Hai bệnh viện 'báo động đỏ' cấp cứu trẻ bị tay thắng xe đâm vào hốc mắt
Ngày 6/3, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, mới đây Bệnh viện Mắt phối hợp cùng Bệnh viện Nhi đồng thành phố vừa thực hiện báo động đỏ liên viện, kịp thời phẫu thuật cứu bé gái L.T.V (9 tuổi, ngụ quận Bình Tân) bị tay thắng xe đạp đâm hốc mắt gây chấn thương nghiêm trọng.
Theo đó, trước khi nhập viện, bé V. chơi xe điện gần nhà và va chạm với 2 trẻ đi xe đạp khác. Cú va chạm mạnh đã khiến một mảnh tay thắng xe đạp bị vỡ đâm vào hốc mắt bé V.
Trước tình trạng nghiêm trọng của bệnh nhi, các bác sĩ đã cho bé thở oxy, truyền dịch, giảm đau, chăm sóc vết thương, tiêm ngừa uốn ván, đánh giá sàng lọc các chấn thương kèm theo…
Kết quả CT scan sọ não cho thấy, có xuất huyết cấp trong nhu mô não và xuất huyết ngoài và dưới màng cứng vùng trán đỉnh, vỡ phần mặt ổ mắt của xương trán, tụ máu trong xoang hàm; dị vật từ bên ngoài vào hốc mắt, xuyên hốc mắt, xuyên sàn sọ vào nhu mô não. Qua hội chẩn liên chuyên khoa chuẩn bị cho phẫu thuật cấp cứu, đánh giá đây là trường hợp chấn thương phức tạp sọ não, hốc mắt nguy cơ cao tổn thương não, nhãn cầu và chảy máu nên hội chẩn nhanh với Bệnh viện Mắt thành phố về tình trạng của bé, cùng thống nhất phương pháp can thiệp, một ê-kip bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Mắt được cử sang phối hợp và hỗ trợ.
Ngay sau hội chẩn, bé V. nhanh chóng được chuyển đến phòng mổ, các bác sĩ Ngoại thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng thành phố phẫu thuật mở sọ, lấy nhu mô não dập, máu tụ, mảnh xương vỡ, đồng thời phối hợp với các bác sĩ của Bệnh viện Mắt mở rộng trần hốc mắt lấy dị vật có chiều dài 25 cm ra khỏi hốc mắt; ngay sau đó các bác sĩ Mắt thực hiện thám sát, thấy nhãn cầu, thành củng mạc nguyên vẹn, khâu kết mạc và khâu tạo hình góc ngoài, bờ mi.
Hiện tình trạng sức khỏe của bé V. đã tạm ổn định, bé tiếp tục được săn sóc tích cực tại Khoa Hồi sức Ngoại với thở máy, truyền máu, kháng sinh, an thần, giảm đau, chống phù não tích cực.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đây là một trường hợp báo động đỏ liên viện hiệu quả, một minh chứng về sự phối hợp kịp thời liên chuyên khoa về chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu người bệnh nguy kịch, cụ thể là phối hợp các ê-kip y, bác sĩ chuyên khoa khác nhau cùng các trang thiết bị, dụng cụ chuyên dụng giúp nâng cao chất lượng can thiệp điều trị, cứu sống được nhiều trường hợp nguy kịch.