Hai cha con cùng viết sách nghiên cứu văn hóa
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và con gái Huỳnh Thanh Bình vừa được NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM xuất bản 3 công trình nghiên cứu 'Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa', 'Gốm Sài Gòn' và 'Tranh trường Khmer Nam bộ'.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng với sự cộng tác của nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Phúc, hai cộng sự trẻ Lưu Kim Chung - Nguyễn Đức Huy, nhà sưu tập Nguyễn Anh Kiệt, nhà sưu tập Hồ Hoàng Tuấn là tác giả của công trình “Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa”, “Gốm Sài Gòn”.
Đây là hai công trình trong bộ công trình về gốm phương Nam mà Huỳnh Ngọc Trảng ấp ủ. Hiện ông đang thực hiện công trình “Gốm Lái Thiêu”.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết: Gốm Cây Mai xuất hiện tiên phong trong lịch sử gốm mỹ thuật Nam kỳ đã ảnh hưởng đến các dòng gốm hậu Cây Mai sau này. Khi tái hiện lại bộ sách về ba dòng gốm quen thuộc của Nam bộ, Huỳnh Ngọc Trảng và cộng sự gặp không ít khó khăn.
Về gốm Cây Mai, gốm Sài Gòn - là những dòng gốm đã thất truyền và ngưng hoạt động từ đầu thế kỷ 20. Cả 3 dòng gốm này đều bắt nguồn từ những di dân người Hoa đến Sài Gòn - Chợ Lớn, Biên Hòa và Bình Dương xưa nên những thư tịch cổ, tài liệu xưa của người Hoa đều bằng chữ Hán. Do đó, rất mất công để truy tìm hậu duệ của những chủ nhân của dòng gốm này.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình là con gái của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Nói về việc nghiên cứu “Tranh trường Khmer Nam bộ”, Huỳnh Thanh Bình chia sẻ: “Cha tôi đã dành nhiều năm tìm hiểu về văn học dân gian Khmer và thêm vào đó là các loại hình sân khấu. Nói chung, ông chuyên sâu về nghệ thuật biểu diễn của người Khmer. Chính vì vậy, ông khuyên tôi nên đi sâu vào lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, đó là cái ông thích nhưng chưa làm được. Ông là người cung cấp những hiểu biết cơ bản về lĩnh vực này cho tôi. Ông bảo ông là người “chỉ điểm”, song trong thực tế ông chỉ dạy tôi nhiều điều bổ ích để … khởi nghiệp”.
“Tranh trường Khmer Nam bộ” là sách ảnh, nên tranh nhiều hơn chữ. Tuy nhiên để chụp và viết được tập sách, Huỳnh Thanh Bình đã mất gần 10 năm. Chị cho biết: “Tôi đã đi đây đó khắp hàng trăm ngôi chùa Khmer Nam bộ để sưu tầm và chắt lọc tư liệu hoàn thành cuốn sách ảnh Tranh tường Khmer Nam bộ.
Cuốn sách đi sâu vào tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, nội dung, nghệ thuật và đặc điểm, tính chất của tranh tường Khmer. Tác phẩm còn đề cập đến nghề vẽ tranh tường và tập thành tranh tường do các thế hệ nghệ nhân Khmer tạo tác nội - ngoại thất ở một số chùa tháp Phật giáo Nam tông Khmer tại các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang...
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hai-cha-con-cung-viet-sach-nghien-cuu-van-hoa-522540.html