Hai cặp vợ chồng 'đại chiến' tại Nha Trang: Hồ sơ vụ án nhiều mâu thuẫn

Cho rằng Lê Nguyên Toàn (SN 1977), Nguyễn Minh Hiệp (SN 1989), Phạm Quang Hùng (SN 1987, con nuôi của Toàn, cùng ngụ TP Nha Trang, Khánh Hòa) dùng hung khí đánh hai người bị thương tích 13% và 16%, VKSND TP Nha Trang đã có cáo trạng truy tố 3 bị can về tội 'Cố ý gây thương tích'. Tuy nhiên, luật sư bào chữa thì cho rằng hồ sơ vụ án đang có nhiều mâu thuẫn và chưa thể khẳng định ai, dùng hung khí gì gây thương tích cho bị hại.

LS cho rằng với hung khí là cây móc lá chuối (hình móc câu) thì Toàn không thể gây ra vết thương dài 11cm tại đầu gối của chị Quyên.

LS cho rằng với hung khí là cây móc lá chuối (hình móc câu) thì Toàn không thể gây ra vết thương dài 11cm tại đầu gối của chị Quyên.

Cây móc câu bị nhầm thành “dao mác”?

Theo cáo trạng, khoảng 19h30 ngày 9/12/2019, chị Hoàng Khánh Quyên đang ngồi ăn uống cùng chồng là anh Nguyễn Viết Tân và một số người bạn tại quán vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng (TP Nha Trang) thì bị chị Lê Thị Diệu Hiền (vợ Toàn) đi tới chửi, đánh vào mặt.

Lúc này, Toàn đang ở gần nhà, được một người thông báo việc vợ mình đang đánh nhau với một số người nên cầm theo 1 dao “mác”, 1 mã tấu và bảo con trai chở đến hiện trường. Trên đường đi, Toàn gặp Hiệp và một người tên Tín (chưa rõ lai lịch), nói “bị người ta đánh dưới kia, xuống giúp anh”. Hiệp và Tín đồng ý đi cùng.

Đến ngã ba đường Hoa Lư - Huỳnh Thúc Kháng, Toàn nhìn thấy anh Tân, chị Quyên nên đuổi theo. Anh Tân bỏ chạy vào quán “Bò né Huyền” ở 17 Huỳnh Thúc Kháng. Cùng lúc này, con nuôi của Toàn là Hùng có người thông báo vụ việc liền nhờ một thanh niên (chưa rõ lai lịch) chở đến.

Tại quán “Bò né Huyền”, Toàn dùng cây mác chém Tân hai nhát. Tân giơ tay đỡ, bị thương tích ở đầu và tay phải. Chị Quyên lao vào đẩy ra thì bị Toàn tấn công ngã xuống đất, rồi chém trúng đầu gối chân trái.

Về phía Hiệp, dùng mã tấu vung vào cẳng chân chị Quyên nhưng không trúng. Hùng cầm hai chai nước ngọt đập liên tiếp vào anh Tân.

Theo kết luận giám định, anh Tân bị 1 vết thương vùng đầu kích thước nhỏ; 2 vết trầy xước da vùng gò má phải và vùng lưng phải; vết thương ngón III-IV. Tổng tỷ lệ tổn thương 13%. Chị Quyên bị 1 vết thương vùng đầu có kích thước nhỏ; đứt dây chằng cánh trong và dây chằng cánh ngoài gối trái. Tổng tỷ lệ thương tích 16%.

Với cáo buộc nêu trên, Toàn, Hùng, Hiệp bị VKS truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”.

Bào chữa cho bị cáo Toàn, LS Tạ Văn Phú (Cty Luật TNHH Ánh Sáng Việt) đã có văn bản gửi các cơ quan tố tụng Nha Trang cho rằng vụ án còn nhiều tình tiết mâu thuẫn chưa được làm rõ, chưa đủ chứng cứ để khẳng định ai, đã dùng hung khí gì để gây ra các thương tích của bị hại như mô tả trong kết luận giám định.

Theo LS, hung khí mà Toàn cầm khi xảy ra vụ việc thực chất là cây móc (dài khoảng 1,5m, thân bằng tre, lưỡi sắt hình móc câu, thường dùng để lấy lá chuối khô) chứ không phải “dao mác” như mô tả trong cáo trạng.

