Hai chiến sĩ đặc biệt - đôi bạn già tri kỷ
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu và Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu nay vượt qua tuổi 'xưa nay hiếm', song tình đồng chí và nhuệ khí, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong họ vẫn luôn tỏa sáng.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh và Anh hùng La Văn Cầu có tuổi thơ thật đặc biệt. Lúc lên ba tuổi, cả hai người cha đẻ của họ đều bị giặc Pháp giết chết. Căm thù giặc, đến 16 tuổi, cả ông Ninh và ông Cầu đều xung phong nhập quân ngũ. Tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950, La Văn Cầu bị trúng đạn giập nát một phần cánh tay phải nhưng vẫn nghiến răng chịu đựng, nhờ đồng đội dùng dao chặt đứt cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương chiến sĩ trẻ La Văn Cầu: “Là một trong những lá cờ đầu trong phong trào giết giặc lập công”. Sau đó, ông cùng một số chiến sĩ vinh dự được gặp Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc. Năm 1952, chiến sĩ La Văn Cầu là một trong 7 người đầu tiên của quân đội được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Cũng trong Chiến dịch Biên giới 1950, Nguyễn Văn Ninh làm nhiệm vụ cung cấp hậu cần cho bộ đội trực tiếp mở màn đánh trận Đông Khê. Không hẹn mà gặp, sau Chiến dịch Biên giới, Nguyễn Văn Ninh và La Văn Cầu được điều về công tác tại Phòng Chính trị, Cục Quân y (Tổng cục Cung cấp). Từ đây tình bạn, tình đồng chí giữa La Văn Cầu và Nguyễn Văn Ninh thắm mãi theo thời gian.
Anh hùng La Văn Cầu nói rằng: “Số tôi may mắn lắm mới duyên ngộ cùng anh Ninh. Mất đi cánh tay thuận vì đạn pháo của giặc Pháp, tôi phải bắt đầu tập viết, làm việc bằng tay trái. Không dễ để hòa nhập, nhưng anh Ninh đã trực tiếp giúp đỡ, động viên tôi trong quá trình sinh hoạt và học tập, kể cả sau này đi học văn hóa tại Trường Văn hóa Quân đội ở Lạng Sơn. Từng là một tú tài toán của xứ Nghệ, văn chương lại sắc sảo, trên cương vị lớp trưởng, anh Ninh như người anh cả, người đồng đội, đồng môn đáng kính. Tôi học được ở anh rất nhiều. Đặc biệt, hạnh phúc trăm năm của tôi cũng nhờ anh “xem xét” đấy”.
Ngồi bên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh mỉm cười, rồi rổn rảng: “Anh Cầu là một anh hùng quân đội, lúc đó chọn bạn đời không đơn giản. Trên cương vị bí thư chi bộ, tổ chức giao cho tôi, nếu đồng chí Cầu có nguyện vọng lập gia đình, phải xét duyệt kỹ càng lý lịch nhà vợ, không để ảnh hưởng chính trị. Thú thực tôi cũng lo. Thế rồi, người ta giới thiệu cho anh một người con gái đến từ quê hương Bác Hồ, lại là Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Xem lý lịch và báo cáo lên cấp trên được duyệt ngay. Mới đó mà đã hơn 60 năm rồi chị Thanh (vợ Anh hùng La Văn Cầu) nhỉ!”.
Noi gương người đồng đội La Văn Cầu, Nguyễn Văn Ninh không ngừng phấn đấu. Sau khi học ở Liên Xô về, đảm nhiệm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 64, Trung đoàn 236, đơn vị tên lửa đầu tiên của quân đội ta, ngày 19-5-1967, tại trận địa Yên Nghĩa (Hà Tây cũ), Nguyễn Văn Ninh chỉ huy đơn vị bắn rơi chiếc A4 của Mỹ, lập công xuất sắc làm món quà mừng sinh nhật Bác. Đang trong giờ giải lao, một cán bộ Quân chủng Phòng không-Không quân xuống trận địa trao Huy hiệu Bác Hồ tặng Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Ninh. Ông cùng với đồng chí Lã Đình Chi là hai người đầu tiên của bộ đội tên lửa vinh dự được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Chiếc Huy hiệu Bác Hồ đối với ông như báu vật, là động lực lớn để ông chiến đấu lập nhiều chiến công vang dội.
Đi qua thời binh lửa ác liệt, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu đã trở thành một huyền thoại của quân đội. Các thế hệ người Việt Nam gần như đều biết đến tên tuổi của ông. Trên trang sách, nhiều con đường, trường học gắn tên La Văn Cầu. Với Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, kinh qua nhiều cương vị từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi có nhiều năm công tác, bám trụ và chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ông như cuốn từ điển sống về Binh chủng Tên lửa và Bộ đội Trường Sa. Trở về với đời thường, hai ông vẫn luôn tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. “Cựu nhưng không cũ”, lời dặn của anh Văn-Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã in sâu trong hai người lính già.
Lần lượt tham gia công tác đoàn thể ở địa phương, mấy chục năm qua, Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu và Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh luôn cháy hết mình vì lợi ích chung của cộng đồng. “Tuổi cao chí càng cao”, hai ông vẫn làm nhiều việc nghĩa, viết sách, viết báo, nói chuyện truyền thống giáo dục thế hệ trẻ, gương mẫu đi đầu trong tham gia các hoạt động xã hội, phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”. Người dân thân mật gọi các ông là “chiến sĩ môi trường”, “chiến sĩ tuyên truyền”…
Năm 2019, Anh hùng La Văn Cầu được vinh danh là một trong 10 “Công dân ưu tú Thủ đô”. Còn Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh được tôn vinh gương “Người tốt, việc tốt Thủ đô". Hình ảnh, việc làm của hai chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành tấm gương sáng cho bà con trong khu phố noi theo.