Hải Bắc tạo đột phá phát triển thương mại, dịch vụ
Đứng chân trên đất Phủ Đông Cường xưa kia, xã Hải Bắc (Hải Hậu) có điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại dịch vụ như có nhiều nghề truyền thống; tư duy phát triển kinh tế hàng hóa năng động… Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Đứng chân trên đất Phủ Đông Cường xưa kia, xã Hải Bắc (Hải Hậu) có điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại dịch vụ như có nhiều nghề truyền thống; tư duy phát triển kinh tế hàng hóa năng động… Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của xã Hải Bắc luôn duy trì ở mức cao. Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ. Doanh thu từ thương mại dịch vụ mỗi năm đạt trên 200 tỷ đồng, chiếm trên 36% tổng giá trị sản xuất của toàn xã. Thu nhập bình quân đầu người đạt 51,5 triệu đồng/năm.
Để phát huy lợi thế thương mại dịch vụ, Đảng ủy, UBND xã Hải Bắc đã tập trung lãnh đạo đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả, bền vững. Trong sản xuất nông nghiệp, xã đã lồng ghép thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020” góp phần nâng cao giá trị đất canh tác, với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả. Sau khi rà soát thực tế xã đã tiến hành quy hoạch được 2 vùng trồng lúa chất lượng cao, 1 vùng chăn nuôi, nuôi thủy sản tập trung diện tích 20ha. Vùng 1 gồm các khu vực cánh đồng My Điền, Kiều Lấp, Cổn Dâu với diện tích 51,2ha; vùng 2 gồm cánh đồng Khu Đình, Đồng Trên, An Lộc, Đông Biên, xóm 10 với diện tích 62,7ha để tập trung sản xuất lúa hàng hóa. Quy hoạch vùng sản xuất lớn gắn với việc tích cực tiếp thu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa xã Hải Bắc đạt bình quân 137 tạ/ha. Trong nhiều năm trở lại đây, Hải Bắc là một trong những đơn vị đứng đầu huyện về năng suất lúa. Vụ xuân năm 2020, xã khuyến khích nhân dân trồng thử nghiệm giống lúa chất lượng cao ST24, ST25. Song song với phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, Hải Bắc quy hoạch các khu phố thương mại nằm dọc trục đường liên xã, khu vực chợ Đông Biên và khu làng nghề phố Phủ Đông Cường; đồng thời phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hiện tại, ngoài hai nghề truyền thống là dệt chiếu và làm bánh nhãn, trên địa bàn xã có 10 công ty, 250 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ hàng hóa như trồng hoa cây cảnh, cơ khí, may công nghiệp, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, thêu ren xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.000 lao động. Giá trị kinh tế từ ngành nghề toàn xã đạt từ 20 đến 30 tỷ đồng/tháng. Xã Hải Bắc đã triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bánh nhãn tiến vua” cho sản phẩm bánh nhãn của địa phương. Hiện tại người dân xã Hải Bắc vẫn giữ cách chế biến bánh nhãn truyền thống như từ gần 200 năm trước đây. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp cái hoa vàng, đường kính trắng, trứng gà ta và sản xuất hoàn toàn thủ công từ khâu nhào bột, nặn bánh đến rán bằng chảo gang, trong mỡ lợn, trên bếp lửa củi gỗ nhãn chắc đượm… Sản phẩm “Bánh nhãn tiến vua” được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể và đã được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu độc quyền. Đây là bước phát triển đột phá nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm truyền thống của địa phương. Hiện tại, sản phẩm “Bánh nhãn tiến vua” của xã từ chỗ chỉ sản xuất vào thời điểm cuối năm tiêu thụ nội địa trong làng xã, làm quà biếu tặng người thân, đến nay, đã sản xuất quanh năm tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh, thành trên toàn quốc với sản lượng trung bình 4 tấn/tháng. Trong đó, nhiều hộ gia đình sản xuất giỏi, đã đầu tư đăng ký nhãn hiệu, bao bì sản phẩm xây dựng thương hiệu như bà Vũ Thị Yên, Nguyễn Thị Phương, Đoàn Thị Mỳ… Gia đình bà Lưu Thị Phượng, phố Phủ Đông Cường đã có trên 40 năm làm nghề bánh nhãn cho biết: Tuy nhiên 2 năm trở lại đây khi được chính quyền địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, cấp bằng chứng nhận và đăng ký mã QR, sản phẩm đã cạnh tranh tốt hơn, khách hàng tin tưởng lựa chọn mặc dù giá bán “Bánh nhãn tiến vua” của làng nghề cao hơn 30% so với bánh nhãn sản xuất ở nơi khác. Gia đình tôi mỗi tháng cung ứng ra thị trường khoảng 300kg bánh. Việc tăng sản lượng như hiện nay làng nghề khó thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ của các ngành, chính quyền địa phương. Hiện tại, các hộ dân trong làng nghề chúng tôi quyết tâm cùng nhau giữ gìn, tuân thủ cách làm truyền thống, cải tiến bao bì cho đẹp mắt, tiện dụng để sản phẩm ngày càng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Phát triển nghề truyền thống không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, thu nhập ổn định cho nhân dân mà còn góp phần giữ gìn văn hóa quê hương trong quá trình xây dựng phát triển quê hương Hải Bắc./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương