Hai cuộc chiến tranh Mỹ thử công nghệ tác chiến mạng trung tâm
Các cuộc chiến Afghanistan và Iraq là những thử nghiệm thực tế của quân đội Mỹ về công nghệ và khả năng tác chiến mạng trung tâm.
Cuộc chiến Afghanistan
Thứ nhất, việc liên kết số liệu đã đạt tới độ phổ cập nhất định. Ngoài việc tăng số lượng máy bay chiến đấu F-15E được trang bị hệ thống liên kết số liệu L-16, các máy bay F-16 cũng được lắp đặt hệ thống liên kết số liệu nhận biết chiến trường; giữa các máy bay AC-130 và máy bay không người lái (UAV) Predator được lắp đặt hệ thống liên kết số liệu chuyên dụng.
Một khi UAV phát hiện mục tiêu, lập tức truyền cho máy bay AC-130 tiến hành tấn công, tính thời gian thực của việc tấn công được nâng cao đáng kể, chu kỳ tấn công giảm trung bình tới 90 phút, ngắn nhất là khoảng 10 phút.
Đồng thời, UAV trinh sát tấn công Predator RQ-1B bắt đầu được đưa vào sử dụng, loại UAV này có thể mang 2 tên lửa chống tăng Hellfire AGM-114. Do sử dụng rộng rãi các UAV Predator RQ-1B và Global Hawk RQ-4A nên vừa có thể tiến hành trinh sát, theo dõi chiến trường, vừa thực hành tấn công mục tiêu lâm thời đạt hiệu quả cao. Theo thống kê, mục tiêu loại này chiếm khoảng 80% tổng số mục tiêu tấn công.
Thứ hai, vũ khí và bom đạn dẫn đường chính xác được sử dụng đã vượt các loại vũ khí và bom đạn thông thường, chiếm đến 60%, trong đó một lượng lớn được dẫn đường bằng vệ tinh. Tính đến tháng 2/2002, số bom tấn công trực tiếp liên hợp GBU-31 được sử dụng lên tới 5.000 quả. Đồng thời, máy bay mang loại bom này đã mở rộng tới nhiều loại như: B-2A, B-1B, B-52, F-15E, F-16, F/A-18E/F, F-14.
Thứ ba, phạm vi tấn công chính xác được mở rộng. Lần đầu tiên, quân Mỹ đã sử dụng các loại vũ khí mới như bom BLU-82B, bom thông minh khoan sâu GBU-28 và bom điều chỉnh sức gió... đánh phá có hiệu quả các mục tiêu kiên cố được che giấu trong hang động và bọc thép.
Thứ tư, hiệu suất chỉ huy và truyền tải thông tin tăng khá cao. Để so sánh, trong chiến tranh Vùng Vịnh (1991), số binh sĩ tham chiến của quân đội đa quốc gia là 600.000 quân, dung lượng sử dụng thông tin vệ tinh chỉ là 80 Mb/s. Trong cuộc chiến Kosovo, quân số NATO tham chiến là 100.000 người, dung lượng sử dụng thông tin vệ tinh đạt tới 160 Mb/s. Đến cuộc chiến Afghanistan, quân số tham chiến chỉ là 10.000 người, nhưng dung lượng sử dụng thông tin vệ tinh lên tới 500 Mb/s.
Cũng trong cuộc chiến Afghanistan, Bộ Tư lệnh Trung tâm đặt ở lãnh thổ Mỹ có thể thông qua vệ tinh để xem các hình ảnh từ chiến trường truyền về.
Cuộc chiến Iraq
Đến đây, khả năng tác chiến mạng trung tâm đã hoàn chỉnh, khả năng tấn công chính xác có bước tiến vượt bậc về chất, trình độ tin học hóa có những thay đổi to lớn.
Một là, Mỹ đã sử dụng 2 trung tâm chỉ huy tác chiến trên không nhất thể hóa là căn cứ Hoàng đế Suntan ở Ảrập Xêút và căn cứ Umsaid ở Qatar. Tại hai trung tâm này, trình độ mạng liên kết đạt tới 67%, có thể tiến hành chỉ huy tác chiến liên hợp nhất thể hóa với lực lượng không quân của các quân chủng hải quân, lục quân và hải quân đánh bộ.
Hai là, trình độ tin học hóa về mặt tác chiến trên không cao hơn tất cả các cuộc chiến trước đây. Số lượng máy bay chiến đấu được lắp đặt hệ thống liên kết số liệu L-16 đã tăng lên nhiều, hình thành kết cấu mạng hóa giữa các thiết bị trinh sát theo dõi trên không-vũ trụ với các trung tâm chỉ huy dưới mặt đất.
Hầu hết các máy bay tham chiến, bao gồm cả loại máy bay chiến đấu F-14D và AV-8 của hải quân Mỹ, đều có khả năng ném bom tấn công trực tiếp liên hợp GBU-31 và bom dẫn đường bằng lazer do vệ tinh dẫn đường.
Ba là, các UAV trinh sát tấn công được đưa vào sử dụng toàn diện. Bảy chiếc Predator RQ-1B sử dụng kết hợp với UAV Hunter đã phát huy tác dụng quan trọng trong việc tấn công các thiết bị tên lửa của quân đội Iraq, truy sát Tổng thống Saddam Hussein và các quan chức cấp cao của Iraq.
Bốn là, khả năng thông tin vệ tinh được tăng cường. Các vệ tinh trinh sát với chức năng là một phần của mạng trinh sát đã phát hiện được 26 bệ phóng tên lửa, 1.493 lượt phóng tia hồng ngoại ở vị trí tĩnh và 186 vụ nổ có sức công phá mạnh so với chiến tranh vùng Vịnh, tỷ lệ sử dụng thông tin vệ tinh tăng lên 75%, độ rộng của giải sóng tăng tới 783 Mb, mỗi phút truyền tải 300.000 chữ số, tăng 30 lần.
Năm là, sử dụng các UAV trinh sát đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài việc đưa vào sử dụng 9 UAV Predator RQ-1A, Mỹ còn đưa vào sử dụng 4 chiếc Globalhawk RQ-4A. Số lượt bay trinh sát trên không của các loại UAV này chỉ chiếm 5%, nhưng thu thập tới 55% tin tức mục tiêu chủ chốt của hệ thống phòng không Iraq.
Ngoài ra, không quân Mỹ, Anh, Australia đã sử dụng hơn 1.800 lượt máy bay chiến đấu tham gia các hoạt động thu thập tin tức tình báo và trinh sát. Những chuyến bay trinh sát này đã giúp liên quân có được 42.000 bức ảnh, 3.200 giờ phim video, 2.400 giờ thông tin tình báo… về đối phương.