Hai bài hát hào hùng ra đời trong thời khắc lịch sử 30/4

Đại thắng mùa xuân 1975 cách đây 50 năm đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho các nhạc sĩ để họ sáng tác nên những bài ca đi cùng năm tháng, góp phần tôn vinh tầm vóc và ý nghĩa to lớn của một trong những sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc ta ở thế kỷ XX. Cùng ra đời trong thời điểm lịch sử của dân tộc, cho đến nay mỗi lần giai điệu của hai ca khúc 'Đất nước trọn niềm vui' của cố nhạc sĩ Hoàng Hà và 'Như có Bác trong ngày đại thắng' của nhạc sĩ Phạm Tuyên vang lên vẫn hào sảng, làm sống dậy niềm tự hào của hàng triệu trái tim Việt Nam...

Như có Bác trong ngày đại thắng

Cách đây 50 năm, đúng vào ngày 30/4/1975, sau bản tin chiến thắng, ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng đã vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Bài hát như tiếng reo vui của cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng và hạnh phúc giành được độc lập, tự do, Bắc - Nam sum họp. Ngay lập tức, bài hát đã đi vào lòng hàng triệu trái tim người con đất Việt, được hát vang trên khắp mọi miền Tổ quốc: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công...

Nói về sự ra đời của bài hát, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể, đầu tháng 4/1975, khi đang công tác ở Ban Văn nghệ, Đài TNVN, trước những trận thắng lớn, Tổng Giám đốc Đài TNVN Trần Lâm giao cho ông sáng tác ca khúc mừng ngày chiến thắng. Nhận nhiệm vụ, ông đã phác thảo một bản hợp xướng 4 chương, gồm: Miền Bắc lũy thép, miền Nam thành đồng, Tiến công và nổi dậy, Toàn thắng, nhưng ông vẫn thấy chưa ổn. Ngày 28/4/1975, khi nghe tin phi công ta đã ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, ông nghĩ chắc sắp đến ngày chiến thắng, phải viết ngay một bài hát reo vui để cùng mọi người đổ ra đường trong ngày vui toàn thắng. Thế là ông bắt tay vào viết. Nghĩ đến chiến thắng cận kề, trong lòng người nhạc sĩ trào dâng niềm vui hân hoan, ông nhớ đến hình ảnh Bác Hồ và lời trong bài thơ chúc Tết của Bác: "Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn. "Với những tình cảm dồn nén, từ 21 giờ 30 phút đến 23 giờ đêm 28/4/1975, tôi đã viết xong bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng", nhạc sĩ Phạm Tuyền chia sẻ.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên - tác giả ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" được phát sóng vào ngày 30/4/1975

Nhạc sĩ Phạm Tuyên - tác giả ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" được phát sóng vào ngày 30/4/1975

Sáng 30/4/1975, ca khúc được lãnh đạo Đài TNVH cho anh chị em dàn hợp xướng 40 người do nhạc sĩ Cao Việt Bách chỉ huy, nghệ sĩ Đặng Hùng và Tuyết Thanh lĩnh xướng, luyện tập. Cuối giờ chiều ngày 30/4/1975, bài hát được truyền đi trên hệ thống phát thanh Đài TNVH trong chương trình thời sự đặc biệt lúc 17 giờ chiều khi Việt Nam chính thức công bố tin giải phóng miền Nam trước toàn thế giới.

Cứ sau một bản tin thông báo thắng trận tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế là bài hát lại vang lên hào hùng. Khi Đài Phát thanh Giải phóng Sài Gòn phát ca khúc, chính nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng ngỡ ngàng, bởi ông và Đài TNVH vẫn chưa kịp gửi bài hát và băng thu thanh vào Sài Gòn. Và trong giờ phút trọng đại, người Sài Gòn đã ngân nga điệp khúc "Việt Nam - Hồ Chí Minh! Việt Nam - Hồ Chí Minh!" hòa chung vào niềm vui giải phóng.

Sáng tác ca khúc trong một khoảng thời gian ngắn, với giai điệu giản dị, gần gũi, lời ca ngắn gọn, súc tích, cả nhan đề và lời chưa đến 60 từ, nhưng ca khúc lại có tính khái quát cao. Một lần, người đồng nghiệp Nhật Bản hỏi nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ca khúc trong thời gian bao lâu, ông trả lời: "Chỉ có 2 giờ. Nói đúng hơn là chỉ có 2 giờ cho cả cuộc đời. Cuộc đời tôi gắn liền với ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng. Đó là máu thịt, là trăn trở, tâm huyết sau 30 năm dồn nén trong tôi. Đi gần hết cuộc đời, bây giờ tôi mới hiểu, những ca khúc viết về Bộ đội Cụ Hồ, về cách mạng, về trẻ thơ không bao giờ cũ”, ông tâm sự.

Tên gọi chính xác của bài hát được nhạc sĩ Phạm Tuyên đặt là Như có Bác trong ngày đại thắng. Tuy vậy tác phẩm vẫn thường được mọi người quen gọi là Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, mặc dù đây chỉ là câu hát mở đầu của bài.

