Hai đêm hòa nhạc vinh danh The Beatles tại Hà Nội
Loạt nghệ sĩ hàng đầu như Tùng Dương, Uyên Linh, nhóm O Plus tham gia chương trình In the Spotlight: The Beatles Symphony tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Chương trình “In The Spolight: The Beatles Symphony” diễn ra trong hai đêm ngày 5 và 6/12/2020 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của nhạc sỹ Hồng Kiên, dàn nhạc In The Spotlight và các nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam như: Tùng Dương, Uyên Linh, Phạm Anh Khoa, nhóm Oplus, Vũ Đinh Trọng Thắng (Ngọt), Trịnh Nhật Minh, Hoàng Trang và Nguyễn Đông. Nhiều nghệ sĩ Việt lần đầu hát nhạc The Beatles, trong đó có nhiều ca khúc quen thuộc và gắn bó với Việt Nam.
Ban nhạc The Beatles có thể chưa từng tới Việt Nam nhưng tinh thần của họ từ lâu đã ở rất gần với đất nước hình chữ S qua những ca khúc phản chiến, không chỉ đáng trọng về tư tưởng mà còn có giá trị lớn về nghệ thuật. Tinh thần phản chiến của The Beatles, có thể bắt nguồn từ cuộc gặp lịch sử với triết gia, nhà nhân văn học và chủ nhân giải Nobel Văn học năm 1950 Bertrand Russell.
Russell là triết gia, nhà toán học, sử học, logic học và nhà văn, từng đoạt giải Nobel Văn học cùng nhiều danh hiệu lớn khác trong sự nghiệp học thuật lừng lẫy. Ông cũng không xa lạ với các hoạt động phản chiến khi là một trong số ít người tích cực tham gia vào các hoạt động hòa bình từ Thế chiến I. Trong những năm 1960, ông là người ủng hộ hòa bình được quốc tế kính trọng bậc nhất.
Trong cuộc chiến ở Việt Nam, Russell hoạt động rất tích cực. Năm 1963, ông công bố toàn cầu lá thư chỉ trích Mỹ “tiến hành cuộc chiến hủy diệt ở Việt Nam”. Cùng năm, Quỹ Hòa bình Russell được thành lập, sau đó triệu tập tòa án năm 1967 ở Stockholm và Copenhagen với ý định đưa Mỹ ra xét xử vì “tội ác chiến tranh”. Ông cũng thường trao đổi thư từ với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong vô số những hoạt động hòa bình của Russell, một trong những điều gây chú ý nhất là ảnh hưởng của ông với biểu tượng văn hóa thanh thiếu niên những năm 1960: The Beatles. Ngày nay, hầu hết mọi người đều gắn liền lập trường phản chiến nổi tiếng của The Beatles với John Lennon. Tuy nhiên, Paul McCartney từng tuyên bố rằng chính ông mới là người khởi đầu tinh thần chính trị ở The Beatles.
McCartney thường tận dụng danh tiếng của mình để được gặp những người ông ngưỡng mộ. Trong cuốn sách Paul McCartney: Many Years From Now, McCartney kể lại buổi gặp Russell: “Bằng cách nào đó, tôi có số của ông ấy và đã nhấc máy gọi. Tôi thấy ông là một diễn giả tài năng. Tôi đã thấy ông trên TV, đã đọc nhiều tin tức và vô cùng ấn tượng với nhân phẩm và tư tưởng rành mạch của ông. Thế nên, khi có cơ hội, tôi liền tới gặp ông.”
Khi McCartney gặp triết gia Russell, ông đã không thất vọng: “Ông ấy thật tuyệt vời. Ông ấy nói với tôi về chiến tranh Việt Nam – điều chúng tôi hầu như không biết gì – và chỉ ra rằng đó là cuộc chiến tranh vô cùng tồi tệ”. McCartney nhớ lại và cho rằng chính Russell là người khai sáng cho ông và nhóm The Beatles.
Từ giữa những năm 1960, ca từ của The Beatles ngày một kiên định với tinh thần lạc quan mang hơi hướng Russell. Điển hình nhất chính là trong ca khúc All You Need Is Love, với những ca từ khá giống tinh thần của Russell. Hay “thánh ca” phản chiến “Revolution” cũng mang đậm tinh thần Russell: “Anh nói anh muốn một cuộc cách mạng. Ồ, tất cả chúng ta đều muốn thay đổi thế giới. Nhưng khi anh nói về sự hủy diệt, anh nên biết là tôi không đồng tình”.
Russell qua đời năm 1970 ở tuổi 97, khi vẫn đang quyết liệt phản đối chiến tranh Việt Nam. Cùng năm đó, The Beatles tan rã và Lennon có hàng loạt hit phản chiến, bao gồm “Give Peace a chance” và “Happy Xmas (Was is Over)”. Năm 1971, ông có được hit lớn nhất với bài ca hòa bình “Imagine”, trong đó có những ca từ huyền thoại: “Tưởng tượng tất cả mọi người, sống trong hòa bình… Bạn có thể nói tôi là kẻ mộng mơ, nhưng tôi không phải kẻ duy nhất. Hi vọng ngày nào đó bạn sẽ gia nhập với chúng tôi và thế giới sẽ là một”.