Hai bức tranh đối lập tại Mỹ giữa làn sóng Covid-19 thứ tư
Một số bang miền Nam nước Mỹ ghi nhận số ca tử vong gia tăng khi ca mắc mới Covid-19 tăng, nhưng nhiều khu vực khác ghi nhận tình trạng trái ngược.
Ông Brian Pierce, nhân viên pháp y tại hạt Baldwin, bang Alabama, Mỹ từng nghĩ bản thân sẽ không phải chứng kiến các trường hợp qua đời do Covid-19 nữa. Số ca tử vong trong hạt Baldwin không tăng trong suốt nhiều tháng mùa xuân và mùa hè năm nay.
Tuy vậy, kể từ đầu tháng 7, hạt Baldwin tiếp tục ghi nhận các trường hợp qua đời do dịch bệnh. Tình hình tồi tệ đến mức chính quyền bang Alabama phải đưa một toa xe moóc đến đây để làm nhà xác tạm thời.
“Mọi người đều nghĩ: Chúng ta ổn rồi”, ông Pierce nói. “Cuộc sống đã gần như trở lại bình thường. Giờ đây, tôi lại phải khuyên con cái ở yên trong nhà”.
Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày có 1.500 người Mỹ tử vong do dịch bệnh, tăng mạnh so với con số khoảng 200 ca tử vong đầu tháng 7. Làn sóng dịch này cũng phá vỡ mối tương quan giữa số ca mắc mới và số ca tử vong tại nhiều khu vực ở Mỹ. Nguyên nhân có thể đến từ tỷ lệ tiêm vaccine và miễn dịch cộng đồng.
Làn sóng dịch mới
Số ca mắc mới Covid-19 đang có chiều hướng gia tăng trên khắp nước Mỹ. Tuy vậy, chỉ có một số bang - chủ yếu nằm ở miền Nam nước Mỹ - ghi nhận số ca tử vong gia tăng. Trong đó, đa số có tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp. Tuy vậy, vẫn tồn tại những ngoại lệ.
Hơn 53% số người trưởng thành tại bang Florida đã được tiêm đủ hai mũi vaccine. Tuy nhiên, Florida đang là nơi có số ca tử vong cao hàng đầu tại Mỹ, với hơn 325 người chết mỗi ngày trong tuần qua.
Dù bị phản ứng dữ dội, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis thuộc đảng Cộng hòa vẫn quyết tâm áp đặt lệnh cấm các trường học buộc học sinh và giáo viên đeo khẩu trang, ngay cả khi tòa án bang kết luận ông không có quyền làm vậy.
Nhà dịch tễ học David Wesley Dowdy tại Trường Y tế công Johns Hopkins Bloomberg nhận định tình hình dịch bệnh tại Florida cho thấy đại dịch Covid-19 còn để lại nhiều câu hỏi chưa có lời giải.
“Nhân tố thúc đẩy làn sóng dịch hiện tại là hành vi của con người”, ông Dowdy nhận xét. “Đó là cách con người tương tác với nhau hay ứng phó với rủi ro. Điều này rất khó dự đoán”.
Giáo sư Lauren Ancel Meyers, lãnh đạo một nhóm nghiên cứu về Covid-19 tại Đại học Texas, có chung quan điểm. “Chúng ta đang ở giữa cơn bão mà virus và hành vi của con người đều thay đổi”, bà nói.
Mỗi khi con người đánh giá sai mức độ nguy hiểm của virus và lơ là cảnh giác, số ca tử vong sẽ gia tăng.
Tháng 3/2020, bà Deborah Birx, người điều phối đội phản ứng nhanh chống Covid-19 tại Nhà Trắng, dự báo các biện pháp chống dịch sẽ khiến số ca tử vong tại Mỹ dao động từ 100.000 đến 240.000. Giờ đây, con số này đã gần chạm mốc 650.000 người.
Hai xu hướng đối lập
Khi nhìn vào số ca tử vong do Covid-19, nước Mỹ dường như có sự chia cắt rõ rệt theo chiều Bắc - Nam.
