Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Nữ sinh mang vinh danh về cho trường

Lần đầu tiên, Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) có học sinh (HS) đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi (HSG) cấp tỉnh môn Lịch sử, năm học 2023-2024. Mặc dù là giải Khuyến khích, nhưng đó cũng là động lực để thầy, trò nhà trường ở vùng cao, biên giới, đặc biệt khó khăn này tiếp tục phấn đấu hơn nữa.

Thầy Nguyễn Văn Giang – Hiệu trưởng Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát cho biết, em Phạm Thị Khánh Thương đoạt giải Khuyến khích môn Lịch sử; em Nguyễn Phương Thảo đoạt giải Khuyến khích môn Ngữ văn trong kỳ thi HSG cấp tỉnh vừa qua. Các em đã mang đến “luồng gió mới” cho ngôi trường ở huyện vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn này khi trở thành hai nữ sinh đoạt giải trong kỳ thi HSG cấp tỉnh vừa qua.

“Khánh Thương là học sinh chăm ngoan, vượt khó học giỏi nên được thầy, cô giáo và bạn bè rất quý mến. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên bố mẹ của Khánh Thương phải đi làm ăn xa. Do vậy, Khánh Thương phải ở với người bác ruột tại khu 4 thị trấn Mường Lát. Ngoài giờ lên lớp học tập, Khánh Thương còn phụ giúp bác bán rau, hoa quả để mưu sinh.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn như vậy, nhưng nữ sinh này đã nỗ lực vươn lên trong học tập và mang thành tích về cho bản thân, gia đình và nhà trường. Tuy giải chưa cao, nhưng đó sự nỗ lực, cố gắng của em ấy cũng như giáo viên đã dìu dắt học sinh”, thầy Giang tâm sự.

Trò chuyện với chúng tôi, nữ sinh Khánh Phương cho hay, bố mẹ em đều làm nông nghiệp, gia đình không có điều kiện như người khác. Vì vậy, bố mẹ phải đi làm ăn xa và gửi em ở nhà với bác gái ruột.

“Tuy điều kiện gia đình khó khăn, nhưng bố, mẹ và bác gái luôn tạo mọi điều kiện cho em ăn học. Vừa qua, em được nhà trường chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử, em rất vui vì có cơ hội giao lưu, học hỏi với các bạn ở nhiều huyện khác.

Khi nhận được thông tin mình đoạt giải, dù đó là giải khuyến khích, nhưng em vẫn cảm thấy thật hạnh phúc, khi thầy, cô giáo đặc biệt là thầy Hà Văn Dàn, đã trao truyền cho em những kiến thức trong môn học Lịch sử. Đó cũng là cơ sở, là điều kiện bước đầu để giúp em cố gắng nỗ lực hơn nữa cho chặng đường sắp tới”, Khánh Thương tâm sự.

Thầy giáo Hà Văn Dàn và học sinh Phạm Thị Khánh Thương. (Ảnh: NVCC)

Thầy giáo Hà Văn Dàn và học sinh Phạm Thị Khánh Thương. (Ảnh: NVCC)

Nữ sinh Nguyễn Phương Thảo (là bạn học cùng lớp với Khánh Thương), vừa qua cũng đoạt giải Khuyến khích môn Ngữ văn trong kỳ thi HSG cấp tỉnh. Phương Thảo, chia sẻ: “Em đạt được thành tích ấy, một phần là nhờ công của thầy, cô giáo và người thân. Mặc dù bố mẹ làm nghề kinh doanh, buôn bán, công việc vất vả nhưng luôn quan tâm đến chuyện học tập của em. Bố, mẹ luôn ủng hộ, đồng hành, đôn đốc em ôn luyện”.

Cũng theo Phương Thảo, sự tận tâm của thầy, cô giáo đã giúp em có sự tự tin để tham gia kỳ thi HSG cấp tỉnh. Giải thưởng tuy chưa cao, nhưng đó là động lực khuyến khích em hơn nữa để vượt qua những giới hạn của bản thân, xứng đáng với niềm tin yêu của thầy, cô và đền đáp công ơn bố mẹ, bạn bè.

“Em có được kết quả của ngày hôm nay, đó là nhờ công lao dìu dắt của các thầy, cô giáo. Nhờ sự tận tâm, tận tụy của cô giáo, đã khơi dậy tình yêu môn Văn học, để em có nghị lực phấn đấu học tốt môn học này. Em sẽ cố gắng thật nhiều hơn nữa, để không phụ công lao dạy dỗ của cô giáo”, Phương Thảo thổ lộ.

Động lực để thầy, trò phấn đấu

Thầy Hà Văn Dàn – giáo viên chủ nhiệm lớp 9, dạy môn Lịch sử là người dìu dắt nữ sinh Khánh Thương, cho biết: Thời gian qua, nhiều HS có xu hướng không muốn học môn Lịch sử, thậm chí phụ huynh của các em còn cho rằng, đó là môn học phụ, nên không động viên, khuyến khích con mình học tốt môn học này. Vì vậy, để khơi dậy tình yêu môn học Lịch sử đối với HS là điều khá khó khăn.

