Hai điểm nhấn trong 'Hương quê'
Cách nay không lâu, tôi có may mắn được hiểu thêm người Hà Nội từ một góc nhìn rất văn hóa của những người cao tuổi trong ngày ra mắt một tập thơ của nhà thơ đã bước vào tuổi bát thập Trương Ngọc Lan.
Tôi cũng đã nhận được từ nơi đây những tấm lòng thuần khiết, trong sáng, cao đẹp về văn chương nói chung và thơ nói riêng. Và tôi hiểu họ, chứ không phải là ai khác, đã truyền thêm cảm hứng cho tôi - một người yêu thơ - một người làm thơ lâu năm, sắp bước sang tuổi thất thập. Với những người yêu thơ, trong cuộc sống, chỉ riêng việc được gặp gỡ nhau qua thơ, được truyền cảm hứng qua thơ thôi, đã là hạnh ngộ. Riêng sự trân trọng nhau, trân quý những tác phẩm của nhau giữa họ với nhau, không khỏi làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều về cách hành xử mang một vẻ đẹp truyền thống được gìn giữ lâu dài trên mảnh đất ngàn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Trong ngày đáng nhớ ấy, tôi đã may mắn được gặp “Hương quê” và được đọc “Hương quê” của nữ nhà thơ Nguyễn Thị Kim Khánh đã xuất bản qua NXB Hội Nhà văn. Tập thơ trên một trăm trang với 50 bài thơ ngắn.
Đó là một “Hương quê” mà “Đường nhân ái hãy dài thêm, thêm mãi” trong “Hạnh phúc”. Đó là một “Hương quê” mang “Tâm thẳng thân ngay đứng giữa trời” trong “Cây tùng”. Đó là một “Hương quê” trong “Bâng khuâng” mà ký ức mãi còn gắn bó dài lâu với con người, đến nỗi hiện tại vẫn “Văng vẳng chuông chùa ngân thuở trước”, đến nỗi ngỡ như được “Bén duyên trời” và “Bàn tay đánh thức bàn tay” trong “Đêm hội chợ Viềng”. Đó là một “Hương quê” mà người viết rất hiểu quy luật của cõi người trong “Mưa nắng”: “Hết mưa lại nắng/ Hết ngọt rồi đắng/ Bùi lắm cay nhiều/ Yêu yêu giận giận/ Suốt đời lận đận/ Mưa nắng, nắng mưa!”. Đó còn là một “Hương quê” như những khoảnh khắc bừng rộ của tâm trạng, khắc họa sự tiếc nuối, thương nhớ, cô đơn khôn nguôi trong “Chiều vắng”: “Ôi những chuyện không đâu/ Đưa ta vào chiều vắng.../ Một mình bước thấp cao/ Mải trông hình theo bóng”; hay “Thẫn thờ em bến đợi/ Giăng một trời nhớ thương” trong “Bến đợi”... Đối với một người làm thơ, sự cô đơn là rất đáng quý, chính cái cô đơn mới góp phần làm nên sự khác biệt, giúp cho bản ngã của từng người được hình thành, tạo dựng, giúp phân biệt giữa cá nhân này với cá nhân khác.
Trong “Hương quê” có hai điểm nhấn đáng lưu ý. Đó là hai bài thơ thật hay và cũng thật đáng nhớ. Đây là nguyên văn “Hương xưa”: “Chiều buông tím sợi nắng vàng/ Con diều chao liệng dọc ngang lưng trời/ Rạ rơm ai đốt dậy mùi/ Giong trâu đám trẻ nói cười bi bô/ Sông quê dào dạt đôi bờ/ Một bên đợi, một bên chờ... người xưa/ Xa quê từ bấy đến giờ/ Hương quê bỗng chốc ùa về trong tôi”.
Và đây là khổ kết trong “Dòng sông tuổi thơ”: “Dòng sông tuổi thơ/ “Ngày đàng gang nước”/ Giữa dòng bâng khuâng/ Đục-trong-trong-đục/ Tự ta xoay vần”. Nếu “Hương xưa” có những câu được viết khá nhuần nhuyễn, linh hoạt theo thể lục bát truyền thống vẽ nên một bức tranh quê thật đẹp, thật ý vị, thì “Dòng sông tuổi thơ” được viết theo thể thơ 4 chữ (tứ ngôn) giàu nhịp điệu và rất gợi. Giữa dòng bâng khuâng và vừa trong, vừa đục ấy, con người ta phải làm chủ mình, phải tìm ra cho mình một cách ứng xử uyển chuyển đầy bản lĩnh - đó là thông điệp của khổ thơ này.
Thơ ấy là thơ của một người có tâm, có tình, hướng vào đời sống, neo vào đời sống mà sống theo lối thích nghi, phù hợp. Đó là những kỷ niệm còn đeo đẳng một đời người, theo suốt một đời người theo một hành trình ngỡ như bất tận. Đó là nỗi nhớ, nỗi buồn, nỗi ám ảnh làm con người ta lớn dậy. Thơ là vậy! Càng giản dị, càng gần gũi, càng có ích với con người thì càng dễ đi vào lòng người đọc.
Nữ nhà thơ Nguyễn Thị Kim Khánh quê gốc ở Ninh Bình, đã sinh sống và làm việc tại Hà Nội từ nhiều năm nay, là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Nhà thơ có mặt trong nhiều tuyển tập thơ và đã có 2 tập thơ in riêng.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hai-diem-nhan-trong-huong-que-676631.html