Hai bức tranh trái ngược ở những nước đi đầu tiêm vaccine Covid-19
Cùng triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 nhưng diễn biến dịch bệnh tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới có sự tương phản rõ rệt.
Theo số liệu của New York Times, tính đến ngày 17/5, đã có 1,51 tỷ liều vaccine Covid-19 được triển khai trên tổng số 176 quốc gia. Điều này tương đương cứ 100 người thì đã có 19 liều được tiêm chủng.
Tuy nhiên, có khoảng cách rõ rệt trong tỷ lệ tiêm chủng giữa các quốc gia. Những nước và khu vực có thu nhập cao nhất đang được tiêm vaccine nhanh hơn khoảng 25 lần so với quốc gia có mức thấp nhất. Diễn biến sau khi triển khai tiêm chủng giữa các quốc gia cũng cho thấy những kịch bản trái ngược.
Bức tranh tươi sáng
Israel là nước đầu tiên trên thế giới cho thấy tác dụng của tiêm chủng. Số lượng ca nhiễm và tử vong do Covid-19 đã giảm đi nhanh chóng. Một nghiên cứu riêng biệt ở Anh cho thấy kết quả tương tự, theo Bloomberg.
Israel ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về tỷ lệ nhiễm bệnh, nhập viện và tử vong sau khi thực hiện chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới. Đến thời điểm hiện tại, quốc gia Trung Đông này có tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ trong toàn bộ dân số lên đến 56%. Phần lớn vaccine được sử dụng là Pfizer/BioNTech.
Trước khi triển khai chiến dịch tiêm chủng, Israel cũng đã phải phong tỏa từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021 vì sự gia tăng kỷ lục của số ca mắc Covid-19. Đến 3/4, 72% người lớn trên 16 tuổi và 90% người trên 65 tuổi tại Israel đã được tiêm hai liều vaccine.
Cuộc sống hàng ngày của người dân Israel đã trở lại gần như trước khi đại dịch xảy ra. Các giảng đường đại học, buổi hòa nhạc, rạp chiếu phim và những cuộc tụ họp đông người đều được mở cửa trở lại. Nhà hàng và quán bar cũng được phép hoạt động như bình thường. Tuy nhiên, các hạn chế như đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập vẫn được áp dụng.
Theo thống kê của đại học John Hopkin, số ca nhiễm hàng ngày ở Israel đã giảm từ 10.000 ca vào tháng một xuống mức vài chục ca vào tháng 5.
Albert Bourla, Giám đốc điều hành Pfizer, cho rằng thành công của Israel đến từ chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng và hiệu quả, hệ thống y tế số hóa và đặc biệt là "nỗi ám ảnh vaccine" của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Ngày 23/5, Israel sẽ mở cửa đón du khách nước ngoài. Để đảm bảo việc này không khiến Covid-19 bùng phát trở lại, chính phủ áp dụng hàng loạt quy định nghiêm ngặt.
Tiêm phòng chưa phải là miễn nhiễm
Ở phía ngược lại với câu chuyện tiêm chủng thành công của Israel là tình cảnh ở Seychelles và Chile.
Seychelles được xem là đất nước triển khai chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất cho đến nay. Thậm chí, quốc đảo này có thể tự hào vì tỷ lệ người được tiêm vaccine Covid-19 cao nhất thế giới, hơn cả Israel và Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, vào ngày 8/5, Bộ Y tế Seychelles cho biết hơn một phần ba số người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 đã được tiêm phòng đầy đủ.
Khoảng 60% lượng vaccine được dùng ở Seychelles được sản xuất bởi công ty Trung Quốc Sinopharm. Số còn lại là vaccine Covishield được phát triển bởi AstraZeneca và sản xuất bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ.
Tuy nhiên, không rõ loại vaccine nào đã được tiêm cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ nhưng sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Cả hai loại vaccine trên đều có hiệu quả thấp hơn đáng kể so với vaccine được phát triển bởi Pfizer và Moderna.
Seychelles gây lo ngại cho các chuyên gia y tế toàn cầu sau khi gia tăng ca nhiễm Covid-19 mới, đặc biệt là khi 63% tổng dân số của Seychelles đã được tiêm phòng đầy đủ, theo New York Times.
