Hai cực Trái đất 'dịch chuyển đáng kể'
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, việc Trái đất nóng lên đã khiến cho trục quay của nó bị thay đổi, dẫn đến hệ quả tất yếu là cực Bắc và cực Nam cũng dịch chuyển, The Guardian ngày 7/5 đưa tin.
Theo đó, nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters và được chủ trì thực hiện bởi Tiến sĩ Shanshan Deng, Viện Khoa học địa lý và Nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên, thuộc Viện Khoa học Trung Quốc.
Cụ thể, Trái đất nóng lên đã khiến các sông băng ở vùng cực được hình thành từ nhiều triệu năm trước tan chảy và đổ ra biển. Do vậy, sự phân bổ lượng nước trên Trái đất bị thay đổi.
Trái đất quay quanh trục của nó giống như một con quay. Nếu sự phân bổ trọng lượng này thay đổi khi Trái đất tự quay quanh mình thì nó sẽ bắt đầu bị nghiêng và lắc lư. Đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lệch trục Trái đất, hệ quả là các cực cũng dịch chuyển.
Theo nghiên cứu, từ năm 1995 đến 2020, tốc độ di chuyển của cực Trái đất tăng khoảng 17 lần so với tốc độ trung bình trong thời gian từ năm 1981 đến 1995. Cực Bắc hiện đang dịch chuyển về phía lãnh thổ nước Nga và rời xa khu vực Canada.
Hơn nữa, các hoạt động bơm nước ngầm để sử dụng của con người cũng gây ảnh hưởng không nhỏ. Trong 50 năm qua, nhân loại đã lấy đi 18 nghìn tỷ tấn nước từ các hồ chứa sâu dưới lòng đất mà không có sự thay thế.
Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Vincent Humphrey, Đại học Zurich, Thụy Sĩ, người không tham gia vào nghiên cứu mới cho biết, điều này cho thấy các hoạt động của con người đã phân bổ lại lượng nước khổng lồ trên hành tinh. Nó lớn đến mức có thể thay đổi trục của Trái đất.
Một số nhà khoa học cho rằng, với quy mô tác động đáng kể của con người lên địa chất và hệ sinh thái, cần công bố một kỷ nguyên địa chất mới - kỷ nguyên Anthropocene. Kể từ giữa thế kỷ 20, đã có sự gia tăng rõ rệt của lượng khí thải CO2 và mực nước biển dâng, sự biến đổi đất do canh tác, phá rừng...