Hải chiến Trường Sa 1988: Pháo đài thép trấn giữ Cô Lin

Quyết định dùng chính con tàu dài gần 100m làm pháo đài thép trấn giữ đảo Cô Lin là một quyết định táo bạo và chính xác, trọng đại nhất trong đời binh nghiệp

(VTC News) - Quyết định dùng con tàu dài gần 100m làm pháo đài thép trấn giữ đảo Cô Lin là một quyết định táo bạo và chính xác, trọng đại nhất trong đời binh nghiệp của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ.

Kỳ 2 : Quyết định lịch sử trong Hải chiến Gạc Ma 1988

Sáng 14/3/1988, thời điểm bị 2 tàu pháo Trung Quốc bên phía Gạc Ma bắn sang dữ dội, tàu vận tải HQ 505 bốc cháy ngùn ngụt, điện tắt tối om, nước tràn vào khoang, dầu trôi lênh láng, thoáng chốc, tàu đã trôi xa Cô Lin gần 1 hải lý. Toàn bộ chỉ huy của tàu gồm ông Lễ, thuyền phó, chính trị viên và phó máy trưởng Nguyễn Văn Thắng đều bị thương.

Trong giây phút sinh tử ấy, một quyết định lịch sử nhanh chóng được đưa ra: Bằng mọi giá phải đưa được tàu HQ 505 vào bãi cạn Cô Lin để bảo vệ đảo.

“Lúc này, HQ-505 đã nghiêng hẳn và có nguy cơ chìm như HQ 604. Để tàu chìm thì chẳng những mất đảo mà toàn bộ các chiến sĩ cũng hy sinh, do đó chỉ còn cách đưa tàu lên bãi cạn”, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho biết.

Quên cả đau đớn, ông cùng anh em kỹ thuật tập trung sửa máy tàu, mặc cho bên ngoài pháo bắn cấp tập. Mất 15 phút, máy khởi động được, ông Lễ ra lệnh chuyển sang chế độ lái cơ, dùng một máy tiến, một máy lùi để tàu quay mũi hướng về phía đảo Cô Lin.

Sau khi mũi tàu được hướng về bãi cạn thì ngay tức khắc, HQ 505 gồng mình, dồn hết sức lực còn lại lao vào giữa 2 tàu chiến của địch, lên thẳng bãi cạn. San hô bị gãy, cọ vào thân tàu kêu rào rào, 2/3 thân tàu đã nằm trên Cô Lin....

Pháo đài thép trấn giữ Cô Lin năm 1988. Ảnh tư liệu

Con tàu dài gần 100 mét, rộng 28 mét vừa yên vị trên bãi thì cũng là lúc tàu chiến Trung Quốc tiếp tục nã đạn. Thuyền trưởng Lễ yêu cầu anh em hủy tài liệu mật, sơ tán khỏi tàu nhằm hạn chế thương vong, đồng thời chuyển vũ khí lên đảo để chuẩn bị chiến đấu.

“Lúc đó, dù lực lượng mỏng nhưng do đã án ngữ lối lên nên tôi tin là dù địch có đổ bộ chúng tôi vẫn đánh được và hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đảo”.

Ông Lễ khẳng định rằng, đời binh nghiệp có nhiều giây phút phải lựa chọn, song hành động lao tàu lên đảo là quyết định trọng đại nhất của ông.

Anh hùng Vũ Huy Lễ: "Cho tàu lên đảo là quyết định quan trọng nhất trong đời binh nghiệp của tôi"

Anh hùng Vũ Huy Lễ: "Cho tàu lên đảo là quyết định quan trọng nhất trong đời binh nghiệp của tôi"

Bất chợt, giọng nói của ông trầm lại, đôi mắt của vị thuyền trưởng quyết đoán năm xưa ngấn lệ: "Khi tàu HQ-505 đã sừng sững như cột mốc khẳng định chủ quyền Việt Nam trên đảo Cô Lin, tôi nhìn sang đảo Gạc Ma, thấy anh em thương vong trôi nổi trên biển, chúng tôi liều mạng hạ xuồng cứu sinh sang vớt”.

Mặc cho tàu chiến Trung Quốc tiếp tục đe dọa nổ súng, anh em chiến sĩ trên HQ 505 vẫn quyết tâm bơi thuyền sang. Nhờ đó, họ đã vớt được 45 người cả thương binh, tử sĩ, đưa về tàu. Trong số đó, có cả anh Trần Văn Phương, người giữ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma nổi tiếng với câu nói: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo”; rồi anh Nguyễn Văn Lanh, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang bị địch đâm xả vai…

Đến 14h ngày 14/3/1988, tàu HQ 671 của Hải quân Việt Nam kịp thời đến đảo Cô Lin ứng cứu. Ông Lễ lập tức báo cáo về Sở Chỉ huy, đề xuất đưa những anh em đã hy sinh về chôn cất tại đảo Sinh Tồn, đồng thời xin phép chọn thêm 9 đồng chí nữa tiếp tục được ở lại giữ tàu và giữ Cô Lin. Những chiến sĩ khác trở về Sinh Tồn để cấp cứu thương binh và chôn cất tử sĩ.

