Hai 'điểm nóng' tài nguyên môi trường tại Quảng Ngãi
Nhiều ngày nay, tại thôn An Hội Nam 2 (xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) có hàng trăm lượt xe tải BKS 76, mang logo Công Ty TNHH XD Khánh Văn ra vào chở đất đem bán công khai.
Một vùng đất đồi rộng lớn gần 10ha đã bị đào xới, ước tính hàng trăm m3 đất được mang ra khỏi hiện trường. Những ngày trời nắng, bụi tung mù mịt. Được hỏi đến, hơn 1.000 hộ dân An Hội Nam 2 và xã giáp ranh Nghĩa Hành ai cũng biết chuyện mỏ đất không phép đã nêu trên đang bị múc trộm khoáng sản.
“Chơi ú tim” với lực lượng chức năng
Chiều 26/3, có mặt tại mỏ đất, PV tận mắt chứng kiến hàng chục chiếc xe mang logo Khánh Văn đang tập kết lấy đất. Hai xe múc ở hai vị trí khai thác (cách nhau khoảng 500m) ầm ì nổ máy hoạt động. Để vào sâu được bên trong mỏ đất, phải đi qua con đường độc đạo duy nhất bị cày xới nham nhở. Gần vị trí khai thác, luôn có một người đi xe máy luôn lượn lờ qua lại cảnh giới.
Vừa thấy người lạ xuất hiện, người này tiếp cận quan sát, rồi lấy điện thoại ra gọi. Chưa đầy năm phút sau, ba xe máy có mặt đứng vây quanh nhóm khách và tiếp tục điện thoại. Nhóm PV bước xuống sử dụng máy quay công khai tác nghiệp. Nhóm người đi xe máy rời hiện trường. Lần lượt sau đó, đoàn xe tải cũng ngưng lấy đất và chạy không ra khỏi mỏ.
Trước đó, vào ngày 24, 25 và sáng 26/3, PV mật phục hiện trường mỏ đất, nhưng không hề có bóng dáng chiếc xe nào, kể cả xe múc, xe đào. Trong khi mới ngày 23/3, hoạt động khai thác đất trái phép tại đây vẫn diễn ra bình thường.
Theo nguồn tin, thời điểm này trùng khớp với lịch kiểm tra thực địa vị trí khai thác đất gò đồi của đoàn công tác do ông Nguyễn Thiên Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa dẫn đầu cùng các Phòng TN&MT, Văn phòng UBND, NN&PTNT, Công an huyện, công chức địa chính xã Nghĩa Kỳ… (ngày 24/3); các ngày 25/3 và sáng 26/3 địa chính huyện Tư Nghĩa và xã Nghĩa Kỳ đi đo đạc thực địa để làm báo cáo.
Lãnh đạo huyện xác nhận, việc kiểm tra này được tiến hành đột xuất sau khi có phản ánh của người dân, cũng như báo cáo của UBND xã Nghĩa Kỳ (Báo cáo số 17/UBND ngày 18/3) về hiện tượng khai thác đất đồi trái phép ở thôn An Hội Nam 2.
Điều này cho thấy, đối tượng khai thác đất trái phép đã được cho biết trước lịch kiểm tra của huyện và đã tẩu tán toàn bộ máy móc ra khỏi hiện trường. Thực tế, PV cũng nhận được nhiều phản ánh từ người dân rằng, hoạt động khai thác đất trái phép ở đây rất công khai, rầm rộ nhưng chưa có đoàn kiểm tra nào… bắt được quả tang. Người dân nghi ngờ tính khách quan sau mỗi đợt làm việc, thậm chí khẳng định, phải chăng có sự “bảo kê” từ phía cán bộ chức năng?
Tại buổi làm việc với PV, có đại diện Phòng TN&MT, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Kỳ… PV đặt vấn đề: “Có hay không việc thông tin về các cuộc thanh, kiểm tra đã được “lộ” ra cho đối tượng khai thác đất?”, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành yêu cầu Chủ tịch xã Nghĩa Kỳ trả lời. Song ông Nguyễn Hồng Hà, Chủ tịch UBND xã không trả lời.
Trong khi đó, báo cáo buổi đi thực địa ngày 24/3, ông Trần Thiên Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện kết luận, qua kiểm tra ghi nhận, việc người dân tự ý hợp đồng chuyển nhượng, tổ chức khai thác đất trái phép diễn ra trước thời điểm kiểm tra trong thời gian dài trên địa bàn An Hội Nam 2.
Cụ thể, vị trí này có nguồn gốc đất của ông Huỳnh Văn Của, Huỳnh Mãi (người địa phương), hợp đồng chuyển nhượng các thửa đất cho ông Nguyễn Khánh Văn ở TP Quảng Ngãi để tổ chức khai thác đất trái phép. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, hiện trường không có phương tiện khai thác. Đồng thời huyện phê bình Chủ tịch UBND xã Nghĩa Kỳ vì phát hiện vụ việc quá chậm, để xảy ra trong thời gian dài.
