Hải âu đi tìm cha - cuộc hành trình đầy cảm hứng tự do và chan chứa yêu thương

Hải âu đi tìm cha là truyện dài dành cho thiếu nhi của nhà văn Trần Thu Hằng (Nhà xuất bản Kim Đồng).

Từ cánh chim hải âu non nớt…

Câu chuyện kể về cuộc hành trình của chú hải âu theo tàu của các anh chiến sĩ hải quân và đoàn đại biểu ra thăm Quần đảo Trường Sa. Chú hải âu có tên là Len. Len vừa sinh ra thì bị một cơn bão đánh dạt vào bờ và bị thương rất nặng trong khi bố mẹ mải lo kiếm mồi. May thay chú được một trung úy tên Minh cứu sống và chăm sóc, yêu thương hết mực. Rồi thời gian trôi qua, chú quen với cuộc sống trên bờ mà không biết mình có nguồn gốc nơi đại dương xa xôi, là loài chim biểu tượng cho khát vọng và tự do. Thế rồi lúc Len được sáu tháng tuổi thì đoàn tàu của đội anh Minh phải ra quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ. Và chú đã may mắn được đi theo.

Trong cuộc hành trình ấy, Len được gặp một người bạn cũng có hoàn cảnh giống như chú có tên là Lin, cả hai nhanh chóng kết thân và san sẻ với nhau mọi điều. Nhờ có Lin, Len được khám phá bao điều mới lạ trên chính quê hương, nòi giống của mình và cả những điều tuyệt diệu của thế giới con người cũng như các loài sinh vật khác. Nhưng điều may mắn nhất là chú đã biết đến sự có mặt của người cha sinh ra mình trong cuộc đời. Tình phụ tử thiêng liêng chảy tràn trong huyết quản đã thôi thúc Len tìm kiếm cha mình bằng mọi giá. Thế rồi, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, chú gặp được cha là một bác hải âu luống tuổi có tên là Lát. Kể từ đó niềm đam mê khám phá của Len như được chắp thêm đôi cánh. Dưới sự hướng dẫn, tâm tình chở che của cha, Len và Lin đã bay khắp mọi nơi, tìm hiểu về quần đảo và hoạt động của con người cũng như rất nhiều điều lí thú về dòng dõi, gia tộc mình và cả những bạn bè sinh sống giữa biển khơi. Mỗi một nơi Len đến là một mảng ký ức không thể nào quên về tình yêu thương giữa con người với con người và giữa con người với hải âu cũng như tình cảm thân thiết giữa những người bạn gặp nhau trên biển lớn - nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết vốn dĩ rất mong manh vì phải đương đầu với những tai ương nơi đầu sóng ngọn gió. Cuộc hành trình khép lại, mang theo bao nỗi niềm bịn rịn của bố con Len, của những người lính đảo và để lại ấn tượng đậm sâu trong lòng người đọc.

Một câu chuyện nhân văn dành cho lứa tuổi thần tiên với đầy đủ sắc màu, âm thanh và cung bậc cảm xúc khiến người đọc rưng rưng xúc động, ở đó vẻ đẹp của tình yêu thương và khát vọng tự do được lấy làm trung tâm.

Viết về chim hải âu và biển cả là viết về biểu tượng của khát vọng và tự do. Tác giả mong muốn gửi đến các em đang trong độ tuổi thiếu nhi hãy không ngừng nuôi ước mơ, khát vọng, chinh phục đỉnh cao tri thức để làm chủ cuộc sống, làm chủ thiên nhiên như đàn hải âu kia sải cánh tung bay giữa bao la biển trời.

Đến hành trình trưởng thành của con người

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào câu chuyện là sự âu yếm của anh Minh dành cho Len:

- Len ở đâu về đấy? Anh sắp được lên tàu đi công tác rồi, Len có đi cùng anh không?

Len đập đập cánh bay lên tay anh, bám vào vai áo có đeo quân hàm mới tinh. Đôi chân chưa thật chắc khỏe, nhưng móng chân dài của Len bấm vào đủ làm anh Minh thấy nhột nhột. Len dụi mỏ vào cổ áo anh:

- Len chịu khó ăn nhiều cho khỏe để đi biển với anh. Anh đưa Len về nơi Len được sinh ra đấy nhé!

Một đoạn hội thoại ngắn của hai nhân vật đại diện cho hai thế giới khác nhau ngay lập tức chạm vào trái tim độc giả. Tình cảm ấy bắt nguồn từ trái tim lương thiện của người lính biển và bản chất hiền lành, đáng yêu của loài chim hải âu bé nhỏ. Điều ấy không riêng gì Trung úy Minh mà xuyên suốt câu chuyện ta bắt gặp rất nhiều lần với những nhân vật khác. Đó là những anh nuôi, là chiến sĩ Khôi, là chị Thúy, đại tá Nghiêm và rất nhiều nhiều nữa. Ánh mắt ai cũng ánh lên niềm vui khôn xiết khi bắt gặp Len và người bạn đồng hành. Còn hải âu lại như một đứa trẻ ngoan được sà vào lòng mẹ, cứ dụi dụi mỏ vào vai áo các anh chiến sĩ mà nũng nịu, thân tình. Thật đúng như câu nói thường nghe “Chim hải âu đậu trên vai người chiến sĩ”.