Hung khí này đã không được CQĐT thu giữ nên LS cho rằng CQĐT cần làm rõ hình dáng, kích thước cụ thể… chứ không thể mô tả là “dao mác” chung chung.

LS khẳng định: “Với cây móc lá chuối (hình móc câu) thì không thể gây ra vết thương vùng gối trái dài 11cm cho chị Quyên như mô tả trong bệnh án. Để làm rõ hung khí này có gây được vết thương cho chị Quyên hay không và đảm bảo xử lý đúng người, cá thể hóa trách nhiệm từng bị can… thì CQĐT cần phải trưng cầu giám định, xác định cơ chế hình thành thương tích, thu thập hung khí, thực nghiệm điều tra (dùng cây móc chém vào vật mô phỏng)”.

Cần điều tra bổ sung để đảm bảo xử lý khách quan

“Việc tiến hành các hoạt động điều tra trên là cần thiết bởi trong hồ sơ có nhiều lời khai cho thấy Toàn có thể không phải là người gây ra vết thương tại đầu gối chị Quyên. Đơn cử, tại CQĐT, bản thân chị Quyên cũng không xác định được ai là người đã chém mình. Chị Quyên khai: “Tôi bị ai đó đánh chai vào đầu làm tôi choáng. Sau đó, trong lúc nhìn mơ hồ, tôi thấy có một cây hung khí dài lưỡi sắc sáng giơ lên chém anh Tân. Tôi giơ chân qua che đỡ cho anh Tân thì bị thương chảy máu và ngất đi””.

Lời khai khác, chị Quyên cho biết: “Bị người đàn ông cầm cây mác dài chém một nhát từ trên xuống, trúng vùng đầu gối... Tôi la lên kêu cứu...”.

Tương tự, anh Tân (là người ở rất gần vị trí vợ) thì khai: “Toàn và Hiệp cầm hung khí giơ lên chém tôi. Quyên thấy vậy mới lấy chân đưa qua để che cho tôi thì bị chém trúng chân gây thương tích chảy máu. Do sự việc diễn ra nhanh nên tôi không nhìn thấy rõ được Toàn hay Hiệp chém trúng chân Quyên”.

Còn nhân chứng Lê Nam Hải (Công an phường Phước Tiến) thì khai: “…Tôi thấy Hiệp cầm cây mã tấu chém vào người Quyên (tôi thấy Quyên bị Hiệp chém trúng vào người và Quyên có la lên, còn cụ thể trúng vào đâu và gây ra thương tích ra sao thì tôi không rõ)…”.

Về phía bị cáo Toàn, từng có lời khai khẳng định mình không chém vào vùng đầu gối chị Quyên. Còn Hiệp thì khai: “Tôi cầm cây mã tấu lại chém một phát vào giữa cẳng chân trái Quyên, rồi tôi lùi ra…”.

Mâu thuẫn như trên, nhưng cả CQĐT lẫn VKS Nha Trang đều cáo buộc Toàn “chém vào đầu gối chị Quyên”.

Bản thân cáo trạng cũng mâu thuẫn ở chi tiết “Hiệp dùng mã tấu chém một cái vào cẳng chân của Quyên nhưng không trúng”. Vậy, nếu CQĐT kết luận vết chém của Hiệp không trúng vào cẳng chân chị Quyên thì cần làm rõ vết chém này trúng vào đâu, có trúng vào đầu gối chị Quyên hay không?

Qua nghiên cứu vụ việc, LS còn cho rằng CQĐT và VKS đã không làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ án bởi trước khi xảy ra vụ việc, anh Tân đã nhiều lần chửi bới bị cáo Toàn qua điện thoại nên Toàn rất ức chế. Khi nghe tin vợ mình bị anh Tân đánh nên Toàn càng bức xúc và bị kích động. Vì vậy, cần làm rõ việc có hay không Toàn bị “kích động mạnh” trong vụ án này?

Theo LS Phú, vụ án trên cần được điều tra bổ sung để đảm bảo xử lý khách quan, đúng người, đúng tội và không gây oan sai.

K.Lâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/phap-luat/hai-cap-vo-chong-dai-chien-tai-nha-trang-ho-so-vu-an-nhieu-mau-thuan-579371.html