Hai cô gái kéo cờ tại Ba Đình ngày 2/9/1945
Giáo sư Lê Thi, người kéo cờ trong ngày Độc lập cách đây 75 năm, qua đời ở tuổi 95 vào sáng 28/8 vì tuổi cao sức yếu. Còn nhớ, vài năm trước, bà vẫn còn nhanh nhẹn và đi dự ngày gặp mặt trong những dịp 19/8, mùng 2/9 với những ký ức dường như chưa bao giờ phai về giây phút bà được kéo lên lá Quốc kỳ trong ngày trọng đại của đất nước: Ngày Quốc khánh 2/9/1945.
Thời thanh niên sôi nổi
Giáo sư Lê Thi sinh năm 1926 trong gia đình Nho học và là thứ nữ của cố giáo sư Dương Quảng Hàm, nguyên Hiệu trưởng trường Bưởi (Chu Văn An ngày nay). Bà sinh ra và lớn lên tại 98 Hàng Bông (Hà Nội). Năm 1943 bà kết thúc khóa học ở trường Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương), sau đó tham gia cách mạng và làm công tác hội phụ nữ tại phố Hàng Bông với bí danh Lê Thi. Bà cho hay thích chữ Lê vì yêu quý vua Lê Lợi, còn Thi là tên người bạn tri kỷ.
Khi đang học ở trường Đồng Khánh, bà cùng một số chị em bí mật truyền tay nhau tờ báo Cứu quốc và nhanh chóng giác ngộ cách mạng. Sau khi tốt nghiệp trường Trưng Vương, bà không theo con đường sư phạm (do bố mẹ định hướng từ trước) mà bí mật tham gia hoạt động cách mạng.
Đến năm 1945, bà trở thành chiến sĩ Việt Minh, đồng thời hoạt động bí mật trong Hội Phụ nữ Cứu quốc. Do có khả năng giao tiếp, ngoại hình dễ nhìn, cô gái trẻ nhanh chóng vận động được bạn bè, quần chúng tham gia cách mạng, vận động mọi người quyên góp được nhiều lương thực gửi ra tiền tuyến.
Khi hoạt động cách mạng, bà được điều động lên Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ, sau đó tiếp tục làm Chủ tịch Hội Phụ nữ Tuyên Quang. Đang là nữ sinh Hà Nội, gia đình thuộc tầng lớp trí thức, quen mặc áo dài trắng, đi dép, bà phải thay đổi hoàn toàn. Cô gái học quấn khăn mỏ quạ, đi chân trần, mặc quần nâu áo vải, lội ruộng, cấy lúa, cuốc đất cùng dân. Gian khổ nhưng “tiểu thư Hà Nội” vẫn vượt qua tất cả…
Quốc khánh năm 1945, bà mới 19 tuổi. Trước đó khoảng một tuần, bà nhận được lệnh của cấp trên đi vận động tất cả phụ nữ tại phố Hàng Bông tập hát Quốc ca, đi đều bước, chọn quần áo, trang phục mặc chỉnh tề, nghiêm trang chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại sắp diễn ra.
Sáng 2/9 bà dậy từ sớm cùng chị em phụ nữ trên phố Hàng Bông tới quảng trường Ba Đình, đi trong Đoàn Phụ nữ cứu quốc Hà Nội, vừa đi vừa hô khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Chị em hô theo: “Muôn năm! Muôn năm!”. Mọi người đều mặc áo dài, quần trắng. Bà Thi dẫn đầu, trên tay cây gậy gỗ, vừa đi vừa hô đi đều bước... một, hai... một, hai...
Đoàn phụ nữ Hàng Bông dẫn đầu đoàn phụ nữ của Thủ đô đầy khí thế và sức trẻ tiến vào quảng trường Ba Đình. Khoảng 13h30 ngày 2/9/1945, hàng vạn đồng bào đã sẵn sàng chờ đến giờ phút Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập.
“Chúng tôi đang đứng hồi hộp chờ đợi cuộc mít tinh sắp bắt đầu, bỗng nhiên một đại diện Ban tổ chức đến chỗ đoàn phụ nữ chúng tôi yêu cầu cử một đại diện lên kéo cờ”. Lúc này, chị em nhao nhao “Thi lên đi”, khi đó bà ngập ngừng, e ngại vì sự việc xảy ra quá bất ngờ. Khi nghe tất cả mọi người đồng thanh nhất trí, bà mới đi lên trong cảm giác lo âu tột cùng.
