Hai cơn bão tương tự Noru từng khiến 104 người chết và mất tích
Vào năm 2006 và 2009, hai cơn bão với cường độ tương tự bão Noru (bão số 4 năm 2022) đã đổ bộ đất liền khu vực miền Trung - Tây Nguyên của Việt Nam, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản.
Vào tháng 9/2006, bão Xangsane (cơn bão số 6) đã đổ bộ vào Đà Nẵng - Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất ghi nhận được là 38m/s (cấp 13), giật cấp 14 (44m/s). Cơn bão đã gây mưa rất lớn tại khu vực Nghệ An - Quảng Ngãi, với lượng mưa từ 200 - 300mm; riêng Quảng Bình - Thừa Thiên Huế từ 300 - 400mm.
Bão số 6 (Xangsane) đã khiến 76 người bị chết và mất tích, 532 người khác bị thương. Cùng với đó là gần 350.000 ngôi nhà bị hư hỏng khiến hàng vạn gia đình không còn nơi nương tựa. Cơn bão mạnh cũng khiến gần 1.000 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng. Cơ sở hạ tầng nhiều tỉnh miền Trung thiệt hại nặng nề.
Đến tháng 10/2009, khu vực miền Trung tiếp tục đón nhận một cơn bão rất mạnh khác có tên quốc tế là Ketsana (cơn bão số 9). Tâm bão hướng vào Quảng Nam - Quảng Ngãi. Sức gió đo được tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ở cấp 11 (32m/s), giật cấp 14 (44m/2).
Tại các tỉnh miền Trung đã có mưa rất to, đơn cử như: Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi 400 - 600mm, Gia Lai và Kon Tum 200 - 400mm… Cơn bão đã khiến ít nhất 28 người chết và mất tích, 629 người bị thương; hơn 280.000 ngôi nhà bị hư hỏng, cuốn trôi và gần 295.000 nhà dân bị ngập nước kéo dài.
Có thể thấy, 2 cơn bão với cường độ khi tiệm cận đất liền dao động ở cấp 13 từng xảy ra vào năm 2006 và 2009 đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho các tỉnh, TP khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đây cũng được xem là 2 trận bão có sức tàn phá lớn nhất trong lịch sử 20 năm từng đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ.
Liên quan đến bão Noru (cơn bão số 4), Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) Trần Hồng Thái cho biết sau khi vượt qua Philippines, bão suy yếu 1 - 2 cấp do ảnh hưởng ma sát với địa hình. Tuy nhiên sau khi vào biển Đông, bão số 4 đã tăng cấp trở lại.
“Cường độ mạnh nhất của bão số 4 dự kiến ở cấp 13 - 14, giật cấp 16, khi bão đi qua vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Khi vào gần bờ, cường độ bão duy trì ở cường độ cấp 13. Đất liền sẽ chịu ảnh hưởng của bão ở cấp 12 - 13, giật cấp 14…” - ông Trần Hồng Thái cho biết thêm.
Đại diện cơ quan khí tượng thủy văn cũng nhận định từ chiều và đêm ngày 27/9, bão số 4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông sẽ có sóng biển cao 5 - 7m, vùng tâm bão 8 - 10m. Khu vực ven biển Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi, nước dâng 0,8 - 1,2m; trong một kịch bản cực đoan, nước biển có thể dâng cao đến 1,4 - 1,8m. Nguy cơ ngập lụt tại vùng trũng thấp ven biển, cửa sông các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.