Có thể nói đây là bài hát được đông đảo người dân biết đến trong số các bài hát về ngày toàn thắng của dân tộc ta. Cho đến nay, ca khúc vẫn được khán giả hát ở bất kỳ nơi đâu, ngày lễ, Tết, hội nghị, liên hoan; từ đất liền đến biên giới, hải đảo, miền núi đến miền xuôi, từ người già đến trẻ thơ, bộ đội hay nông dân, mọi lớp người đều yêu thích và thuộc lòng lời bài hát. Ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng không chỉ là một bài hát mừng chiến thắng mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về tinh thần dân tộc, lòng biết ơn và niềm tự hào của nhân dân Việt Nam.

Không chỉ phổ biến trong nước, ca khúc còn lan tỏa đến nhiều nước trên thế giới như: Nhật, Nga, Đức, Cuba, Trung Quốc... Và nhiều năm đã qua những điệp khúc: "Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Hồ Chí Minh" vẫn vang lên bừng bừng khí thế, rộn ràng niềm vui trong từng góc phố, khán đài, trong những cuộc giao lưu quốc tế.

Mới đây, trong buổi tổng duyệt cấp Nhà nước diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Khối quân đội Trung Quốc sau khi diễu binh qua lễ đài, ra đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa giao với Lê Lợi đã hát vang ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên, khiến người dân Việt Nam đứng xem hai bên đường phấn khích cổ vũ tinh thần và cùng hòa giọng với các chiến sĩ đoàn Trung Quốc...

Với việc sáng tác ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, để ghi nhận những công lao đóng góp của ông. Trong tấm bằng Huân chương do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký đã ghi: "Thưởng nhạc sĩ Phạm Tuyên - Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Ủy ban Phát thanh - truyền hình Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong việc sáng tác bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng - góp phần cổ vũ kip thời cho ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc".

Đất nước trọn niềm vui

Ra đời cùng thời điểm với Như có Bác trong ngày đại thắng là ca khúc Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà (1929 - 2013).

Sinh thời, nói về "lai lịch" của bài hát Đất nước trọn niềm vui, nhạc sĩ Hoàng Hà cho hay ca khúc được viết lời, phổ nhạc và thu âm chỉ trong vòng một ngày đêm (26/4/1975), bốn ngày trước khi thống nhất hoàn toàn đất nước. Nhạc sĩ Hoàng Hà từng chia sẻ: "Đến với thời điểm đó, tôi chưa một lần vào miền Nam, chưa biết Sài Gòn là thế nào. Từ giữa tháng Tư ấy, không khí Hà Nội quanh tôi rất sôi động... tin chiến thắng dồn dập hằng ngày. Trong cơ quan Đài TNVN, chúng tôi ai cũng náo nức, rạo rực. Không khí Hà Nội trong thời điểm lịch sử vào những ngày này hừng hực một quyết tâm, một niềm tin tất thắng. Chỉ đến ngày 26/4/1975, tôi mới biết chiến dịch đánh thẳng vào Sài Gòn được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tôi rất xúc động, nghĩ một khi chiến dịch đã được mang tên Bác thì không thể không chiến thắng và ngay trong đêm đó tôi viết Đất nước trọn niềm vui với những câu nghĩ về Bác: Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! (...) Ta nghe vang như tiếng Bác Hồ dậy từ non sông/ Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân/ Thành Đồng ơi! Sắt son đã vang khải hoàn/ Ôi, hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em, những lời yêu thương... Viết xong, tôi với con trai cứ nghêu ngao hát mãi. Lúc đầu, tôi tính đưa Đài Phát thanh Giải Phóng (mỗi khi sáng tác cho đài này tôi ký tên Cẩm La). Thế nhưng, khi đưa cho nhạc sĩ Triều Dâng đọc thì được bảo phải ký tên Hoàng Hà và quyết định hôm sau ghi âm ngay (Trung Kiên hát, Đỗ Dũng phối nhạc)". Đất nước trọn niềm vui được phát vào sáng 01/5/1975 trên sóng Đài TNVH cùng với tiếng hò reo và hát theo của quần chúng nhân dân trong niềm vui chiến thắng.

Cố nhạc sĩ Hoàng Hà và bản nhạc "Đất nước trọn niềm vui"

Theo nhạc sĩ Hoàng Hà, thời điểm sáng tác ca khúc ấy chỉ có một ngày nhưng là kết tinh của cả một quá trình, một đời người. Khi viết, ông đang ở Hà Nội, mãi đến năm 1977 mới lần đầu tiên nhìn thấy Sài Gòn! Đến hôm nay, đã tròn 50 năm ngày Đất nước trọn niềm vui được viết nên nhưng những lời ca, khúc nhạc rộn ràng này vẫn luôn làm những trái tim Việt Nam bồi hồi, cảm xúc, nhất là khi ca khúc khải hoàn này vang lên vào đúng những ngày tháng Tư lịch sử.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, song mỗi khi giai điệu của các ca khúc vang lên hào hùng, mãnh liệt vào mỗi dịp chào mừng ngày 30/4 lịch sử và các lễ kỷ niệm trọng đại, người dân Việt Nam lại trào dâng cảm xúc tự hào và xúc động, nhớ về những năm tháng chiến đấu gian khổ để giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Và vì thế các ca khúc này đã trở thành biểu tượng bất hủ, sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

XUÂN HƯƠNG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/hai-bai-hat-hao-hung-ra-doi-trong-thoi-khac-lich-su-304_177391.html