Hải đăng trong thành phố

'Chưa lên ngọn hải đăng thì coi như chưa đến Vũng Tàu', lời của bạn Nguyễn Ngọc Ninh (phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) khiến tôi không khỏi tò mò.

Đường lên hải đăng Vũng Tàu dịp này khá đẹp. Từ đường Hạ Long ngược lên, tôi lái xe máy men theo những khúc cua của sườn núi Tao Phùng. Hai bên đường, mùi hoa sứ thanh khiết như đang vẫy chào du khách. Chốc chốc có quãng lại thấy mấy cặp đôi vì mê cảnh đẹp bên đường mà chọn nơi đây để chụp ảnh cưới. Chỉ mất khoảng 10 phút đi xe máy, tôi đã dễ dàng lên tới đỉnh núi nơi đặt ngọn hải đăng. Dù thời điểm này mặt trời đã dần đứng bóng nhưng vẫn có hàng trăm du khách thích thú chụp ảnh. Đa phần trong số họ là khách du lịch từ nơi xa đến lần đầu được ngắm nhìn hải đăng, một số khác là người dân TP Vũng Tàu vẫn thường xuyên lên đây hóng gió.

 Hải đăng là biểu tượng của thành phố Vũng Tàu.

Hải đăng là biểu tượng của thành phố Vũng Tàu.

Cả nước ta hiện nay có 92 hải đăng trải dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang). Nếu như hầu hết các ngọn hải đăng được đặt tại các hòn đảo hay những nơi có địa thế hiểm trở thì hải đăng Vũng Tàu nằm trong số ít ngọn hải đăng được xây dựng trong khu vực thành phố. Cũng bởi vậy, bao năm qua, hải đăng Vũng Tàu đã trở thành một trong những địa điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến với thành phố biển này. Theo thông tin của tấm biển được gắn vào thân ngọn hải đăng thì công trình được xây dựng đầu tiên vào năm 1862 ở độ cao 149m so với mực nước biển. Năm 1910, hải đăng được dời lên và xây mới ở độ cao 170m so với mực nước biển. Hải đăng cao 18m, đường kính 3m, tầm hiệu lực đạt từ 23 đến 34 hải lý.

Nằm ở vị trí cao nhất của TP Vũng Tàu nên khi tham quan hải đăng, du khách có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh thành phố biển. Ở ngọn đồi thấp hơn một chút bên cạnh có tượng Chúa cứu thế đang dang rộng đôi tay, được xây dựng mô phỏng theo tượng Chúa Kito cứu thế nổi tiếng thế giới ở thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Phóng tầm mắt về phía nam là Biển Đông xanh thẳm, trù phú đang ngày ngày nuôi dưỡng người dân nơi đây. Ông Nguyễn Ngọc Ninh tự hào: “Nếu đến đây vào buổi tối, mọi người không chỉ được ngắm TP Vũng Tàu lung linh khi lên đèn, mà còn cảm nhận được ánh đèn hải đăng khi làm nhiệm vụ dẫn đường, chiếu sáng cho tàu, thuyền. Với người dân TP Vũng Tàu chúng tôi, ngọn hải đăng này là biểu tượng, niềm tự hào trong hơn một trăm năm qua”.

Với nét kiến trúc cổ kính của hải đăng cùng cảnh quan thiên nhiên hữu tình, không khí thoáng mát, hải đăng Vũng Tàu đang là điểm “check-in” hấp dẫn, mỗi năm đón gần 1 triệu lượt khách tham quan. Mặc dù mới được sơn lại vào năm 2019 để đủ sức chống chọi với thời gian và thời tiết khắc nghiệt nhất, nhưng hải đăng Vũng Tàu vẫn giữ được nét cổ kính, độc đáo, là một trong những ngọn hải đăng cổ nhất khu vực Đông Nam Á. Ông Hoàng Trung Kiên, du khách đến từ Hà Nội cho hay: “Đã nhiều lần đến TP Vũng Tàu nhưng hôm nay, tôi mới có dịp lên ngọn hải đăng. Quả thật, không chỉ được ngắm nhìn công trình quan trọng của Vũng Tàu mà tôi còn được đón nhận luồng gió mát từ biển làm tan biến bao mệt mỏi đường xa. Đứng từ ngọn hải đăng nhìn xuống mới thấy thành phố biển Vũng Tàu quyến rũ đến nhường nào”.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/hai-dang-trong-thanh-pho-659923