Hai cựu phó chủ tịch Lào Cai sa lưới vì liên quan khai thác quặng 'chui'
Trước khi 2 cựu phó chủ tịch tỉnh Lào Cai bị bắt, Thanh tra Chính phủ từng chỉ ra sai phạm liên quan đến dự án xây nhà hàng, khách sạn nhưng 'núp bóng' để khai thác quặng.
Ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 bị can gồm: Nguyễn Thanh Dương (SN 1959), nguyên ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Lê Ngọc Hưng, (SN 1960), nguyên ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Đình Định, (SN 1961), nguyên ủy viên BTV Tỉnh ủy Lào Cai, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy TP Lào Cai, nguyên Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lào Cai; Phan Văn Cương, (SN 1963) hiện là Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai.
Các bị can nêu trên bị bắt để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đây là diễn biến mới nhất liên quan đến việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai khởi tố, điều tra vụ án liên quan đến vi phạm trong việc thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
'Núp bóng' dự án xây khách sạn để khai thác trái phép triệu tấn quặng
Những vi phạm nêu trên đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Kết luận Thanh tra số 3238/KL-TTCP về chấp hành chính sách pháp luật trong công tác quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2005 - 2015.
Cuối năm 2017, trong kết luận của TTCP đã nêu, đoàn thanh tra thực hiện kiểm tra công tác quản lý nhà nước đối với khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là các nội dung liên quan đến việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, công tác quy hoạch, giới thiệu địa điểm, việc thẩm định dự án, cấp phép và cho thuê đất khai thác, chế biến khoáng sản...
TTCP trực tiếp thanh tra việc khai thác, chế biến khoáng sản của 8 dự án trên địa bàn tỉnh. Nổi bật trong số đó là dự án xây dựng khách sạn, nhà hàng công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lilama (Công ty Lilama).
Theo TTCP, ngày 27/4/2009, dự án trên được UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Lilama thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 25 tỷ đồng trên diện tích 3,77 ha thuộc xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai.
Phần diện tích 3,77 ha thực hiện dự án xây khách sạn, nhà hàng của Công ty Lilama nằm trong quy hoạch thăm dò khai thác quặng Apatit theo quyết định của Bộ Công thương năm 2008.
Trong quá trình thực hiện dự án, phát hiện có quặng dưới nền đất nên Công ty Lilama đã báo cáo và UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư nêu trên.
Ngày 11/4/2012, UBND tỉnh Lào Cai có văn bản giao Công ty Apatit Việt Nam san tạo lại các điểm dễ sạt lở và tận thu số quặng nằm trên diện tích 3,77ha.
Tuy nhiên, bằng cách nào đó, Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai sau đó có thông báo số 99 ngày 18/8/2012 và thông báo số 01 ngày 3/1/2013, giới thiệu địa điểm cho Công ty Lilama lập dự án nhà hàng, khách sạn tại khu vực này.
Việc giới thiệu địa điểm nêu trên đã được TTCP kết luận là không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, vì diện tích 3,77ha này nằm trong vùng quy hoạch, thăm dò khai thác và tuyển quặng Apatit theo quyết định ngày 18/8/2008 của Bộ Công thương và thuộc khai trường số 18 của quy hoạch.
Chưa hết, dù việc giới thiệu địa điểm xây dựng nhà hàng, khách sạn nêu trên là không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, UBND tỉnh Lào Cai lại tổ chức các cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Cụ thể, ngày 3/12/2012, UBND tỉnh Lào Cai ban hành văn bản về việc tháo gỡ vướng mắc liên quan đến dự án trên.
Đáng lưu ý, văn bản này có nội dung nêu rõ, "diện tích 3,77 ha trong đó có 0,65 ha phía Tây bắc nằm ngoài khu vực cấm, còn lại 3,12 ha nằm trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản do đó cho phép công ty điều chỉnh lại diện tích xây dựng dự án lấy chiều bám theo mặt đường QL4D để tiếp tục thực hiện dự án nhà hàng, khách sạn".
Văn bản của UBND tỉnh Lào Cai cũng nói rõ "Đối với phần đuôi khai trường 18 chỉ cho phép làm khuôn viên của dự án và trồng cây xanh".
Từ việc chấp thuận và tháo gỡ này, chưa đầy nửa tháng sau, ngày 17/12/2012, UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Lilama thực hiện dự án khách sạn, nhà hàng với diện tích, quy mô và tổng mức đầu tư như đã nêu ở trên.
Đến ngày 29/3/2013, UBND tỉnh Lào Cai đã có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với toàn bộ diện tích 3,7ha gồm: gần 3,43 ha đất rừng sản xuất 1.316m2 đất nuôi trồng thủy sản, 1.291m2 đất thủy lợi, còn lại là đất trồng cây lâu năm tại xã Đồng Tuyển để thực hiện dự án nhà hàng, khách sạn.
Tháng 4/2013, Sở TNMT tỉnh Lào Cai và Công ty Lilama ký hợp đồng thuê đất.
Cũng theo kết luận của TTCP, ngày 20/5/2013, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục có văn bản số 1717 cho phép Công ty Lilama thu gom, tận thu Apatit.
Quyết định cho thu gom, tận thu Apatit nêu trên mâu thuẫn với chính nội dung văn bản ngày 3/12/2012 của UBND tỉnh Lào Cai, trong đó có lưu ý: "diện tích 3,77 ha trong đó có 0,65 ha phía Tây bắc nằm ngoài khu vực cấm, còn lại 3,12 ha nằm trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản do đó cho phép công ty điều chỉnh lại diện tích xây dựng dự án lấy chiều bám theo mặt đường QL4D để tiếp tục thực hiện dự án nhà hàng, khách sạn. Đối với phần đuôi khai trường 18 chỉ cho phép làm khuôn viên của dự án và trồng cây xanh".
Theo TTCP, trong thực tế trên diện tích 3,77ha mặt bằng xây dựng khách sạn, nhà hàng, Công ty Lilama đã thu được hơn 1,363 triệu tấn quặng Apatit với số tiền thu được từ việc bán quặng là hơn 379 tỷ đồng.
"Việc UBND tỉnh Lào Cai có văn bản cho phép Công ty Lilama tận thu, thu gom Apatit là chưa đúng quy định tại điều 65 (quy định khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình) và điều 67 (quy định về tận thu khoáng sản) của Luật khoáng sản năm 2010 (tận thu chỉ được thực hiện khi đóng cửa mỏ)", kết luận thanh tra nêu.
TTCP xác định, UBND tỉnh Lào Cai cho phép Công ty Lilama thực hiện dự án nhà hàng, khách sạn nhưng thực tế là lợi dụng việc thực hiện dự án để khai thác Apatit trái phép.