Người đọc như bị cuốn vào câu chữ một cách mê đắm bởi sự hấp dẫn của các tình tiết truyện, bởi những giá trị nhân văn và cả sự trong sáng, hồn nhiên của nhân vật.

Đây là một vỉa tầng của bài học nhân văn. Giáo dục các em về tình yêu thương con người dành cho loài vật, đặc biệt là khi chúng còn nhỏ bé, chưa đủ sức tự chăm lo cho bản thân. Hải âu là loài chim báo bão. Vì thế, yêu thương, chăm sóc, bảo vệ chúng là bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống chúng ta. Mặt khác, người viết cũng ngầm căn dặn các em, muốn nhận được tình yêu thương từ người khác, thì mình phải luôn là một đứa trẻ ngoan, ham học hỏi và biết vâng lời như chú hải âu kia.

Ấn tượng thứ hai là tình bạn vô tư, trong sáng nhưng vô cùng bền chặt giữa các nhân vật, sẵn sàng chia sẻ cho nhau về mọi thứ, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi khó khăn hoạn nạn. Lin và Len tuy mới quen nhau nhưng Lin đã tận tình chia sẻ cho Len những điều cậu biết, hoảng hốt cầu cứu và đưa Len thoát khỏi lưỡi hái tử thần trước sức mạnh khổng lồ của quạt gió. Còn Len thì dẫn Lin đi tìm thức ăn khi đói lả và khi được bác đại tá cho cháo thì Len không nỡ ăn mà vội lao ra cửa nơi Lin đứng khiến mọi người trầm trồ thốt lên: “Chúng thương nhau chưa kìa”. Mỗi chú hải âu, dù có khát khao, lý tưởng riêng nhưng biết tự sức mình không thể làm nên chuyện nên phải dựa vào nhau, dìu nhau đi từng bước nhỏ như câu nói truyền tai nhau của những người chiến sĩ “mọi thứ phải dựa vào đồng đội”.

Không gian tình bạn được nới rộng ra giữa các nhân vật khác loài trong thế giới tự nhiên. Đó là giữa chim bói cá với Lin, giữa cá heo với Len và rất nhiều, nhiều nữa. Nhờ sự hòa đồng, thân thiện và tình cảm mà Len khám phá được rất nhiều điều, được cứu sống và tìm thấy cha. Hóa ra, trên cuộc đời này ở bất cứ đâu, bất cứ ai cũng có thể trở thành bạn chỉ cần chúng ta biết mở cánh cửa tâm hồn, sống chân thành và tử tế. Ngòi bút nhà văn đã thiết kế nên các tình huống gặp gỡ hết sức thú vị cùng những lời thoại rất hài hước, dễ thương làm cho độc giả nhí bị cuốn vào câu chữ. Một bài học nhân văn về tình bạn được lồng ghép thật nhẹ nhàng, tinh tế để người đọc dễ dàng tiếp thu trong một trạng thái tinh thần thư giãn.

Trong tác phẩm Hải âu đi tìm cha còn có câu chuyện một nữ chiến sĩ hải quân tên là Thúy khao khát tìm về nơi bố hy sinh cảm động biết bao. Thúy đã cặm cụi, nắn nót gấp từng con hạc giấy, đeo kín khẩu trang để dấu đi dòng lệ nhạt nhòa khi nghĩ về bố rồi năn nỉ van xin chỉ huy được theo đoàn cứu trợ đi lên đảo bất chấp sóng to, gió lớn, bất chấp hiểm nguy chực chờ. Người viết đã lồng ghép hai nghịch cảnh vào trong một chủ đề. Một là đại diện cho con người, một là đại diện cho loài vật để truyền cho các em thông điệp về tình yêu bao la và thiêng liêng của tình phụ tử, về lòng biết ơn với đấng sinh thành và cả với những người chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, dân tộc. Các em ắt hẳn sẽ nhớ, sẽ ghi và sẽ thấm để mang theo trong suốt cuộc đời.

Hành trình tìm cha cũng là hành trình giúp hải âu khám phá ra bao điều thú vị về biển đảo, về nhà giàn, về phẩm chất anh dũng, kiên cường và tận trung tuyệt đối của những người chiến sĩ. Hành động bất chấp hiểm nguy, khẩn trương, tận tụy phục vụ nhân dân và ân cần chăm sóc họ của đại tá Nghiêm, xung phong lên đảo của trung úy Minh và rất nhiều chiến sĩ trong cặp mắt quan sát của chim hải âu trở thành biểu tượng hùng hồn và vĩnh cửu về vẻ đẹp của quân đội nhân dân Việt Nam, của những người chiến sĩ hải quân. Tác giả đã đứng ở góc nhìn của loài vật, của cặp mắt non tơ để mà quan sát và cảm nhận. Điều ấy vừa hồn nhiên, vừa chân thực, vừa gần gũi, dễ chạm đến thẳm sâu xúc cảm của con người.

Lê Thị Xuân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/hai-au-di-tim-cha-cuoc-hanh-trinh-day-cam-hung-tu-do-va-chan-chua-yeu-thuong-ed22ea1/