Hai cựu thù khu vực tranh giành quyền kiểm soát tương lai Syria
Một cuộc cạnh tranh gay gắt đang nổi lên ở Trung Đông giữa hai đối thủ cũ về tương lai của Syria.
Sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria đã mở ra một mặt trận mới cho sự cạnh tranh địa chính trị ở Trung Đông. Tuy nhiên hiện nay, thay vì Iran và Nga đóng vai trò có ảnh hưởng nhất ở Syria, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ lại nhìn thấy cơ hội để thúc đẩy các lợi ích an ninh quốc gia và khu vực xung đột của họ.
Dưới thời các nhà lãnh đạo - Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, mối quan hệ giữa hai nước đã xấu đi nghiêm trọng trong những năm gần đây. Điều này tạo tiền đề cho một cuộc đối đầu gay gắt về Syria.
Một sự cạnh tranh mới đang nổi lên
Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã ủng hộ cuộc tấn công do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo để lật đổ ông Assad khỏi quyền lực, hành động bị cho là tổn hại lợi ích hai đồng minh truyền thống của Syria - Iran và Nga. Tehran đã ám chỉ rằng nếu không có sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, HTS sẽ không thể tiếp quản vai trò cầm quyền ở Syria.
Bây giờ, khi ông Assad đã ra đi, ông Erdogan được cho là đang định vị mình là nhà lãnh đạo trên thực tế của thế giới Hồi giáo Sunni. Ông cũng muốn Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong những cường quốc thống trị trong khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức mở lại đại sứ quán của mình tại Damascus và đề nghị giúp HTS định hình trật tự Hồi giáo mới của đất nước. Ông Erdogan cũng phản đối bất kỳ sự nhượng bộ nào của HTS đối với nhóm thiểu số người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở đông bắc Syria, nhóm mà Ankara coi là ủng hộ lực lượng ly khai người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Israel đã lợi dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để thúc đẩy tham vọng lãnh thổ và an ninh của mình. Họ đã phát động một cuộc triển khai quân trên bộ vào lãnh thổ Syria trên Cao nguyên Golan chiến lược và thực hiện chiến dịch ném bom lớn vào các tài sản quân sự Syria trên khắp đất nước.
Ngoại trưởng Israel cho biết việc phá hủy những tài sản này - bao gồm kho đạn dược, máy bay chiến đấu, tên lửa và cơ sở lưu trữ vũ khí hóa học - là cần thiết để đảm bảo chúng không rơi vào "tay những kẻ cực đoan" có thể gây ra mối đe dọa cho Nhà nước Do Thái.
Rõ ràng là Israel lo ngại về sự trỗi dậy của một nhóm Hồi giáo và sự biến đổi của Syria thành một quốc gia thánh chiến.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã coi những hành động gần đây của Israel ở Syria và Cao nguyên Golan bị chiếm đóng là hành vi chiếm đất. Các nước Arab cũng lên án hành động của Israel, những nước này yêu cầu tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Hai kẻ thù cũ đối đầu lợi ích
Erdogan, Tổng thống Hồi giáo ôn hòa của Thổ Nhĩ Kỳ, từ lâu đã ủng hộ sự nghiệp của người Palestine và là người chỉ trích gay gắt Israel. Nhưng căng thẳng đã leo thang đáng kể giữa hai nước kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Gaza.
Ông Erdogan đã kêu gọi một mặt trận Arab - Hồi giáo để ngăn chặn cái mà ông gọi là "cuộc diệt chủng" của Israel ở Gaza. Ông cũng chỉ trích viêc Israel đưa quân vào Liban vào đầu năm nay.
Trong khi đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã chỉ trích ông Erdogan trong nhiều năm, cáo buộc ông phạm tội "diệt chủng" người Kurd.
Washington, đồng minh với cả Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, đã triển khai các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ để đảm bảo rằng HTS sẽ đưa Syria đi theo hướng có lợi cho mình. Họ rất muốn thấy một hệ thống quản lý hậu Assad phù hợp với lợi ích Mỹ. Những lợi ích này bao gồm sự hỗ trợ của HTS cho các đồng minh người Kurd của Mỹ ở đông bắc Syria và sự hiện diện liên tục của 1.000 quân nhân Mỹ. Mỹ cũng muốn HTS tiếp tục ngăn chặn nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hồi sinh.
Mỹ cũng sẽ phải quản lý sự cạnh tranh địa chính trị đang nổi lên giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Một số nhà quan sát không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc đối đầu quân sự giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, nếu Israel biến cái mà họ gọi là sự chiếm đóng tạm thời của mình đối với khu phi quân sự ở phía Syria của Cao nguyên Golan thành một cuộc chiếm đóng lãnh thổ vĩnh viễn.
Điều này không có nghĩa là một cuộc chiến giữa hai nước sắp xảy ra. Nhưng lợi ích xung đột của họ và mức độ thù địch lẫn nhau chắc chắn đã đạt đến một cấp độ mới.
Mất mát của Iran
Đối với Iran, việc chính quyền cựu Tổng thống Assad bị lật đổ có nghĩa là họ mất đi một đồng minh chủ chốt trong "trục kháng cự" chủ yếu là người Shia chống lại Israel và Mỹ. Iran cũng bị tước mất một cầu nối trên bộ và trên không quan trọng với một trong những lực lượng đồng minh quan trọng - Hezbollah ở Liban.
Sự sụp đổ đột ngột của chính quyền Tổng thống Assad hiện đang khiến Tehran phải xem xét lại về chiến lược khu vực của mình, liệu họ có còn đóng vai trò quan trọng với Syria mới hay không. Câu trả lời dường như là "không", vì lãnh đạo HTS, al-Sharaa đã không giấu giếm việc không đề cao vai trò của Iran và Hezbollah.
Ông Al-Sharaa đã ưu tiên thành lập một chính phủ Hồi giáo tập trung vào tái thiết Syria cũng như thống nhất quốc gia hơn là xung đột với Israel – kẻ thù của Iran. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự bất đồng với những người theo đường lối cứng rắn ở Iran.
Chỉ có thời gian mới có thể cho biết tất cả những điều này sẽ diễn ra như thế nào. Ở giai đoạn này, tương lai của Syria và khu vực đang bị đe dọa. Và phần lớn phụ thuộc vào việc liệu các nhà lãnh đạo HTS có thiết lập được một hệ thống chính trị toàn diện và thống nhất trên đất nước Syria bị chia rẽ hay không.