Hai cách tồn tại của thơ

Từ lâu tôi đã thích thơ của nữ thi sĩ Wislawa Szymborska. Trong một dịp khá lâu rồi, được cùng nhà thơ Bằng Việt sang dự những ngày Hội thơ mùa thu Warszawa, được sống mươi ngày ở Krakow, nơi sinh sống của Szymborska, lại được một người Ba Lan tặng một tập thơ song ngữ Ba Lan - Anh của bà, lúc về ngồi trên máy bay giở ra nghiền ngẫm càng thấy thú vị.

Thú vị nhất là có những ý tưởng mình cũng đã nghĩ tới nhưng chưa nói ra, hay chưa nói ra được, thì bà đã nói ra và nói rất hay. Chẳng hạn bài thơ sau đây:

Nhà thơ Wislawa Szymborska.

Nhà thơ Wislawa Szymborska.

BẢO TÀNG

Những chiếc đĩa, nhưng chẳng ai thèm khát
Những chiếc nhẫn, nhưng chẳng có tình yêu lứa đôi
Ít nhất cũng ba trăm năm rồi.
Một chiếc quạt - nhưng ở đâu nét mặt đỏ gay?
Những thanh kiếm - nhưng ở đâu cơn giận dữ?
Và chiếc đàn ngái ngủ
Không một lần rung lên.
Vì không có sự vĩnh hằng
Người ta đã sưu tập vào đây mười nghìn đồ cổ
Anh bồi giấy mốc meo nhắm mắt ngủ ngon lành
Râu vương trên tủ kính.
Kim loại, thạch cao, lông chim
Qua thời gian lặng yên ăn mừng chiến thắng
Chỉ có chiếc trâm của người đàn bà Ai Cập khúc khích cười
Chiếc vương miện đã phí công đợi một đầu người
Bàn tay đã thua chiếc găng tay
Chiếc giày chân phải đã thắng bàn chân phải.
Còn tôi
Xin hãy tin là tôi đang sống
Cuộc chạy đua của tôi với chiếc áo dài
Vẫn đang còn sôi động
Ôi, nó mới bướng bỉnh làm sao?
Tựa như muốn mình bách niên tồn tại!

(Bản dịch tiếng Việt của Tạ Minh Châu)

Bài thơ nói về hai cách tồn tại của sự vật: hoặc như những hiện vật bảo tàng, hoặc như những cơ thể sống. Dĩ nhiên bài thơ không chê bai gì công việc của ngành bảo tàng, một hoạt động bổ ích, lý thú và cần thiết. Và những hiện vật bảo tàng cũng có đời sống của chúng, nếu có thể gọi đấy là đời sống - một đời sống sau khi đã chết, một đời sống bất động, không sinh sôi và không tàn tạ, và vì thế có thể kéo dài gần như bất tận, sánh vai cùng vĩnh cửu. Nhưng dẫu linh thiêng cách mấy thì các hiện vật bảo tàng cũng là những đồ vật, và sự sống của chúng là sự sống của những đồ vật. Trước sự sống vô tri vô giác này, xem ra sự sống tươi xanh, sự sống đích thực của cỏ cây và muôn loài, trong đó có loài người, mới thảm hại làm sao:

Bàn tay đã thua chiếc găng tay
Chiếc giày chân phải đã thắng bàn chân phải

Và con người, bởi là loài có ý thức và cũng khá ngạo mạn, liền tiến hành một cuộc tranh đua quyết liệt mong vượt lên sự trường tồn của đồ vật, chẳng hạn với Szymborska thì đó là: cuộc chạy đua của tôi với chiếc áo dài... Không phải lo xa đâu, với giải Nobel văn học, việc sau khi qua đời nhà thơ sẽ có một nhà bảo tàng của mình là cái chắc, ít ra cũng là một nhà lưu niệm, và ở đây những chiếc áo dài của bà sẽ lên ngôi trong khi chính bà thì đang tan ra ở đâu đó dưới đất sâu.

Trong cuộc tranh đua đó, chắc chắn bà sẽ thua chiếc áo dài, nếu như bà không phải là một thi sĩ đích thực, người làm ra những câu thơ không phải tồn tại như những chiếc áo dài phủ đầy bụi bặm vẫn treo trong các nhà bảo tàng mà là những chiếc áo dài trên mình các thiếu nữ đang tung tăng trên phố kia. Đó là cách tồn tại của những bờ cây tươi xanh luôn đồng hành cùng cuộc sống, mùa xuân trổ lộc, đơm hoa, mùa hạ kết trái, mùa thu lá vàng, mùa đông chĩa lên trời những bộ xương gầy guộc quắt queo nhưng không chịu chết...

Tôi nghĩ, những câu thơ đích thực cũng tồn tại theo cách đó, chúng luôn có mặt bên những người đang sống như những người bạn tươi rói biết xẻ chia những buồn vui, yêu ghét của cuộc sống thường nhật, chúng không phải là thứ cờ quạt cất trong hậu cung đền thờ cứ tới ngày lễ lạt lại được mang ra lau chùi và treo lên phất phới vài hôm, tan lễ lại bị xếp vào chỗ cũ để chờ tới ... năm sau.

Bởi vì, tình yêu là linh hồn của chiếc nhẫn
Cơn đói tìm đến đĩa thức ăn
Và nỗi buồn sinh ra âm nhạc cùng những sợi dây đàn...
Chứ không phải ngược lại.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/hai-cach-ton-tai-cua-tho-i687084/