Hai chị em nữ nhà giáo cùng bước lên bục vinh quang

Đó là người chị - Nguyễn Thị Bảo Thúy và người em - Nguyễn Thị Bảo Trâm đều là giáo viên trung học phổ thông ở Bảo Lộc.

Hai Nhà giáo Ưu tú Bảo Thúy (đứng sau) và Bảo Trâm

Hai Nhà giáo Ưu tú Bảo Thúy (đứng sau) và Bảo Trâm

CÙNG HƯỚNG VỀ “ÁNH SÁNG MẶT TRỜI”

Phải đến sau Lễ Khai giảng năm học mới 2022-2023 chúng tôi mới có cuộc trò chuyện. Họ là hai chị em sinh ra trong một gia đình, quê ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Nguyễn Thị Bảo Thúy sinh năm1969, hiện là giáo viên Trường THPT Bảo Lộc và Nguyễn Thị Bảo Trâm sinh năm 1974, hiện là giáo viên Trường THPT Chuyên Bảo Lộc. Không chỉ cả hai hiện đang là Tổ trưởng chuyên môn mà trước đó, từ xuất phát điểm đến quá trình phấn đấu, hai cô giáo Bảo Thúy và Bảo Trâm còn nhiều điểm cùng nhau: học sinh (HS) Trường THPT Bảo Lộc, sinh viên Trường Đại học Đà Lạt, học cao học tại trường đại học này và được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2017 đối với Nguyễn Thị Bảo Thúy, năm 2021 đối với Nguyễn Thị Bảo Trâm.

Tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn, hai tân cử nhân đều trở về Bảo Lộc. Ban đầu Bảo Thúy là giáo viên các trường THCS còn Bảo Trâm là tổng phụ trách Đội, chủ tịch công đoàn... một trường THPT khác. “Quả ngọt” có được như hôm nay là xuyên suốt quá trình phấn đấu không ngừng bằng nội lực của hai nhà sư phạm. Nhìn bảng thành tích của họ thực đáng ngưỡng mộ. Nguyễn Thị Bảo Thúy 14 lần Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 4 lần Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 15 lần Giáo viên giỏi cấp cơ sở, 10 lần giải Nhất hội thi cấp cơ sở; 2 lần Giáo viên giỏi cấp tỉnh 1 giải Nhất hội thi cấp tỉnh; 6 bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh và giải Ba, giải Khuyến khích cấp Quốc gia Cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp... Còn Nguyễn Thị Bảo Trâm 12 lần Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 2 lần Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 10 lần Giáo viên giỏi cấp cơ sở, 2 lần Giáo viên giỏi cấp tỉnh; 6 Bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Liên đoàn Lao động tỉnh và giải Nhất, giải Ba cấp Quốc gia Cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp... Còn rất nhiều thành tích và các mức khen thưởng khác tôi không liệt kê thêm cũng đủ cảm nhận rõ sức phấn đấu, sự đam mê, lòng nhiệt huyết đối với sự nghiệp “trồng người” của hai cô giáo tài hoa.

Thành quả của cô giáo Nguyễn Thị Bảo Thúy và cô giáo Nguyễn Thị Bảo Trâm được thể hiện rất rõ bằng các thước đo ở nhiều lĩnh vực khác nhau: chất lượng việc truyền giảng của giáo viên bộ môn; sức đổi mới và sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu khoa học; thành công trong công tác bồi dưỡng HS giỏi; vai trò, hiệu quả công tác phụ trách, điều hành chuyên môn đối với tập thể...

VÀ SẺ CHIA NHỮNG KINH NGHIỆM QUÝ

Chúng tôi đặt vấn đề với hai cô giáo có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm cùng đồng nghiệp dạy môn Ngữ văn, nhất là ngành đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (gọi tắt Chương trình) năm 2018? Rất thú vị bởi không chỉ bề dày mà là mở lòng nhiệt tâm thể hiện từ hai “kỹ sư tâm hồn”! Có thể khái quát các giải pháp để dạy học hiệu quả và chất lượng thế này. Với Nguyễn Thị Bảo Thúy, mục tiêu chung trước hết là xác định luôn nỗ lực học tập và đổi mới trong từng tiết dạy; thi giáo viên giỏi để không ngừng học tập và sáng tạo; học từ đồng nghiệp, học từ chính HS và tự học để đổi mới. Các giải pháp cô Bảo Thúy đã thực hiện bao gồm: xây dựng thiết kế dạy học tích hợp trong tất cả các đơn vị bài học để rèn luyện kĩ năng làm văn nghị luận văn học, chú ý rèn luyện các kĩ năng đọc - viết - nói - nghe; xây dựng thiết kế dạy học tích hợp trong các chủ đề dạy học để rèn luyện kĩ năng làm văn nghị luận xã hội, chú ý rèn kĩ năng nói - viết; xây dựng chủ đề dạy học STEM và tổ chức cho HS thực hành báo cáo sản phẩm, chú ý rèn phẩm chất và năng lực cho HS thông qua hoạt động học tập; hướng dẫn HS học và thực hành học theo nhóm trên Padlet phần làm văn nghị luận; hướng dẫn HS học và thực hành tự học, tự kiểm tra trên Azota và Quizizz; kết nối nhà trường và xã hội bằng hoạt động thiện nguyện; đổi mới phương pháp ra đề và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực; đổi mới phương pháp môn Ngữ văn Chương trình 2006 theo định hướng phát triển năng lực và Chương trình 2018; thực hiện nghiên cứu bài học theo cụm trường để rút kinh nghiệm việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Cuối cùng là nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng để thực nghiệm khoa học về các giải pháp đổi mới.

Với Nguyễn Thị Bảo Trâm, cô nêu 8 giải pháp bằng những dẫn chứng cụ thể đã triển khai một cách hiệu quả. Đó là, tìm tòi nghiên cứu, tích cực bồi dưỡng Chương trình 2018 đạt kết quả cao; hỗ trợ giáo viên trong tỉnh học tập các Modul Chương trình 2018; chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục; từ nghiên cứu và thực tiễn giảng dạy của bản thân đóng góp thiết thực công tác thẩm định tài liệu Giáo dục địa phương và chọn sách giáo khoa. Đó còn là nghiên cứu các tài liệu về phương pháp giáo dục sư phạm, tìm hiểu môi trường giáo dục, tổ chức hoạt động ngoại khóa; sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS; tập trung nghiên cứu, chia sẻ với đồng nghiệp bằng tham luận khoa học...

Để khép lại bài viết này, cùng với sự chia vui những thành tựu đạt được của hai chị em nhà sư phạm Ngữ văn Nguyễn Thị Bảo Thúy và Nguyễn Thị Bảo Trâm là mong những hạt nhân điển hình này được nhân rộng trong ngành Giáo dục của tỉnh. “Vườn hoa” giáo dục Lâm Đồng tiếp tục có nhiều “bông hoa” rực rỡ như gợi ý của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp gửi gắm tại dịp Lễ tổng kết năm học và bàn thảo nhiệm vụ năm học mới diễn ra gần đây.

MINH ĐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202209/hai-chi-em-nu-nha-giao-cung-buoc-len-buc-vinh-quang-3133599/