỡng những sinh sôi. Hồng Thủy đợi mùa sau dậy sóng!
Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202308/hac-hai-ron-tieng-ho-boi-2211810/