Do đó, để kịp thời chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng trên và làm cơ sở xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc khai thác cát trái phép, huyện yêu cầu, giao UBND xã Nghĩa Kỳ khẩn trương, phối hợp với các ngành chức năng liên quan, cử các lực lượng để theo dõi, quản lý chặt chẽ, không cho các đối tượng tổ chức khai thác đất lén lút tại các vị trí đã phát hiện. Lập biên bản biện trường, xác định đối tượng vi phạm.
Thế nhưng, sau chỉ đạo của Phó Chủ tịch huyện, hoạt động múc trộm đất từ ngày 28/3 đến nay vẫn diễn ra như bình thường. PV tiếp tục mang nội dung, cũng như bằng chứng phản ánh lại với Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa.
Ngày 30/3, ông Lê Trung Thành cho biết đã chỉ đạo Công an huyện, UBND xã Nghĩa Kỳ vào kiểm tra, tịch thu công cụ phương tiện. Chiều 30/3, tiếp tục ông Nguyễn Thiên Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện đã lập đoàn liên ngành đi kiểm tra.
Khi được hỏi, ông Nguyễn Khánh Văn là ai, Công ty TNHH XD Khánh Văn hoạt động như thế nào, với việc để thất thoát lượng lớn tài nguyên khoáng sản thời gian dài xử lý ra sao, ông Thành cho biết, sẽ thông tin cụ thể khi đoàn đi kiểm tra.
Xe ra vào mỏ đá cày phá mặt đường
Ngoài một số “điểm nóng” khai thác trái phép, trộm cắp tài nguyên khoáng sản mang bán, tại tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua đã có hàng chục địa điểm được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép khai thác đất, đá… phục vụ các dự án xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều địa điểm được cấp phép nằm sát khu dân cư, việc vận chuyển gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Đơn cử, nhiều ngày qua, người dân các xã Bình Nguyên (Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) phải dùng các vật dụng như thân gỗ, thang, bàn ghế... ngăn xe tải chở đất từ các mỏ khai thác đất, đá trên địa bàn. Lý do vì không chịu nổi cảnh ngày ngày xe chở đất, đá nối đuôi nhau cày phá đường, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông và làm cuộc sống bị đảo lộn.
Theo ông Châu Văn Thức, thôn Đông Bình, chỉ trong phạm vi chưa đầy 2km mà có đến 4 mỏ đất, đá cùng hoạt động gồm: mỏ đá Trì Bình, Bình Nguyên, Hưng Thịnh và mỏ đất Bảo Châu. Tại các mỏ đất đá này, hằng ngày tuyến đường từ Trì Bình, Bình Nguyên đi QL1A lúc nào cũng tấp nập xe tải ra vào. Quá trình vận chuyển làm phát sinh lượng bụi rất lớn, nhưng DN lại không duy trì thường xuyên việc tưới, rửa đường, giảm thiểu bụi bẩn gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Bất chấp sự phản đối của người dân, mỗi ngày có vài trăm lượt xe tải chở đất, đá chạy qua đây khiến đường sá hư hỏng, “ổ gà, ổ trâu” dày đặc thường xuyên gây tai nạn cho người tham gia giao thông. Những hộ dân kinh doanh khu vực này không thể làm ăn vì môi trường ô nhiễm, đặc biệt kinh doanh cửa hàng ăn, uống.
“Xe chạy bất kể ngày đêm, người già, con nít mất ăn, mất ngủ. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng không ai xuống giải quyết”, ông Thức bức xúc. Bên cạnh đó, người dân còn lo lắng hơn cả là mỏ đá Hưng Thịnh mới được cấp phép nằm sát với thân đập Hàm Rồng, thôn Bình Chánh có nguy cơ bị hư hỏng nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Ông Nguyễn Tài Thịnh, Chủ tịch xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn cho biết, tình trạng xe chở đá gây bụi, tiếng ồn và làm xuống cấp hạ tầng giao thông ở tuyến đường Trì Bình đã kéo dài nhiều năm nay.
Mặc dù UBND huyện, xã đã nhiều lần chỉ đạo khắc phục nhưng các DN vẫn chây ỳ, chỉ thực hiện rải đá cấp phối tại các đoạn hư hỏng, nên sau vài ngày, đường sá trở lại như cũ. “Các mỏ đất, đá này do tỉnh cấp phép chứ không thuộc thẩm quyền của huyện. Xe chở bụi quá, bà con buộc phải chặn xe”, ông Thịnh nói.
Cũng lời ông Thịnh, Luật Khoáng sản có quy định các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác. Thế nhưng, xã không có thẩm quyền nên không thể buộc các DN khai thác khoáng sản thực hiện các nghĩa vụ trên.