Hải cảnh Trung Quốc có động thái đầu tiên gần quần đảo Senkaku

Theo cảnh sát biển Nhật, hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Nhật gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, động thái đầu tiên sau khi luật hải cảnh có hiệu lực.

Tờ Nikkei Asia dẫn thông báo của cảnh sát biển Nhật cho biết hai tàu hải cảnh Trung Quốc ngày 6-2 đã đi vào lãnh hải của Nhật gần quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật)/ Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc).

Đáng chú ý, đây được xem là động thái đầu tiên từ phía Trung Quốc sau khi nước này ban hành luật hải cảnh đầy tranh cãi.

Tàu Hải cảnh của Trung Quốc và tàu đánh cá Nhật gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: REUTERS

Tàu Hải cảnh của Trung Quốc và tàu đánh cá Nhật gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: REUTERS

Theo lực lượng cảnh sát biển Nhật, hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển của Nhật gần các đảo hoang vào khoảng 4 giờ 45 sáng 6-2 (giờ địa phương).

Vào thời điểm tàu Trung Quốc xâm nhập, hai tàu đánh cá của Nhật đang ra khơi ở vùng biển gần quần đảo Senkaku, Bộ chỉ huy Cảnh sát biển Nhật khu vực 11 (có trụ sở tại thành phố Naha, tỉnh Okinawa) cho biết.

Theo Bộ chỉ huy, hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã “chĩa mũi tàu” về phía các tàu đánh cá của Nhật, một động thái dường như nhằm tiếp cận các tàu đánh cá này.

Luật hải cảnh của Trung Quốc, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-2, cho phép lực lượng hải cảnh nước này áp dụng "tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí" khi cái gọi là "chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc" bị xâm phạm; phá hủy công trình nước ngoài ở vùng biển, đảo mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Phát biểu trong cuộc hội đàm trực tuyến với các quan chức ngoại giao, quốc phòng Anh hôm 3-2, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về luật hải cảnh của Trung Quốc.

“Nhật đang cảnh giác và chú ý đến ảnh hưởng của luật đối với chúng tôi. Tôi tin rằng luật này không nên được sử dụng theo cách thức vi phạm luật pháp quốc tế” - ông Motegi cho biết.

Cùng ngày, Chánh văn phòng nội các Nhật Katsunobu Kato cũng lên tiếng “quan ngại sâu sắc” về luật mới gây tranh cãi của Trung Quốc. Theo đó, ông nhấn mạnh Trung Quốc không được sử dụng luật này chống lại luật pháp quốc tế.

Trước đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga ngày 27-1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tái khẳng định "cam kết kiên định" của Mỹ đối với Nhật, bao gồm trong tranh chấp tại quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư theo hiệp ước an ninh lâu nay giữa hai nước.

HÒA ĐẶNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/hai-canh-trung-quoc-co-dong-thai-dau-tien-gan-quan-dao-senkaku-966212.html