Đêm 14/3, rồi những ngày tiếp theo, chỉ có vỏn vẹn 10 người nắm chặt tay nhau giữa trời biển mênh mông với nhiệm vụ quyết tử. Ngoài biển, tàu chiến Trung Quốc ngày đêm đe dọa, bắn súng thị uy, cũng như kêu gọi đầu hàng. 10 chiến sĩ đều rất vững vàng về tâm lý, chung lòng thề hy sinh đến giọt máu cuối cùng giữ vững Cô Lin.

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (đeo quân hàm) cũng các chiến sĩ trên tàu HQ 505 ngày ấy. Ảnh do nhân vật cung cấp

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (đeo quân hàm) cũng các chiến sĩ trên tàu HQ 505 ngày ấy. Ảnh do nhân vật cung cấp

Có lần, chúng áp sát HQ 505, bắc loa kêu gọi bằng tiếng Việt nghe rõ mồn một: “Vũ Huy Lễ, hãy đầu hàng đi, nếu không sẽ phải làm mồi cho cá…”, bực mình, một chiến sĩ hải quân vác B40 lên vai định bắn, nhưng ông Lễ đã kịp thời ngăn chặn lại, bảo phải luôn bình tĩnh trước những hành động khiêu khích trắng trợn của quân Trung Quốc.

Bị bao vây nên lương thực, thực phẩm cũng như nước ngọt đều rất thiếu thốn, các chiến sĩ phải nhịn đói nhịn khát. Những tàu tiếp tế của ta cũng rất khó tiến vào Cô Lin trước sự bao vây của mấy lớp tàu chiến địch. Nước ngọt cũng chỉ còn một ít trên tàu, pha lẫn muối mặn.

Có đêm, anh em đói quá, phải đốt đuốc đi đâm cá. Có lần đâm được con cá chừng 4kg, nướng lên, mới ăn được một ít thì cả đội bị ngộ độc, bụng đau, mờ cả mắt. Tuy nhiên, khi nghe thấy tiếng máy tàu của địch vè vè tiến đến, anh em lại vùng dậy cầm súng tiến vào vị trí chiến đấu, quyết giữ đảo bằng được. Vụ ngộ độc ấy, phải mấy ngày sau mọi người mới trở lại bình thường.

Dù có thể rút về đảo Sinh Tồn nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe, nhưng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cùng 9 chiến sĩ đã bám trụ tại Cô Lin đến tận cuối tháng 6/1988, khi các hành động khiêu khích của hải quân Trung Quốc đã giảm và chủ quyền trên đảo Cô Lin được giữ vững.

Sau này, khi đã rời tàu, rời đảo về đất liền, ông Lễ cùng đồng đội vẫn không khỏi bịn rịn, lưu luyến khi nhìn con tàu HQ 505 bị thương vì đạn pháo của đối phương. Con tàu đã đổi màu vì sóng gió nhưng vẫn hiên ngang đứng vững trên đảo Cô Lin - nơi ông và đồng đội đã hy sinh xương máu để giữ bằng mọi giá.

Ông nhớ mùa gió chướng, nhớ mùa biển lặng mặt nước trong xanh, hay những khi cồn lên những đợt sóng lừng bão tố.

Bây giờ, ông Lễ vẫn luôn dõi theo từng bước lớn mạnh của Quân chủng Hải quân Việt Nam và việc bảo vệ toàn vẹn biển đảo. Ông bảo rằng: "Chúng ta phải quyết tâm giữ lấy đảo, bởi có bao con người đã ngã xuống như những đồng đội của tôi trong sự kiện 14/3/1988".

Ông Lễ luôn quan tâm, lưu giữ những tài liệu, sách báo viết về Trường Sa

Ông Lễ luôn quan tâm, lưu giữ những tài liệu, sách báo viết về Trường Sa

Anh hùng Vũ Huy Lễ giữa đời thường

Anh hùng Vũ Huy Lễ giữa đời thường

Kể lại với chúng tôi về kỷ niệm Trường Sa, anh hùng Vũ Huy Lễ không thôi buồn thương xúc động. Lúc nào, gương mặt của ông cũng chìm trong suy tư, trầm mặc. Ông luôn nhớ những đồng đội đã hy sinh, những thời khắc sinh tử của đời binh nghiệp giữa biển đảo Tổ quốc mà mình đã trải qua, được chứng kiến sự toàn vẹn lãnh thổ qua những thời khắc ấy.

Cũng nhờ những giây phút bất khuất đó, trong lần được thăm lại Cô Lin năm trước, ông lại cảm thấy hào khí ngút trời, được trải lòng mình với biển khơi, được thênh thang đi giữa ngút ngàn gió lộng, ngắm cờ Tổ quốc tung bay trên Trường Sa sừng sững kiên trung.

Hải Minh – Minh Khang

Nguồn VTC: http://vtc.vn/hai-chien-truong-sa-1988-phao-dai-thep-tran-giu-co-lin.394.544282.htm