Hai danh tướng cùng thời của Nga và Pháp, ai tài giỏi hơn?Tin khácDanh sách cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu 'Công dân Lạng Sơn ưu tú' lần thứ nhất, năm 2021Sôi nổi hoạt động hướng đến kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh
Thống soái Nga Aleksandr Suvorov chưa một lần bại trận, trong khi Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte trong thời gian dài không biết đến thất bại. Cả hai vị đều là những danh tướng tài giỏi cùng thời.Họ chưa từng gặp nhau trên chiến trường, và về mặt lý thuyết thì điều này có thể xảy ra, mặc dù Suvorov lớn hơn Napoleon 39 tuổi. Đương nhiên, khó có thể nói ai sẽ thắng ai nếu đối mặt nhau. Hơn nữa, điều đó còn phụ thuộc vào bối cảnh khách quan khi binh sĩ hai bên đối đầu. Tuy nhiên, có thể so sánh phẩm chất của hai vị tướng và quân đội mà họ chỉ huy. Aleksandr Suvorov (trái) và Napoleon Bonaparte (phải). Nguồn: russian7.ru.
Quan điểmtương đồng
Quan điểm của Aleksandr Suvorov và Napoleon Bonaparte về chiến lược, chiến thuật và huấn luyện binh sĩ có nhiều điểm tương đồng. Cả hai người đều dành ưu tiên tuyệt đối cho sách lược tấn công. Phòng thủ được họ coi là phương án bất đắc dĩ, chỉ dùng để sau đó chuyển hướng sang tấn công. Hai vị danh tướng này đều xác định cách duy nhất giành chiến thắng là tấn công quyết định nhằm đánh bại hoàn toàn quân địch. Cả Suvorov và Napoleon đều chú trọng nhất đến tốc độ nhanh, chủ động trong hành động và làm đối phương bàng hoàng, đặc biệt là yếu tố bất ngờ khi tấn công kẻ thù.
Hai danh tướng Nga và Pháp đều thiên về giành chiến thắng nhanh gọn và không thích những chiến dịch quân sự mất nhiều thời gian. Điều này tuyệt nhiên là không phải vì tính nhân đạo nào đó hay nỗ lực chiến thắng “ít đổ máu”, bởi các danh tướng thường không bị chi phối bởi những tình cảm như vậy. Họ hiểu rõ rằng, càng quan tâm đến tổn thất ít nhất thì càng dễ bị thất bại, và hậu quả là sẽ chịu tổn thất lớn nhất. Họ cũng biết rằng, trong thời khắc quyết định của trận đánh thì không nên nghĩ đến “cái giá của chiến thắng”, mà cần phải đạt được chiến thắng bằng bất cứ giá nào. Trong những thời khắc đó, họ không khoan nhượng đối với binh sĩ của mình. Còn những lúc khác, họ dành sự quan tâm đến binh lính, để quân của mình luôn trong trạng thái tốt nhất nhằm đạt được chiến thắng.
“Ước lượng bằng mắt, tốc độ và tấn công ồ ạt”, đó là nguyên tắc “tam thuật dụng binh” được Aleksandr Suvorov luôn tuân thủ. Trong khi đó, Napoleon Bonaparte cũng có thể hoàn toàn đồng tình với nguyên tắc này. Bản thân ông từng nói tương tự như câu châm ngôn này, nhưng theo một cách khác: “Sự đơn giản là điều kiện đầu tiên nhằm đảm bảo tính cơ động tốt”.
Sự khác biệt
Giữa hai vị tướng vĩ đại nhất cùng thời này cũng có cả những sự khác biệt trong cách nhìn nhận về chiến thuật. Suvorov rất coi trọng việc tấn công vào những điểm yếu nhất của kẻ địch. Ngược lại, Napoleon thiên về việc tập trung lực lượng để tiêu diệt vị trí mạnh nhất trong tuyến phòng thủ của đối phương. Điều này được ông thể hiện rõ trong trận thắng đầu tiên của mình khi đánh chiếm thành phố Toulon của quân phản loạn vào tháng 12-1793.
Tuy nhiên trên thực tế, những chiến thuật của cả hai vị tướng này đều mang lại kết quả giống nhau. Trong cuộc chiến, thực tế không phải lúc nào cũng có thể xác định được chính xác thế yếu hay thế mạnh của kẻ địch. Trước hết là vì, để đánh giá đúng thì thường không đủ thời gian. Suvorov nhấn mạnh tính cần thiết để một vị tướng hiểu và thông qua quyết định nhanh chóng, còn khi đã thông qua rồi thì ngay lập tức thực thi quyết định. Trong khi đó, Napoleon cố gắng làm suy yếu sinh lực địch, bằng cách liên tục tấn công vào các cánh quân, rồi sau đó bất ngờ đột nhập vào trung tâm.
Cả hai vị danh tướng Nga và Pháp đều rất coi trọng sức bền bỉ của binh sĩ và huấn luyện họ khả năng hành quân đường dài. Suvorov và Napoleon đều cho rằng, việc tách rời hậu phương và những đoàn xe ngựa cồng kềnh là có thể được, thậm chí là cần thiết. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng nhất để họ giành chiến thắng. Quân đội của Suvorov và Napoleon đều vượt trội đối phương về tính cơ động. Sự thực, bởi điều này có được bằng nhiều cách khác nhau: Đối với quân đội Pháp là nhờ tính tự cung ngay tại chỗ, còn đối với quân đội Nga là nhờ tính cách giản dị của người lính Nga.