“Em Phạm Thị Khánh Thương là học sinh rất chăm ngoan, lễ phép, sống hòa đồng với bạn bè, được thầy, cô giáo và các bạn yêu mến. Trong học tập, Khánh Thương có khả năng tư duy về Lịch sử rất tốt.

Bạn ấy có lối sống nhẹ nhàng, tình cảm nên được bạn bè và thầy cô tin yêu. Bạn ấy cũng là người có trách nhiệm với việc học tập, xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt, rất yêu thích và có niềm đam mê với các môn khoa học xã hội. Đặc biệt, Khánh Thương có khả năng ghi nhớ rất nhanh và rất lâu”, thầy Dàn chia sẻ.

Cũng theo thầy Dàn, dù giải thưởng mà hai học sinh do mình chủ nhiệm giành được chưa phải là cao, song đó cũng là thành tích ghi dấu ấn cho nhà trường. Bởi, đối với môn Lịch sử, đây là lần đầu tiên nhà trường có HS đoạt giải cấp tỉnh. Còn đối với môn Ngữ văn, thì Nguyễn Phương Thảo là HS thứ 2 của nhà trường đem giải HSG môn Ngữ văn cấp tỉnh về cho ngôi trường này.

Trò chuyện với chúng tôi về phương pháp ôn luyện môn Lịch sử cho HS tham dự kỳ thi cấp tỉnh, thầy Dàn cho hay: Việc bồi dưỡng HSG đòi hỏi GV phải “tuyển chọn học sinh”, thông qua việc trao đổi với GV giảng dạy trước đó, để lựa chọn những em có khả năng, tư chất, trí tuệ, lòng đam mê, tính sáng tạo. Đồng thời, dạy theo chuyên đề, là biện pháp hữu hiệu nhất.

Nữ sinh Nguyễn Phương Thảo và cô giáo Nguyễn Thị Bình trong lớp học. (Ảnh: NVCC)

Nữ sinh Nguyễn Phương Thảo và cô giáo Nguyễn Thị Bình trong lớp học. (Ảnh: NVCC)

Thực hiện phương châm dạy chắc cơ bản rồi dạy nâng cao, thông qua những bài luyện cụ thể để dạy phương pháp tư duy, dạy kiểu dạng bài có quy luật, loại bài có tính đơn lẻ rồi luyện các dạng tổng quát.

Sau mỗi bài tập nâng cao, mỗi chuyên đề cần có bài kiểm tra đánh giá theo các mức độ để nắm bắt được tình hình HS bị hổng phần nào, bài nào chưa tốt thì GV sửa và khắc sâu ngay.

“Cách tốt nhất bồi dưỡng hứng thú cho HS là hướng dẫn dìu dắt các em đạt được những thành công từ thấp lên cao. Nhiều HS lúc đầu chưa bộc lộ rõ năng khiếu, nhưng sau quá trình được dìu dắt đã trưởng thành rất vững chắc và đạt kết quả tốt.

Cô Nguyễn Thị Bình, GV dạy môn Ngữ văn của nhà trường, cho rằng; trong việc bồi dưỡng HSG Văn cũng vậy, để đạt được kết quả tốt ở một trường thuộc huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất, hơn thế phần lớn là con em người dân tộc thiểu số lại là vấn đề không hề đơn giản.

“Mặc dù, thời gian công tác chưa được nhiều, nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của Ban lãnh đạo nhà trường TH&THCS thị trấn Mường Lát, đồng nghiệp, phụ huynh, trong kỳ thi HSG cấp tỉnh (năm học 2023-2024), tôi cũng có HS đoạt giải.

Tuy thành tích chưa cao so, nhưng đó là cả quá trình nỗ lực của thầy, trò. Chúng tôi cũng coi đó là động lực để thầy, cô và học trò nhà trường tiếp tục phấn đấu hơn nữa”, cô Bình chia sẻ.

Nhận xét về học trò của mình, cô Nguyễn Thị Bình cho hay: “Em Nguyễn Phương Thảo là người rất có trách nhiệm trong cuộc sống, một học sinh rất chăm ngoan, lễ phép, hòa đồng với bạn bè, được thầy, cô giáo, các bạn yêu mến. Trong học tập, Phương Thảo có khả năng tư duy về nghị luận xã hội rất tốt, thích đọc sách và có niềm đam mê với môn Ngữ văn”.

“Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thành tích của hai nữ sinh Nguyễn Phương Thảo và Phạm Thị Khánh Thương đang ở mức khiêm tốn, nhưng đó cũng là điều rất đáng ghi nhận, khích lệ đối với các em, vì đã đánh dấu sự nỗ lực của thầy, trò nhà trường. Đây cũng là “bước khởi đầu” về chất lượng giáo dục, là năm đầu tiên ngành GD Mường Lát có 2 học sinh đoạt giải HSG cấp tỉnh. Đó là những kỳ vọng mới của ngành Giáo dục vùng biên giới khó khăn này”, bà Nguyễn Thị Thúy – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát.

Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hai-bong-hoa-o-truong-vung-bien-xu-thanh-post681838.html