Lên tới lễ đài, bà gặp cô gái dân tộc Tày mà sau này bà mới biết rằng đó là Đàm Thị Loan. Hai cô gái trẻ vừa run, vừa sợ lỡ để xảy ra sai sót thì có lỗi với cả đất nước. Bởi đây là sự kiện trọng đại của đất nước mà bà Thi lại không được báo trước. Vì bà Thi cao hơn nên nhận nhiệm vụ kéo cờ, bà Loan đỡ cờ.
Quốc ca vang lên, cả hai từ từ kéo lá cờ Tổ quốc lên cao. Cờ vừa lên đến đỉnh tung bay trước gió cũng là lúc Quốc ca kết thúc. Hai người thở phào nhẹ nhõm. Bà Thi kể, giờ phút thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh cột cờ, phấp phới trong gió mùa thu, bà ứa nước mắt xúc động xen lẫn tự hào.
Và thật hạnh phúc bởi khi ấy bà được nhìn thấy Bác Hồ rất gần. Mọi hình dung về Bác, người lãnh tụ vĩ đại trong bộ kaki trắng giản dị. Bà vẫn nhớ như in câu nói của Bác trong ngày 2/9/1945 khi đọc Tuyên ngôn độc lập: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Bà và tất cả mọi người đứng dưới đều hô to “Có” và dâng trào nỗi xúc động, hạnh phúc khôn nguôi.
Hạnh phúc ngày gặp lại
Sau khi kéo cờ, bà và người con gái áo chàm hôm ấy còn không biết cả tên nhau, không biết người ấy ở đâu, địa chỉ thế nào, mỗi người đi về đơn vị mình. Cho đến 44 năm sau, trong cuộc họp mặt truyền thống tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam 22/12/1989, họ mới được giới thiệu. Hai người con gái năm ấy nhận ra nhau, ôm chầm lấy nhau... Đó là bà Đàm Thị Loan, vợ cố Đại tướng Hoàng Văn Thái.
Được biết bà Loan sinh năm 1926 tại Cao Bằng. Người thiếu nữ dân tộc Tày đã sớm đến với cách mạng từ những ngày còn gian khó. Tròn 14 tuổi, bắt đầu tham gia Hội Việt Minh, ở xã Bình Long, huyện Hòa An, Cao Bằng, từ đó Đàm Thị Loan lấy bí danh là Thanh Xuân.
Cô gái người Tày này là một trong số 34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân trong lễ tuyên thệ (22/12/1944). Sau ngày Độc lập, bà Loan được giao giữ chức trung đội trưởng Đội tự vệ thành Hoàng Diệu, sau ngày toàn quốc kháng chiến, bà trở về chiến khu Việt Bắc. Hòa bình lập lại, bà chuyển sang làm nhiệm vụ cơ yếu. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà lại có mặt ở Tây Ninh.
Về bà Lê Thi, năm 1949 được giao làm Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang, rồi được cấp trên điều về công tác bí mật tại Hà Nội, làm Phó phòng Tổ chức trường Công an Trung ương (thuộc Bộ Công an). Rồi bà tham gia học tập, nghiên cứu, giảng dạy, giữ chức Viện trưởng Viện Triết học kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Triết học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Từ 1987 đến 1999, bà là Giám đốc Trung tâm Gia đình và Phụ nữ, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu khoa học về phụ nữ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Gia đình và Phụ nữ, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Bà được phong Giáo sư triết học năm 1992. Đến năm 2000 bà nghỉ hưu ở tuổi 74.
GS Lê Thi lúc sinh thời thường chia sẻ, có ngày 2/9 thì mới có một Lê Thi sau này, mạnh mẽ và hạnh phúc. Nhà giáo Dương Quảng Hàm luôn muốn con gái nối nghiệp cha, trở thành giáo viên. Thế nên sau khi hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng giao phó, bà về học tập, nghiên cứu và trở thành một giáo sư nghiên cứu triết học, đi giảng dạy nhiều nơi. Bà cũng đã hạnh phúc khi lấy được một người chồng yêu thương và sinh được hai người con, một gái, một trai.
Sau khi về hưu bà vẫn miệt mài viết sách, viết báo, nghiên cứu khoa học… góp sức lực và trí tuệ cho sự phát triển của nước nhà. Với những cống hiến to lớn trong suốt cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp nghiên cứu khoa học, GS Lê Thi vinh dự được nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất, Huân chương Độc lập Hạng Ba, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng...