Hai đại học quốc gia Việt Nam lọt bảng xếp hạng các trường tốt nhất toàn cầu
Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. HCM vừa có tên trong danh sách top 1.500 trường đại học tốt nhất toàn cầu.
Mới đây, trang U.S. News & World Report (Mỹ) công bố bảng xếp hạng đại học Best Global Universities (các trường Đại học tốt nhất thế giới) năm 2020. Bảng xếp hạng này sử dụng dữ liệu Web of Science và chỉ số InCites thuộc Clarivate Analytics, gồm 1.500 trường đại học nghiên cứu hàng đầu từ 81 quốc gia.
Lần đầu tiên, Việt Nam có hai đại diện lọt vào bảng xếp hạng này, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội ở vị trí 1.059 và Đại học Quốc gia TP.HCM đứng số 1.176. Ngoài ra, Đại học Tôn Đức Thắng cũng có tên trong bảng xếp hạng, tuy nhiên, trường vẫn chưa có thứ hạng.
Ở khu vực châu Á, dẫn đầu là Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Đại học King Abdulaziz (Ấn Độ) và Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). Hai đại học quốc gia Hà Nội và TP.HCM lần lượt đứng vị trí 275 và 322. Ở ngành Vật lý, đại diện đến từ Hà Nội được xếp hạng 472 thế giới.
Dẫn đầu bảng xếp hạng Best Global Universities năm 2020 là Đại học Harvard University với 100 điểm tuyệt đối. Bên cạnh đó, nước Mỹ có thêm các đại diện sáng giá nằm trong top 10 là Đại học Stanford, Viện Công nghệ Massachusetts, Viện Công nghệ California và Đại học Columbia. Nước Anh có hai đại diện nằm trong top 10 là hai ngôi trường cổ kính: Đại học Oxford và Đại học Cambridge.
Bảng xếp hạng của U.S. News & World Report tập trung vào đo lường hiệu suất nghiên cứu và danh tiếng của các trường đại học. Các tiêu chí xếp hạng sẽ bao gồm các yếu tố liên quan đến danh tiếng của một trường trên thế giới và khu vực cùng với hiệu suất nghiên cứu học thuật dựa trên số lượng trích dẫn và công bố.
Cụ thể, dựa vào 13 tiêu chí chính được lấy từ cơ sở dữ liệu khoa học do Tập đoàn Clarivate Analytics InCites cung cấp, tập trung vào uy tín và chất lượng nghiên cứu. Đại học phải có tối thiểu 1.500 bài báo được xuất bản từ năm 2013 đến 2017 mới được xem xét.
2 tiêu chí liên quan đến danh tiếng, theo kết quả từ cuộc khảo sát Academic Reputation Survey của Clarivate Analytics gồm: Danh tiếng nghiên cứu toàn cầu (12.5%) và danh tiếng nghiên cứu trong khu vực (12.5%).
11 tiêu chí liên quan đến chất lượng nghiên cứu gồm: bài báo (10%), sách (2.5%), hội thảo (2.5%), ảnh hưởng trích dẫn trung bình (10%), tổng trích dẫn (7.5%), số bài báo trong top 10% được trích dẫn nhiều nhất (12.5%), tỉ lệ tổng số bài báo nằm trong top 10% được trích dẫn nhiều nhất (10%), hợp tác quốc tế (5%), tỉ lệ số lượng công bố có hợp tác quốc tế (5%), số lượng bài báo thuộc top 1% được trích dẫn nhiều nhất theo từng ngành (5%), tỉ lệ của số bài báo thuộc top 1% được trích dẫn nhiều nhất theo từng ngành (5%).