Những khác biệt của quân đội hai bên
Suvorov và Napoleon lãnh đạo những đội quân khác nhau, vì vậy cách huấn luyện binh sĩ cũng phải khác nhau. Vấn đề ở đây không phải là sự khác biệt về “tinh thần dân tộc”, mà là ở chỗ, quân đội của Suvorov gồm những binh lính chuyên nghiệp bị bắt vào phục vụ trong quân đội suốt đời, còn quân đội của Napoleon là con của những người nông dân và tầng lớp tiểu tư sản được điều động tạm thời. Đối với những người lính Nga cuối thế kỷ XVIII, quân đội trở thành gia đình thứ hai trong suốt cả quãng đời còn lại của họ, còn lính của Napoleon dự định sau chiến thắng sẽ trở về nhà và sống cuộc sống bình thường. Sự thực, có nhiều binh sĩ của Napoleon cũng phải phục vụ trong quân đội suốt quãng đời còn lại của mình.
Người ta thường cho rằng, vào cuối thế kỷ XVIII, binh lính Napoleon ít nhất cũng là những người lính cách mạng và tự giác chiến đấu chống những đội quân của bạo chúa vì quyền và tự do của mình (chính xác hơn là vì đất đai mà họ có được nhờ cách mạng tư sản Pháp). Còn binh lính Nga là những nông nô khiếp nhược và vẫn luôn như thế trong quân đội. Tuy nhiên, đây là cách nhìn rất thiển cận và phiến diện.
Khi là binh lính, những người nông dân Nga, giống như lính lê dương La Mã cũng phục vụ trong quân đội 20 năm, trở thành những thành viên của Tập đoàn quân đặc biệt, thấm nhuần đạo đức nghề nghiệp. Trong khi đó, quân đội cách mạng Pháp, vốn dựa theo nguyên tắc vũ trang toàn diện cho mọi công dân tự do, thì không quy định như vậy. Ngược lại, ban đầu họ coi chiến tranh chỉ là việc xảy ra tạm thời, chứ không kéo dài suốt cả đời. Về sau họ đã trở nên chuyên nghiệp, nhưng thời gian đầu quân Pháp đã phải chịu thất bại trước đội quân chính quy của những vương triều châu Âu. Bước ngoặt chỉ diễn ra khi những người thúc đẩy cách mạng bắt đầu trở thành tướng lĩnh trong quân đội Pháp như Napoleon Bonaparte, và họ đã chiến đấu một cách thực thụ.
Cần nói thêm một sự khác biệt nữa trong quan điểm của hai vị danh tướng Nga và Pháp. Napoleon Bonaparte là một trong những vị tướng trẻ mang tư tưởng cách tân trưởng thành từ cách mạng Pháp, cùng với Moreau, Hoche và Marceau. Những thay đổi trong đường lối quân sự cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX có liên quan đến tên tuổi của Napoleon sau khi ông lên làm Hoàng đế. Những nguyên tắc của ông là nguyên tắc chế độ xã hội mới. Trong khi đó, đường lối của Aleksandr Suvorov đã làm cho ông nổi bật hơn hẳn so với những tướng lĩnh châu Âu khác dưới chế độ nhà nước phong kiến.
Napoleon từng gọi Suvorov là “ông già lẩnthẩn”
Vậy ai sẽ giành chiến thắng, nếu mùa hè năm 1799 Suvorov không bị triệu hồi khỏi nước Ý, và ngược lại, nếu Napoleon bị triệu hồi khỏi Ai Cập sớm hơn, hoặc nếu Napoleon vẫn tiếp tục ở lại Ý chỉ huy quân Pháp, khi Suvorov bắt đầu hành quân đến Ý? Bất kỳ câu trả lời nào cũng chỉ là giả thiết không được kiểm chứng hoàn toàn, dù có dẫn bao nhiêu lập luận đi chăng nữa. Có một điều chắc chắn rằng, nếu đối đầu nhau thì một trong hai người sẽ phải chịu thất bại đầu tiên trong đời mình.
Đáng chú ý, Aleksandr Suvorov dành sự đánh giá xứng đáng về tài năng quân sự của Napoleon Bonaparte và chỉ ra mối nguy hiểm ngày càng lớn từ vị tướng Pháp đối với trật tự châu Âu. “Tiến xa rồi! Đã đến lúc kìm chân chàng dũng sĩ này lại!”, danh tướng Nga nói trong chiến dịch đầu tiên tiến đánh nước Ý của Napoleon năm 1796. Trong khi đó, bản thân danh tướng Pháp lại không quá đề cao Suvorov, khi có lần còn gọi Thống soái Nga là “ông già lẩn thẩn”.
Phải chăng sự xem nhẹ đối thủ này đã đóng vai trò định mệnh với Napoleon? Bởi lẽ một năm sau đó (năm 1800), trong chiến dịch tiến đánh nước Ý lần thứ hai của chính mình là trận Marengo, ông suýt bị Thống soái Áo Michael von Melas đánh bại. Trong khi đó, Melas là đồng minh của Suvorov trong các chiến dịch tại Ý và ông chỉ hơn danh tướng Nga một tuổi.