Giới chức y tế bang Alabama, miền Nam nước Mỹ, cảnh báo “không còn chỗ để đặt thi thể”, trong khi một số cơ sở y tế tại bang Florida phải mua thêm nhà xác di động để đối phó với số ca tử vong gia tăng chưa từng có.
Các bang Florida và Louisiana đang chứng kiến tỷ lệ tử vong trong ngày ở mức kỷ lục, vượt qua đợt dịch đầu năm nay.
Trong khi đó, nhiều bang ở miền Bắc và Trung Tây nước Mỹ có số ca tử vong khá thấp, dù số ca mắc mới vẫn có chiều hướng gia tăng. Hầu hết bang có số người chết do Covid-19 trong ngày ở mức thấp đều có tỷ lệ tiêm vaccine hoặc miễn dịch tự nhiên cao.
Nhà nghiên cứu Ali Mokdad tại Đại học Washington nhận định một số bang như Louisiana, Texas, Alabama hay Florida đã chạm hoặc vượt qua đỉnh dịch. Tuy vậy, đây không phải là thành quả của các chính sách đến từ chính quyền bang.
“Vấn đề nằm ở nhận thức của từng cá nhân, cũng như thực tế là biến chủng Delta đã lây nhiễm hết cho những người dễ bị tổn thương”, nhóm nghiên cứu của ông kết luận.
Ông nhận định các bang phòng dịch tốt hơn sẽ phải đối mặt với làn sóng dịch dài hơn. Trong khi đó, các bang để virus lây lan rộng như Florida có thể chứng kiến tình hình dịch được cải thiện giảm nhờ vaccine và số người nhiễm bệnh đã ở mức cao.
Qua tổng hợp các mô hình đánh giá dịch bệnh tại Mỹ, nhóm nghiên cứu của giáo sư Nicholas G. Reich tại Đại học Massachusetts dự đoán số ca tử vong hàng tuần do Covid-19 trong 4 tuần sắp tới sẽ ở mức 9.900 đến 11.900 ca.
Tuy vậy, với trường học mở cửa trở lại, thay đổi trong quy định về khẩu trang hay chiến dịch tiêm vaccine tại Mỹ, khó có thể dự đoán chính xác điều gì sẽ xảy đến từ nay đến cuối năm. “Đây là vấn đề bất khả thi vào thời điểm này”, giáo sư Reich nhận định.
Các câu hỏi khó trả lời
Biến chủng Delta cũng đem lại nhiều câu hỏi chưa có lời giải toàn bộ, đặc biệt về mối liên hệ giữa số ca mắc bệnh và số ca tử vong.
Tại Anh, một trong những quốc gia đầu tiên phải đối mặt với đợt bùng phát dịch do biến chủng mới, số ca tử vong không tăng mạnh như dự đoán ban đầu của các nhà khoa học. Giới khoa học nhận định tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cao - đến từ vaccine và những người từng mắc bệnh trước đó - là nhân tố quan trọng.
Trong hai tuần qua, vùng Scotland ghi nhận số ca mắc mới gia tăng sau khi mở cửa lại trường học. Tuy vậy, số ca tử vong vẫn thấp hơn nhiều so với trước chiến dịch tiêm chủng.
Tương tự, dù đang chứng kiến đợt bùng phát Covid-19 lớn, Israel ghi nhận số ca tử vong chưa bằng một nửa so với đợt dịch hồi tháng 1. Đây là dấu hiệu chứng minh hiệu quả của vaccine.
Một bí ẩn khác đến từ Ấn Độ, nơi từng là tâm dịch hàng đầu thế giới. Dù tỷ lệ tiêm chủng vaccine chưa cao, số ca tử vong trong ngày đã giảm từ mức trên 4.000 ca hồi tháng 5 xuống gần 500 ca trong tuần cuối tháng 8.
Theo giáo sư Meyers tại Đại học Texas, kinh nghiệm cho thấy việc tiêm chủng vaccine và tuân thủ chiến lược phòng dịch, như giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang, là chìa khóa để vượt qua đại dịch.
“Chúng ta có khả năng kiểm soát diễn biến của đại dịch”, bà Meyers nhận định. “Nếu chúng ta thực hiện các biện pháp phòng ngừa, dịch bệnh có thể được kiềm chế, các ca tử vong có thể được ngăn chặn”.