Hai bố con thau rửa bế nước sinh hoạt, con tử vong do ngạt khí
Trong khi thau bể, ông Lập thấy con lịm dần do ngạt khí nên gọi hỗ trợ. Tuy nhiên, nạn nhân đã tử vong sau đó.
Sáng ngày 23/10, Công an phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trên địa bàn phường vừa có một nạn nhân tử vong do ngạt khí khi thau rửa bể.
Theo đó, khoảng 21h ngày 22/10, ông Nguyễn Văn Lập cùng con trai Nguyễn Viết Anh (31 tuổi) ở ngõ 172 Đại Từ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tiến hành thau bể nước của gia đình.
Khi đang thau bể, ông Lập thấy con lịm dần nên hô hoán mọi người đến hỗ trợ, cấp cứu. Ngay sau đó, người dân gọi cho Cấp cứu 115 đến hỗ trợ. Tuy nhiên, nạn nhân được xác định đã tử vong do ngạt khí.
Được biết, nước sinh hoạt của gia đình nạn nhân được sử dụng từ nguồn của Nhà máy nước sạch Sông Đà. Gia đình thực hiện thau rửa bể theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ.
Theo các chuyên gia, bể nước, giếng hay hầm sâu lâu ngày không sử dụng thường tích tụ các loại khí độc và nồng độ oxy thấp. Người dân nếu xuống nhưng không có biện pháp bảo vệ có thể bị ngạt khí, thậm chí tử vong.
Do vậy, để tránh bị ngạt khí khi vào giếng sâu, hầm sâu, thùng sâu, hầm chứa, người dân phải mở toang nắp, đeo mặt nạ dưỡng khí. Nếu không có mặt nạ cũng phải mở rộng nắp cho thoáng, có máy thổi dưỡng khí để pha loãng khí độc và đẩy khí độc lên. Khi không khí trở lại bình thường mới được xuống làm việc.
Để nhận biết, dưới hầm, giếng có khí độc hay không trước khi xuống nên thả bó đuốc hoặc nến để kiểm tra. Nếu lửa tắt chứng tỏ ở đó thiếu oxy, rất nguy hiểm vì có nhiều khí độc, không nên xuống.
Người xuống phải đeo dây bảo hiểm ở lưng, kết nối với dây an toàn của người ở trên. Khi thấy không an toàn người xuống cần lên ngay hoặc có tín hiệu để người ở trên kéo lên.
Ngoài ra, khi xảy ra sự cố, người chui xuống cứu người bị ngạt mà không có phương tiện bảo hộ có thể cũng bị ngạt theo. Vì vậy, trước khi xuống, người ứng cứu cũng phải mang theo bảo hộ để đảm bảo an toàn.