Chile cũng ở vị trí đáng ghen tị khi triển khai tiêm vaccine nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Mỹ. Hơn một phần ba trong số 18 triệu người của quốc gia này đã nhận được ít nhất một liều vaccine Pfizer/BioNTech hoặc CoronaVac của Trung Quốc.
Tuy nhiên, số trường hợp Covid-19 mới đã tăng vọt đến mức áp đảo hệ thống y tế. Chính quyền Chile đã phải áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã trở lại.
Việc triển khai tiêm chủng nhanh chóng nhưng lại gỡ bỏ các hạn chế quá sớm chính là sai lầm mà Chile phạm phải. Vào tháng 3, các trường học đã mở cửa trở lại. Các hoạt động có nguy cơ cao như phòng tập thể dục và sòng bạc được phép tiếp tục. Nước này đã mở lại biên giới và cho phép người Chile đi nghỉ hè.
Không có sự kiểm soát chặt chẽ đối với những người nhập cảnh và thiếu một hệ thống truy vết tiếp xúc hiệu quả, khách du lịch có thể đã mang virus trở lại Chile.
Hiệu quả của vaccine
Tình hình mà người dân Chile và Seychelles phải đối mặt là một lời nhắc nhở rằng hiện tại không có vaccine nào là có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa nhiễm Covid-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây đã ước tính tỷ lệ hiệu quả của vaccine Sinopharm chỉ đạt 78% đối với người lớn dưới 60 tuổi. Trong khi đó, các thử nghiệm của Mỹ đối với vaccine của AstraZeneca cho thấy hiệu quả tổng thể chỉ đạt 79%.
Một nghiên cứu tại Đại học Chile cho thấy vaccine CoronaVac có hiệu quả phòng virus 56,5% sau liều thứ hai. Tuy nhiên, sau mũi đầu tiên, mức hiệu quả chỉ đạt 3%.
Trường hợp của Israel khác biệt so với Chile và Seychelles ở việc họ đã sử dụng duy nhất vaccine Pfizer/BioNTech. Trong các thử nghiệm lâm sàng, vaccine Pfizer/BioNTech có tỷ lệ ngăn ngừa virus lên tới 95%.
Một phân tích của Eran Segal, một nhà sinh vật học tại Viện Khoa học Weizmann của Israel, báo cáo rằng kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc, nước này đã chứng kiến mức giảm hàng ngày lên đến 96% đối với số ca nhiễm mới, 90% đối với số bệnh nhân tiên lượng nặng và 85% số ca tử vong.
Tất cả loại vaccine hiện được WHO cho phép sử dụng đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca nhiễm nghiêm trọng. Điển hình là các trường hợp, nhập viện và tử vong giảm đáng kể ở các quốc gia có chương trình tiêm chủng phát triển.
Phân tích từ Public Health England (PHE) đã chỉ ra rằng cho đến cuối tháng 4, chương trình tiêm chủng Covid-19 tại Anh đã ngăn ngừa gần 12.000 ca tử vong và hơn 30.000 ca nhập viện.
Hơn một nửa dân số trưởng thành tại Anh hiện đã nhận được ít nhất một lần tiêm vaccine Pfizer/BioNTech hoặc Oxford/AstraZeneca. Hơn 90% người trên 70 tuổi dễ bị tổn thương đã được tiêm phòng đầy đủ.
Cụ thể, việc triển khai được cho là đã ngăn chặn 11.700 trường hợp tử vong ở những người từ 60 tuổi trở lên và ít nhất 33.000 ca nhập viện ở những người từ 65 tuổi trở lên, theo Independent.
Phân tích cũng đã tiết lộ thêm bằng chứng cho thấy vaccine có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa tình trạng diễn biến nặng, đặc biệt là đối với những người lớn tuổi. Một phân tích riêng biệt khác cũng chỉ ra rằng việc tỉ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19 giảm đi rất nhiều sau khi tiêm liều thứ hai.
Theo tạp chí y khoa Lancet, kinh nghiệm của Israel tạo động lực để các quốc gia chủ động triển khai tiêm vaccine để bảo vệ người dân. Tuy nhiên, việc triển khai sẽ cần phải tuân theo lộ trình của WHO để tối đa hóa tác động đến sức khỏe cộng đồng.