Hai anh em Ðoàn - Kết phát triển nghề nuôi ong lấy mật
ĐBP - Hai anh em ông Ðỗ Xuân Ðoàn (sinh năm 1970), Ðỗ Xuân Kết (sinh năm 1972), thôn C10, xã Sam Mứn, huyện Ðiện Biên là những người đầu tiên trong vùng đưa ong rừng về nuôi và phát triển thành nghề chính nuôi gia đình. Ðể đến nay, vùng Pom Lót - Sam Mứn - Núa Ngam nổi tiếng với hàng nghìn đàn ong mật. Nuôi ong lấy mật trở thành nghề xóa đói giảm nghèo của nhiều hộ dân trong vùng.
Anh em ông Ðỗ Xuân Ðoàn và Ðỗ Xuân Kết kiểm tra đõ ong sắp thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Hiền
Ông Ðỗ Xuân Ðoàn cho biết: “Sinh ra tại mảnh đất Ðiện Biên, từ bé anh em tôi đã thích cùng đồng bào dân tộc bản địa vào rừng lấy mật ong. Lớn lên, vào năm 1987, khi còn là học sinh thì tập tành tự nuôi ong bằng cách đi lấy ong rừng về nuôi trong các đõ tròn, thân cây thủng, cối hỏng của đồng bào dân tộc Thái”. Ðến năm 1990, ông Kết thoát ly đi học đại học đã có cơ hội biết đến Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và thường xuyên đến Trung tâm tìm tòi, học hỏi. Anh trai ông - Ðỗ Xuân Ðoàn ở nhà cũng vẫn tiếp tục say mê với những đàn ong mật, tự học, tự nghiên cứu từ tài liệu, sách vở và thực tế. Sau khi em trai đi học về, hai anh em cùng nhau nhân đàn ong, tập trung, dành hết thời gian cho ong. Sau nhiều năm, hai ông trở thành chủ ong nổi tiếng không chỉ trong xã mà cả tỉnh. Mật ong được thị trường ưa chuộng, xuất bán trong và ngoài tỉnh.
Ðối với những người nông dân nơi đây thì ông Ðoàn và ông Kết đã thành công với nghề ong. Nhưng với hai anh em thì vẫn thấy mình còn thiếu sót nên luôn cầu thị, vẫn tiếp tục nghiên cứu, học hỏi. Dù đã 40 - 50 tuổi nhưng có cơ hội, các ông vẫn tham gia tập huấn, bồi dưỡng thêm về nghề, như: Tập huấn “Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho ong mật” (2015), “Những yêu cầu của thị trường châu Âu” (2009). Không chỉ vậy, hai ông thường xuyên giữ liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới để trao đổi, học hỏi. Ðược Trung tâm đánh giá cao về năng lực nuôi ong và có những đàn ong khỏe nên hai ông hay được mời tham gia các hội thảo, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Hơn nữa, trang trại ong của các ông còn hỗ trợ Trung tâm thử nghiệm, lai tạo các bộ giống ong. Từ năm 2008, nhiều lượt công nhân, sinh viên Trung tâm lên ăn, ở vài tháng đến vài năm để thực hành, nghiên cứu về ong.
Không chỉ hỗ trợ Trung tâm, ông Ðoàn và ông Kết còn tích cực hướng dẫn, giúp đỡ các chủ ong khác trên địa bàn. Năm 2004, hai ông vận động nhiều hộ nuôi ong trong vùng thành lập hợp tác xã (HTX), hỗ trợ các hộ về kỹ thuật chăm sóc ong, nhân giống ong cũng như cách nuôi ong đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên vướng đầu ra cho sản phẩm nên sau vài năm thì HTX tan rã. Hiện nay, hai anh em ông có 800 đàn ong lấy mật theo phương thức nuôi tự nhiên, di chuyển đõ ong theo mùa hoa rừng để cho sản phẩm chất lượng cao. Ông Ðoàn Xuân Kết chia sẻ: Ðể mật ong ngon, đảm bảo thì không chỉ nuôi tự nhiên mà còn cần có đàn ong khỏe, đủ thế hệ lấy mật; để mật chín già mới “bắt”. Giống ong cũng vô cùng quan trọng. Chúng tôi chọn giống ong Ý chuẩn, nhập của nước ngoài, và đến khi nhân giống phải đưa ong di chuyển, đi cách ly xa khỏi vùng nhiều ong.
Từ năm 2019, hai ông tham gia HTX Ong mật Ðiện Biên, vừa là thành viên chủ chốt vừa tư vấn kỹ thuật cho các hộ thành viên, với kỳ vọng có thể nâng cao giá trị kinh tế của mật ong tự nhiên và sản phẩm từ ong đúng với công sức bỏ ra. Ðưa mật ong mang thương hiệu Ðiện Biên đến thị trường rộng lớn hơn.